Thế giới đang bị Tổng thống Mỹ Donald Trump thôi miên với từng câu nói, hành động, chính sách của ông. Ông không giống bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào của nước Mỹ. Chưa từng giữ một chức vụ dân cử nào. Cũng chưa có tổng thống hay chính khách nào của Mỹ lại có tính cách giang hồ như ông. Ông là vị tổng thống được nhiều người hâm mộ và cũng khiến nhiều người coi thường, chán chường, ghét bỏ.
Một trăm ngày trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, ông đã không thực hiện được hầu hết những gì ông đã hứa lúc tranh cử – từ chính sách y tế, chính sách di dân, đến bức tường dọc biên giới Mexico, phê phán chính sách tiền tệ của Trung Quốc…, nhưng ông vẫn còn được hơn 40% người dân Mỹ ủng hộ. Tuy không phải là đa số tuyệt đối, nhưng cũng không phải là một con số nhỏ. Nhiều tổng thống Mỹ lúc tại chức kể cả ông Obama cũng từng có nhiều khoảng thời gian dài tỷ lệ người ủng hộ dưới 40%.
Vậy thì tại sao một người được coi là thiếu tư cách nghiêm túc của một tổng thống, một người phát ngôn bừa bãi, bất nhất, thường buộc tội người khác mà không có bằng chứng, cơ sở mà vẫn còn được một số lượng lớn người dân Mỹ ủng hộ như vậy? Thật ra, trường hợp Tổng thống Donald Trump chỉ là bề nổi của một câu chuyện lớn hơn rất nhiều so với cá nhân ông. Trong chừng mực nào đó, có thể xem sự kiện Donald Trump là hiện tượng ban đầu của một cơn địa chấn có thể làm đảo lộn trật tự thế giới.
Các nước dân chủ nói chung và nước Mỹ nói riêng đang đi đến một cực điểm khi người dân không thể chấp nhận tính mị dân của các chính trị gia vì lợi ích cá nhân hoặc đảng phái. Người dân mất lòng tin vào hệ thống dân cử. Tính chính thống của hệ thống dân chủ đang dần phai nhạt. Riêng với Mỹ, năm 2016, lần đầu tiên nước này không còn được The Economist đánh giá là một nước dân chủ đầy đủ (full democracy), mà là một nước dân chủ có vấn đề (flawed democracy), đứng thứ 20 theo xếp hạng mức độ dân chủ của các nước trên thế giới.
Từ lâu rồi, người dân Mỹ đã mất tín nhiệm vào một số cơ chế chính trị, đặc biệt là vào Quốc hội, trung tâm đại diện cho dân và là cơ quan quyền lực cao nhất của Mỹ. Chỉ khoảng 8% (Gallup, 6-2016) là còn tín nhiệm những người do họ bầu ra – những người từ dân và đáng lẽ phải vì dân – so với tỷ lệ 19% của 10 năm trước và khoảng 25% của 20 năm trước.
Hơn 30 năm nay, người Mỹ đã chán ngán với những người do họ bầu ra hoang phí không biết bao nhiêu tài sản của đất nước chỉ để củng cố quyền lực cá nhân và đảng phái. Những nhóm đặc quyền như hiệp hội ngân hàng, y tế, bảo hiểm, luật sư, v.v… đang thao túng Quốc hội và chính giới Hoa Kỳ để đưa ra những đạo luật bất lợi cho người dân nhưng lại có lợi cho thành viên của các nhóm đặc quyền.
Người dân đã lên tiếng nhiều lần nhưng họ vẫn cảm thấy vô vọng. Cụ thể nhất cách đây mười một năm, họ đã thể hiện sự mất lòng tin vào những chính trị gia chuyên nghiệp bằng cách bầu cho một người da màu rất trẻ, mới 43 tuổi, chưa hề có một thành tích chính trị nào cả là ông Obama vào Thượng viện và chỉ ba năm sau vào Nhà Trắng.
