Với mức tăng trưởng gần 30% mỗi năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang tạo cơ hội lớn cho nhiều loại hình doanh nghiệp. Không có lợi thế về hệ thống phân phối cũng như ngân sách quảng cáo, một số doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Việt Nam vẫn từng bước xây dựng được chỗ đứng ở các thị trường ngách. Đã có những sản phẩm làm đẹp “made in Vietnam” giá cao tương đương sản phẩm tương tự của các thương hiệu hàng đầu thế giới mà vẫn bán chạy. Bảo đảm được nguồn gốc thiên nhiên của mỹ phẩm và hiểu rõ tâm lý một bộ phận người tiêu dùng trong nước, đó là công thức chung làm nên thành công của các doanh nghiệp Việt.
Sự thay đổi nhận thức và thương mại điện tử tạo ra cơ hội
Sau một khoảng thời gian “tôn sùng” nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp, Mỹ, ở tuổi gần 40, chị Mỹ Hà (Q. Phú Nhuận) bắt đầu ưa chuộng một số đồ dưỡng da thiên nhiên (chứa các thành phần có nguồn gốc tự nhiên) do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Cùng với nhu cầu “sống xanh – gần gũi với thiên nhiên” nhiều hơn, chị cũng không còn say mê những chai lọ kem dưỡng, phấn đẹp long lanh nhưng ít người bán nào nói rõ được tác dụng của tất cả thành phần trong đó.
Vừa qua tại đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, chị đã tìm thấy một showroom bán các mặt hàng chăm sóc da của người Việt. Sản phẩm ở đây không quá bắt mắt như hàng ngoại, giá cũng không rẻ nhưng bù lại đội ngũ bán hàng nắm rất vững thành phần nguyên liệu và quy trình sản xuất. Là người tiêu dùng thích nghiên cứu nguồn gốc sản phẩm, chị Mỹ Hà cảm thấy hài lòng với người bán hàng nhiệt tình, nhiều kiến thức và có ý định sẽ quay lại cửa hàng nếu hộp kem chị mua và mấy sản phẩm mẫu dùng thử có tác dụng tốt. Cách bán hàng ở đây rõ ràng có sự khác biệt với các showroom mỹ phẩm ngoại: hướng khách hàng tới một lối sống chậm rãi, bình thản, có thời gian thử nghiệm sản phẩm trước khi quyết định đặt mua những món hàng có ảnh hưởng tới làn da của mình.
Trên thực tế, nhóm khách hàng như chị Mỹ Hà tại các thành phố lớn của Việt Nam đang ngày một đông lên. Hiện phân khúc này đã đủ lớn để nuôi sống vài chục doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm nội địa. Từ “nội địa” không còn đồng nghĩa với “ít tiền”. Tại khu vực sang trọng nhất của TP. Hồ Chí Minh và của Hà Nội đều đã có showroom mỹ phẩm do người Việt sản xuất. Sản phẩm tại đây có mức giá tương đương sản phẩm ngoại nhưng vẫn bán chạy. Với quy mô kinh doanh còn nhỏ, người sáng lập dễ dàng truyền tâm huyết và hiểu biết về mỹ phẩm thiên nhiên của mình cho từng nhân viên. Tất nhiên, bên cạnh showroom để cho khách hàng dùng thử sản phẩm miễn phí, soi da, được tư vấn trực tiếp, kênh bán hàng online của các doanh nghiệp này cũng rất được chú trọng đầu tư.
Từ giữa tháng 10-2017, những người ưa chuộng mỹ phẩm thiên nhiên trong nước đã dễ dàng mua hàng tại labambivalley.com, một website do sáu doanh nghiệp mỹ phẩm riêng rẽ cùng góp sức xây dựng nên. Được xây dựng theo mô hình một siêu thị mỹ phẩm, đây là nơi quy tụ những sản phẩm đã được Bộ Y tế công bố lưu hành thuộc sáu thương hiệu uy tín là TheHerbalCup, Skinna, SheaGhana, Myin, Karose và Mỹ phẩm xanh Bambi. Xây dựng thành công hệ thống phân phối mỹ phẩm thiên nhiên online, sáu doanh nghiệp ở cả miền Nam lẫn miền Bắc này đã dễ dàng tiếp cận khách hàng trên toàn quốc với chi phí tiết kiệm nhất.
