Cuối năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á (CVSEAS) đã trở thành cầu nối tư vấn miễn phí cho sinh viên muốn sang du học ở Đại học Hawaii. Đây là một hoạt động khá mới mẻ và nổi bật vì từ trước đến nay, CVSEAS chỉ “nép mình” trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh và trung tâm thường được mọi người biết đến với chức năng nghiên cứu và phổ biến những thành tựu nghiên cứu khoa học về Việt Nam và Đông Nam Á. Buổi trò chuyện ngắn với Tiến sĩ Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á sẽ cho bạn đọc cái nhìn rõ hơn về vai trò đa dạng của CVSEAS.
Cơ duyên nào mà ông biết đến chương trình du học Hawaii và giới thiệu đến sinh viên Việt Nam?
Trong một dịp được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho đi làm nghiên cứu ở Hawaii trong vòng một năm, tôi phát hiện ra cơ hội du học Hawaii đang rộng mở đối với sinh viên Việt Nam. Vì Đại học Hawaii là trường duy nhất tại Mỹ có sứ mệnh gắn liền với việc phát triển các nước Đông Nam Á nên sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực khi đi du học tại đây sẽ có nhiều lợi thế và bước tuyển sinh đầu vào cũng tương đối dễ dàng. Cũng trong chuyến đi này, tôi may mắn được gặp Giáo sư Bùi Tùng, Tiến sĩ Kinh tế Quản lý là Giám đốc của Viện nghiên cứu Quản lý các hệ thống thông tin Thái Bình Dương, đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) của Đại học Hawaii. Nhờ có sự kết nối của GS Bùi Tùng, chi phí du học của sinh viên Việt Nam ở Đại học Hawaii giảm hơn một nửa, từ 32.000 USD chỉ còn khoảng 15.000 USD mỗi năm. Đây là một cơ hội tốt cho sinh viên thực hiện ước mơ du học nên chúng tôi thấy mình có nhiệm vụ phải phổ biến chương trình này đến cộng đồng.
Đây là một chương trình hữu ích cho sinh viên đa ngành chứ không riêng gì ngành xã hội, vì sao CVSEAS không phổ biến rộng rãi trên cả nước mà chỉ tổ chức một buổi giới thiệu nhỏ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh?
Chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn một cách chu đáo cho tất cả những bạn trẻ có nhu cầu du học Hawaii. Còn vấn đề truyền thông thì chủ yếu là “truyền miệng” và qua website của trung tâm chứ chúng tôi không có đủ chi phí cho việc tổ chức nhiều buổi hội thảo hoặc đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông hơn.
Trung tâm CVSEAS không hoạt động dựa trên kinh phí của nhà nước. Chúng tôi hiện là một tổ chức độc lập, tự tìm nguồn vốn duy trì hoạt động của mình và đóng thuế cho nhà nước như một doanh nghiệp độc lập. Tôi và anh phó giám đốc trung tâm hiện đang làm việc không lương một cách tự nguyện. Nhân viên của CVSEAS hiện cũng đang nhận đồng lương hạn chế mỗi tháng một cách vui vẻ. Điều này nghe có vẻ lý tưởng hóa nhưng với chúng tôi, làm công việc có lợi cho xã hội thực sự là một món quà mỗi ngày.
Vậy nguồn vốn duy trì hoạt động của trung tâm là từ những nguồn nào?
Đó là từ những dự án nước ngoài. Khi các tổ chức, chương trình bên ngoài đến tìm đối tác tại Việt Nam thông qua CVSEAS, họ sẽ trả phí cho vai trò “cầu kiều” của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các khóa dạy tiếng Khmer, Thái, Lào và sắp tới là khóa dạy tiếng Indonesia cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của chúng tôi vẫn là liên kết với một số trung tâm và cơ quan nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch mở rộng hợp tác với các cộng tác viên ở địa phương, các tổ chức trong nước và ngoài nước nhằm mở rộng dịch vụ đào tạo ngắn hạn và dài hạn, phổ biến kiến thức Việt Nam và Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ khoa học, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học và nghiên cứu khoa học.
Vai trò liên kết với một số trung tâm và cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước thể hiện trong những việc gì, xin ông nói rõ hơn?
Đó là tìm kiếm, kêu gọi các dự án nghiên cứu từ nước ngoài dựa trên những mối quan hệ của cá nhân và tổ chức. Bản thân tôi từng có mười năm làm công việc liên quan đến hợp tác quốc tế nên các mối quan hệ cá nhân có giúp ích khá nhiều trong nhiệm vụ này. Trung tâm sẽ tạo cơ hội cho các thầy cô, sinh viên, nghiên cứu sinh trong nước hợp tác hoặc tham gia vào các dự án nước ngoài để họ có cơ hội được giao lưu, học hỏi với những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Theo đó, năng lực, chất lượng của giáo viên, sinh viên trong nước cũng phát triển ít nhiều.
Chẳng hạn như dự án “Nâng cao Năng lực nghiên cứu Khoa học về Biến đổi Khí hậu” dưới sự điều phối của Trường Đại học Alicante, Tây Ban Nha, kéo dài trong ba năm và được tài trợ bởi Quỹ Erasmus+ của Liên minh châu Âu. Dự án này được tiến hành nhằm đào tạo và nâng cao đội ngũ cũng như phương pháp nghiên cứu về biến đổi khí hậu, góp phần làm tăng hiệu quả và giá trị thiết thực cho các hoạt động nghiên cứu ứng phó với hiện tượng này. Hay một dự án khác chúng tôi đang tham gia là dự án mở rộng cho ba trường đại học ở châu Âu và sáu trường đại học ở Việt Nam, nhằm đẩy mạnh và cải thiện phương pháp quản lý nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở Việt Nam cũng như nâng cao khả năng nghiên cứu của cộng đồng khoa học của nước sở tại (ENHANCE). Dự án này kéo dài ba năm và được tài trợ bởi Ủy ban Liên minh châu Âu. Đây sẽ là cơ hội cho các trường Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Nông lâm Huế, Đại học An Giang và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM hình thành nên môi trường nghiên cứu khoa học vững mạnh, góp phần cho sự phát triển của đất nước về mặt tri thức.
Mới đây chúng tôi đã hoàn thành dự án về “Quyền sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển” do Quỹ tài trợ cho những dự án nghiên cứu đặc biệt của Đại học Waseda (Nhật Bản) tài trợ. Các bài viết mang tính học thuật cao của các giáo sư và chuyên gia về QSHTT cũng đã được soạn thành sách do NXB Đại học Quốc gia TP.HCM xuất bản, giúp cho các chuyên gia về QSHTT và các nhà hoạch định chính sách triển khai các chính sách phù hợp có lợi cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Ngoài ra, chúng tôi còn là cầu nối để các học giả, chuyên gia từ Đại học Fulbright đến Việt Nam để nghiên cứu về tác hại của chất độc màu da cam hay tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp… Những giáo viên, sinh viên có cơ hội tham gia vào những chương trình này không chỉ có thêm chi phí cho cá nhân mà còn có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.
Có thể nói, các chương trình, dự án mà chúng tôi tham gia thì rất nhiều, công việc của từng thành viên ở trung tâm phải làm mỗi ngày cũng không ít. Nhưng chúng tôi chỉ cùng nhau làm thật tốt từng dự án một chứ không đòi hỏi phải có danh hiệu, bằng khen. Món quà quý nhất đối với chúng tôi chính là sự tin cậy và hợp tác lâu dài của các đối tác trong và ngoài nước.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
- Tường Lam