Tháng 3-2019, ngành sản xuất mỹ phẩm còn non trẻ của Việt Nam có thêm tín hiệu tốt khi CVI Pharma – một doanh nghiệp dược trong nước tuyên bố sẽ đầu tư quy mô vào lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh này.
Theo chia sẻ của ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị CVI, doanh nghiệp này sẽ đầu tư sản xuất mỹ phẩm công nghệ cao tại nhà máy Hòa Lạc (Hà Nội) trên cơ sở liên kết chuyển giao công nghệ với Hàn Quốc.
Mục tiêu CVI đặt ra là trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hàng đầu Việt Nam.
Nhu cầu mỹ phẩm tăng trưởng nhanh
Theo bà Huỳnh Bích Trân, Phó giám đốc dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, nghiên cứu thị trường mỹ phẩm từ thiên nhiên tại sáu nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam rất hứng thú tìm kiếm các sản phẩm cải tiến trên thị trường, với 88% có nhu cầu mua sản phẩm mới, cao nhất trong khu vực.
Số liệu của Viện nghiên cứu Yano (Nhật Bản) cũng cho biết Việt Nam là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, thị trường này đạt quy mô giá trị 2,35 tỉ USD.
Dự kiến trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của thị trường mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm của Việt Nam sẽ khoảng 15 – 20%/năm. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn mỹ phẩm lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.
Riêng năm 2016, mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm 28 – 30,3% tổng thị phần mỹ phẩm tại Việt Nam. Trong ba năm trở lại đây, con số này tăng lên mức 30 – 43%.
Song song đó, nhiều doanh nghiệp nội địa cũng đang nỗ lực chiếm thị phần và có những thành công đáng kể. Quảng cáo rầm rộ nhất có thể kể đến Công ty Sao Thái Dương với dầu gội Thái Dương và bộ mỹ phẩm Tây Thi; hay Công ty Hoa Thiên Phú với sản phẩm Sắc Ngọc Khang.
Các thương hiệu quen thuộc như Miss Saigon, Fresh (của Mỹ phẩm Sài Gòn), Thorakao (của Mỹ phẩm Lan Hảo), Lana, E 100 (của Đại Việt Hương) vẫn kinh doanh khá ổn định.
Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) hiện đang nghiên cứu và tung ra thị trường các dòng sản phẩm nghiêng về thiên nhiên nhiều hơn. Hiện các sản phẩm thiên nhiên của hai nhóm nước hoa và dầu gội chiếm hơn 30% doanh thu của SCC.
Với các dòng sản phẩm truyền thống như dầu gội bồ kết, SCC phải bắt tay với đối tác ngoại để thiết kế lại kiểu dáng bao bì, đáp ứng thị hiếu của người dùng.
Còn với các dòng sản phẩm mới như lá neem và dầu bưởi, SCC đang kết hợp với một số công ty nước ngoài nghiên cứu sản phẩm ở phân khúc tiệm trung cấp (trên bình dân).
Cũng giống như SCC, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài đang là lựa chọn của CVI khi muốn mở rộng thị phần ngành mỹ phẩm.
Đại diện CVI cho biết doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm thì phải nâng lên CGMP ASEAN để sánh ngang với thị trường trong khối. Theo đó, năm 2018 hãng dược này đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện kiểm định Chất lượng Quốc gia của Hàn Quốc (KTR).
Nếu được KTR cấp phép, sản phẩm có thể vào 100 nước trên thế giới. Bước đầu CVI đặt mục tiêu có được chứng nhận cho các sản phẩm mỹ phẩm tại nhà máy mới.
Hoạt động mua bán sáp nhập sẽ phổ biến
Trên thực tế, thị trường mỹ phẩm Việt Nam còn rất tiềm năng với nhiều dòng sản phẩm khác nhau như mỹ phẩm tóc, mỹ phẩm trang điểm mặt, dược mỹ phẩm trị liệu.
Cách đây không lâu, Công ty Asia Plus đã tiến hành khảo sát việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm của gần 500 phụ nữ độ tuổi 16-39 trên cả nước.
Kết quả cho thấy ba năm gần đây, số lượng phụ nữ có trang điểm tăng từ 76% lên 86%, đồng thời số người trang điểm thường xuyên (ít nhất 4 lần/tuần) cũng tăng từ 35% lên 39%.
Theo thống kê, hiện một phụ nữ thuộc lớp trung lưu ở Việt Nam chi trung bình 450.000-500.000 đồng/tháng cho các sản phẩm trang điểm.
Sự gia tăng mức chi tiêu trung bình này chủ yếu đến từ những phụ nữ độ tuổi 25-45 có thu nhập hằng tháng từ 20 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, sự có mặt của doanh nghiệp Việt ở dòng mỹ phẩm trang điểm là không đáng kể.
Ở dòng mỹ phẩm dành cho tóc, khối doanh nghiệp nội từng chứng kiến sự thành công ấn tượng của Công ty Ngữ Á Châu sở hữu thương hiệu Kanac.
Tính đến năm 2018, các loại hóa chất uốn, nhuộm, dầu gội – hấp và wax tạo kiểu của Ngữ Á Châu chiếm 10% thị phần tại Việt Nam, với hơn 200 tổng đại lý và hiện diện ở 10.000 salon tóc.
Đây cũng là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP về sản xuất hóa mỹ phẩm làm tóc vào năm 2011, sản phẩm công ty đủ điều kiện xuất khẩu.
Cuối tháng 1-2018, Công ty Takara Belmont đến từ Nhật Bản đã mua lại 97% cổ phần của Ngữ Á Châu với giá khoảng 900 triệu yen (tương đương 181,2 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Văn Ngữ, nhà sáng lập Ngữ Á Châu thẳng thắn chia sẻ lý do bán công ty hơn chục năm tuổi: “Con đường kinh doanh tốt nhưng chúng tôi không có nguồn lực.
Gọi vốn ngân hàng thì phải thế chấp tài sản. Các nguồn vốn ưu đãi chúng tôi cũng không tiếp cận được, phải dùng vốn tự có.
Việt Nam vừa ký TPP mới rồi. Áp lực cạnh tranh cực lớn. Chúng tôi ý thức được mình không cạnh tranh nổi. Nếu giữ lại thì một ngày nào đó, chúng tôi sẽ mất trắng công ty”.
Ông Ngữ đã rời ghế CEO và không đóng bất cứ vai trò gì sau M&A, chỉ trừ việc cố vấn khi cần thiết.
Nếu TPP làm tăng sức ép cạnh tranh thì internet cũng đang tăng khả năng tham gia thị trường của các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp trong ngành mỹ phẩm.
Theo báo cáo mới nhất của Q&Me về thói quen trang điểm và thị trường mỹ phẩm Việt Nam 2018, số lượng người mua hàng trực tuyến các sản phẩm mỹ phẩm tăng tới 77% so với 54% hai năm trước.
Trong đó, số người mua theo kênh online tăng từ 9% (năm 2017) lên 22% (năm 2018). Ngày nay, online không chỉ là kênh bán hàng phổ biến mà còn là nguồn thông tin có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng.
Nhiều người trong nghề cho rằng thực tế này lại khiến mọi chuyện trở nên đơn giản hơn trước. Các nhà sản xuất mỹ phẩm không cần dùng đến “chiêu trò” mà chỉ cần có được sản phẩm tốt cùng sự trung thực, chân thành và quan tâm tới những nhu cầu dù nhỏ nhất của khách hàng là có nhiều cơ hội thắng.