Ông Obama hiểu chuyện đó, ông hiểu lòng dân và đã cố gắng điều chỉnh hệ thống để có tính cách vì dân hơn. Tuy nhiên, những chính sách của ông thường bị chống đối kịch liệt vì đụng chạm đến quyền lợi sâu sắc của thành phần có khả năng chi ra số tiền kếch xù để “lobby” những người làm luật, để họ có thể tiếp tục làm giàu hợp pháp.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng; giới trung lưu là xương sống của xã hội Mỹ ngày càng teo lại. Cuối cùng, người dân vẫn cảm thấy chưa hài lòng sau tám năm với những nỗ lực của ông Obama. Năm ngoái (2016), người dân Mỹ quyết định đi một bước xa hơn nữa là phát động một “phong trào dân túy” (populist movement), bầu cho một người chưa hề chính thức tham gia chính trường, chưa từng nắm giữ một chức vụ công quyền nào cả.
Họ muốn đưa một “người ngoài cuộc” (an outsider) vào cuộc chơi. Họ muốn một người “giang hồ” chưa có nợ nần với chính giới vào để thay đổi luật chơi, tạo nên một sân chơi bình đẳng hơn cho giới trung lưu và tầng lớp lao động. Chuyện ông Trump có làm được những gì mà người bầu cho ông kỳ vọng hay không còn là một dấu hỏi lớn. Nhưng điều thể hiện rõ nhất là người dân Mỹ đã nói lên sự bất mãn của họ qua việc bầu cho ông Trump.
Dân Mỹ tức giận nhiều năm nay, họ muốn chính trị gia đã nói là làm và trung thực với họ. Vậy mà các đảng chính trị ở Mỹ đã không thức thời và không kịp thời đưa ra một ứng cử viên đúng với ý dân, có khả năng điều chỉnh hệ thống đồng thời có tư cách xứng đáng làm nguyên thủ quốc gia hơn ông Trump.
Ông Bernie Sanders thuộc đảng Dân chủ là người rất mạnh dạn, được nhiều cử tri yêu quý, đặc biệt là giới trẻ và trí thức. Ông cũng thuộc thành phần chống lại hệ thống cầm quyền (anti-establishment), nhưng hơi nghiêng về chủ nghĩa xã hội là điều mà người dân Mỹ dị ứng, cho nên đảng Dân chủ không dám chấp nhận rủi ro đề cử ông ra tranh cử với ông Trump thay vì chọn bà Clinton.
Tương lai của ông Trump sẽ đi về đâu? Thật sự cũng khó đoán vì dù cá nhân ông có nhiều khuyết điểm so với một chính trị gia đạo đức bình thường, nhưng ông đã lên nắm quyền một cách chính thống, được nhiều người ủng hộ mạnh mẽ. Ông lại là người làm truyền thông rất thuyết phục và có khả năng bắt mạch tâm lý quần chúng rất tốt. Ông cũng có một số điểm yếu.
Một là khả năng xảy ra xung đột quyền lợi giữa công việc kinh doanh với vai trò tổng thống. Con cái của ông Trump đang quản lý một hệ thống kinh doanh chằng chịt khắp thế giới. Rủi ro thứ hai, nếu bị phát hiện là ông đã toa rập với Tổng thống Nga Putin, dựa vào hệ thống tình báo của Nga để tranh cử với bà Clinton, thì đây có thể là lý do khiến ông bị khởi tố, thậm chí bị cách chức (impeachment). Tuy vậy, cách chức một tổng thống không đơn giản khi cả lưỡng viện Quốc hội đang nằm trong tay đảng Cộng hòa.
Nhưng tình huống có thể xảy ra là vào năm 2018 (năm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống), một trong hai viện Quốc hội, hoặc cả hai viện, sẽ vào tay đảng Dân chủ đối lập. Như vậy vô hình trung ông Trump sẽ bị vô hiệu hóa, không còn độc quyền để làm những gì ông muốn. Và sau đó, nếu người dân Mỹ thấy ông cũng không làm được gì để thay đổi cục diện của họ, mà chỉ hứa cuội như những chính trị gia khác, họ sẽ không bầu cho ông nữa.
Trump ứng cử với những lời hứa khó hoặc không thể thực hiện được. Ông ta đã hứa là sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ bằng cách ép buộc những công ty sản xuất của Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài trở lại Mỹ để tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Hoàn cảnh kinh tế thế giới bây giờ không đơn giản như thế.
Công ty Apple cũng như hàng nghìn công ty khác của Mỹ có thể bỏ Trung Quốc về Mỹ để sản xuất, nhưng giá thành sản phẩm của họ sẽ rất cao, sản phẩm mất tính cạnh tranh, sẽ mất thị trường, rồi cuối cùng họ cũng vẫn phải sa thải người lao động. Các hiệp định thương mại đã tạo ra những giá trị lớn và khối lượng giao thương với các nước đã tăng lên theo cấp số nhân trong mấy thập niên qua.