Cuộc chơi hấp dẫn trong đường dài
Theo bà Nguyễn Thu Lành – người sáng lập thương hiệu Mỹ phẩm Bambi, thách thức lớn của các thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam là phải cân bằng giữa yếu tố tự nhiên với tiêu chuẩn môi trường sản xuất đạt chuẩn: “Nguyên liệu sạch chỉ là yếu tố bước đầu, dù áp dụng những công thức cổ truyền hay hiện đại thì điều quan trọng vẫn phải là điều kiện sản xuất phải đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế, đồ chứa phải khử trùng tuyệt đối theo quy trình”. Từ quá trình tìm kiếm, chọn lọc nguyên liệu đến thử nghiệm công thức và làm thủ tục để Bộ Y tế cấp phiếu Công bố Lưu hành Mỹ phẩm là một hành trình dài có khi hàng năm trời. Vì thế, việc khởi nghiệp với mỹ phẩm thiên nhiên không dành cho những ai thiếu đam mê và kiên nhẫn.
Ngoài ra, một trong những khó khăn của doanh nghiệp nội là công nghệ sản xuất phải nhập khẩu với thuế suất cao, vùng nguyên liệu không ổn định. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam cho biết trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm Việt Nam 6 tỉ USD năm 2017, chỉ có 5% là thuộc về doanh nghiệp nội. Nhiều sản phẩm thiên nhiên như nghệ, mũ trôm, nha đam, dừa… được xem là nguyên liệu quý trong xu hướng sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên nhưng doanh nghiệp nội chỉ mới sản xuất nguyên liệu thô, chưa chiết xuất tinh chất để tạo ra dòng mỹ phẩm cao cấp. Ông Đoàn Văn Khanh – Giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất mỹ phẩm chiết xuất từ tinh dầu bưởi Long Thuận chia sẻ: “Khâu nguyên liệu luôn là vấn đề nan giải nhất. Mới đây, chúng tôi có đơn hàng hai container tinh dầu bưởi từ nước ngoài nhưng không đủ nguyên liệu để làm. Hiện cây bưởi vẫn được trồng phân tán trong tự nhiên nên thời tiết tác động lên năng suất, chất lượng lại không ổn định”.
Bên cạnh đó, đã hơn một lần trên trang mạng xã hội của mình, người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Lá House tại TP. Hồ Chí Minh đề cập đến những khó khăn khi muốn mở một cửa hàng trong các trung tâm thương mại lớn. Chỉ vừa nghe đây là thương hiệu mỹ phẩm “made in Vietnam”, các trung tâm thương mại lớn lập tức lắc đầu mà không cần biết thương hiệu đó ra sao, có đủ tiềm lực tài chính, có sức lan tỏa đến người tiêu dùng hay không. Dù bị từ chối nhiều lần nhưng chủ thương hiệu này cho biết vẫn không bỏ cuộc. Năm 2017, doanh nghiệp này đã đầu tư nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) với chi phí đầu tư hơn 30 tỉ đồng. Tại triển lãm mỹ phẩm CosmoBeaute Q.7 năm 2017, giữa hàng trăm gian hàng quốc tế, Lá House cũng mạnh dạn đầu tư gian hàng lớn nhất, đẹp nhất ngay trung tâm triển lãm.
Có thể nói ngoài các trung tâm thương mại cao cấp lâu năm, hiện nay thị trường đã có thêm nhiều kênh tiếp thị và phân phối mỹ phẩm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ như các hội chợ, triển lãm, trung tâm thương mại mới, kênh bán hàng online… Theo số liệu của Công ty nghiên cứu Nielsen, phụ nữ Việt chi tiêu trung bình 140.000 đồng mỗi tháng cho mỹ phẩm và con số này đang ngày càng tăng. Ngoài ra mỗi năm có hơn 2.000 spa mới được mở ra trên cả nước. Tất cả đang tạo nên một không khí kinh doanh sôi động, nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp xác định sẽ đi đường dài cùng với thị trường này.