Nhà đồng sáng lập Facebook thừa nhận không thể tự thân loại trừ thông tin độc hại trên mạng xã hội và đề xuất khung pháp lý toàn cầu về quản lý internet.
Trong bài xã luận trên tờ The Washington Post mới đây, nhà đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho rằng cần có một khung pháp lý toàn cầu về quản lý nội dung trên mạng hơn là mỗi nước áp dụng quy định riêng biệt.
“Công ty mạng xã hội chịu trách nhiệm xử lý thông tin độc hại. Tuy nhiên, loại trừ tất cả nội dung độc hại là điều không thể. Một phần là vì nhiều người có thể sử dụng hàng chục tài khoản mạng xã hội với chính sách riêng của từng quốc gia. Chúng ta cần những quy định thống nhất khắp thế giới”, ông Zuckerberg viết.
Theo đề xuất, khung pháp lý toàn cầu sẽ xác định rõ nội dung nào bị cấm hoặc chặn, đồng thời buộc các mạng xã hội xây dựng hệ thống loại trừ tối đa thông tin độc hại. Trước đó, ông Zuckerberg hồi năm 2018 cũng đã kêu gọi thiết lập “tòa án tối cao quốc tế” chuyên xử lý các vấn đề trên mạng.
Hiện các mạng xã hội đang chịu áp lực lớn từ chính phủ các nước vì không thể kiểm soát thông tin bịa đặt, bình luận cực đoan, kích động hoặc những hình ảnh mang tính bạo lực, tuyên truyền lối sống lệch lạc nhưng lại thu hút lượng theo dõi khổng lồ. Mới đây, các mạng xã hội lớn bị chỉ trích dữ dội khi không thể ngăn chặn những hình ảnh về vụ thảm sát ở TP. Christchurch (New Zealand), khiến 50 người thiệt mạng.
Google, YouTube và Facebook đã nỗ lực gỡ bỏ nhiều đoạn phim và sau đó thông báo sẽ siết chặt quản lý video trực tuyến. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng những bước đi này vẫn chưa đủ và quá chậm.
“Nhiều quốc gia cố gắng tìm kiếm biện pháp phòng chống nội dung cực đoan trên internet. Đã đến lúc chúng ta cần chung tay để có giải pháp toàn cầu”, nữ lãnh đạo nhận định. Chính phủ Úc còn mạnh tay hơn khi đang soạn thảo dự luật mới về quản lý internet, cho phép phạt tù lãnh đạo của các công ty mạng xã hội nếu không nhanh chóng gỡ bỏ nội dung độc hại, theo Reuters.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia cũng đã kêu gọi thiết lập một bộ quy định quốc tế về internet, tương tự Công ước LHQ về luật Biển. “Tuy nhiên, tiến trình đàm phán sẽ kéo dài ít nhất 10-15 năm và khó có khả năng các nước đồng thuận về một biện pháp chung”, AFP dẫn lời giáo sư Lee McKnight thuộc Đại học Syracuse (Mỹ) nhận định. Mặt khác, những đề xuất mới của ông Zuckerberg cũng bị cho là nhằm “đá bóng” sang chính phủ các nước để tránh bị chỉ trích là “kiểm duyệt” người dùng, xâm phạm quyền tự do ngôn luận.