Vấn đề thất nghiệp không phải là do sản xuất ở đâu, mà do trào lưu tiến hóa của công nghệ tự động hóa đang tiếp tục làm giảm số lượng nhân công đến hơn 50% với các ngành sản xuất và 20% đến 30% các công việc văn phòng trong vòng năm năm tới. Thêm vào đó, nguyên tắc cơ bản của kinh tế tư bản là người nắm tiền (capitalist) có quyền chi phối khiến họ giữ phần lớn lợi nhuận cho mình. Các tầng lớp khác trong xã hội, vì vậy, có cảm giác không được đối xử công bằng.
Chính áp lực công ăn việc làm và cảm giác vừa nói sẽ đẩy phong trào dân túy đến vực thẳm của sự bất ổn định. Người dân sẽ muốn thay đổi hệ thống ngay khi chưa có một mô hình thay thế ổn định hơn.
Tự do mậu dịch đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho công dân toàn cầu và tăng thu nhập cho họ. Nhưng tâm lý bị đối xử bất công và khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng quá xa đã gây ra tâm lý bất ổn, đòi hỏi một cuộc thay đổi thật sự. Hiện tượng bất thường của ông Trump có thể xảy ra ở Mỹ (và đã làm “sốc” thế giới) bởi vì Mỹ là một nước dân chủ, nơi người dân rất nhạy cảm với hoàn cảnh của họ và họ cũng là những người thiếu kiên nhẫn nhất so với người dân ở các nước dân chủ khác. Ông Trump là hiện tượng của người dân đòi hỏi sự phân phối lợi nhuận một cách hợp lý hơn.
Cả thế giới chứ không riêng Mỹ đang đứng trước một bài toán phức tạp chưa có lời giải. Kinh tế tư bản đang đi vào chu kỳ đòi hỏi một sự điều chỉnh lớn, nhưng hệ thống lại chưa sẵn sàng và chưa biết phải điều chỉnh như thế nào. Nhà chính trị học Mancur Olson trong nhiều cuốn sách nổi tiếng đã chỉ ra nguy cơ của thể chế dân chủ và kinh tế thị trường từ nhiều thập niên trước: thể chế dân chủ cho phép người dân có quyền đòi hỏi và người dân cử phải có khả năng đại diện người dân thực hiện những đòi hỏi đó.
Điều này dẫn đến tình trạng đất nước có quá nhiều nhóm đặc quyền đặc lợi. Vô hình trung hệ thống dân chủ trên danh nghĩa đại diện cho dân lại tạo ra những khối đặc quyền phục vụ cho thiểu số người có tiền, có khả năng mua chuộc giới lãnh đạo chính trị, kết quả là một số người cảm thấy bị đối xử bất công. Và trên thực tế không có một đất nước nào giàu có đến mức có thể thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi quá nhiều từ những nhóm đặc quyền trong nước, dẫn đến sự suy kiệt nguồn lực quốc gia, không lo chu toàn cho người dân được nữa.
Nước Mỹ là một nước giàu có, vì vậy ngoài những cuộc chiến hao tốn hàng chục nghìn tỉ USD ở Việt Nam trước đây hay Iraq, Afghanistan…, mỗi năm còn lãng phí hàng nghìn tỉ USD cho những dự án phí phạm (pork barrels) mà chỉ có những nhóm đặc quyền được hưởng lợi. Sau một thời gian chịu đựng đến một mức độ nào đó, bây giờ là lúc họ lên tiếng. Đây là thời điểm có thể gây bất ổn lớn cho nước Mỹ. Mỹ mà bất ổn thì toàn cầu cũng bất ổn theo, từ kinh tế đến chính trị và dĩ nhiên là xã hội.
Một trật tự mới của thế giới đang diễn ra. Một thời điểm lịch sử đánh dấu sự chuyển mình ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sắp tới. Điểm nóng xảy ra vào lúc nào thì chưa rõ. Sự hội tụ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin làm cho nạn thất nghiệp ngày càng tăng, lòng dân bất an, cộng thêm sự bất ổn về chính trị sẽ gây ra nhiều hệ quả không lường được.