Chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc Việt Nam đang tham gia đàm phán hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership – Hiệp định đối tác toàn diện khu vực – ASEAN+6), dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2015.
Trong khi đây là một hiệp định toàn diện nhằm tối đa hóa lợi nhuận kinh tế, tích hợp các hiệp định thương mại tự do khác nhau mà 10 nước ASEAN đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc. Tại hội thảo “RCEP – Cơ hội và thách thức đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN và các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24-10, các chuyên gia cho rằng RCEP mở ra một cánh cửa lớn cho thương mại dịch vụ, hủy bỏ các rào cản thương mại và dần tự do hóa trong các dịch vụ, mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN.
Hưởng lợi như thế nào từ RCEP?
Một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và các đối tác trong khu vực sẽ giúp kết nối năm hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 đã có (gồm ASEAN với lần lượt từng nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Ấn Độ), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Như vậy, hiệp định RCEP giúp hài hòa các cam kết, quy định trong FTA ASEAN+1 hiện nay, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.
Các nước Đông Á vốn là đối tác kinh tế lớn của nước ta chiếm đến 58,3% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam. Số liệu năm 2013 cho thấy, Đông Á là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nước ta với kim ngạch trên 58 tỉ USD, tương đương 44% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị gần 96 tỉ USD, chiếm 73% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thương mại, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản, Úc với giá trị tương ứng là 2,04 tỉ USD và 1,64 tỉ USD và nhập siêu từ ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, lần lượt là 3,17 tỉ USD, 23,69 tỉ USD và 14,07 tỉ USD. Trong thời gian này, các bên tham gia RCEP đang thảo luận để tiếp tục dỡ bỏ các rào cản thương mại và doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cải thiện cơ cấu kinh doanh, tăng giá trị hàng xuất khẩu sang khu vực Đông Á.
RCEP hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực nhờ giảm mức thuế nhập khẩu và cộng gộp chi phí xuất xứ nguyên liệu nhập khẩu. Chẳng hạn như trước đây, nhiều hàng hóa của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc nên khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ không được hưởng ưu đãi thuế suất. Nhưng nếu RCEP cho phép cộng gộp giá trị nguyên liệu nhập khẩu từ các nước tham gia đàm phán, bao gồm cả Trung Quốc, thì hàng hóa của ta có nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sẽ được ưu đãi thuế khi vào Nhật.
Trong bối cảnh Đông Á đang trở thành khu vực phát triển năng động hàng đầu và có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nước có chi phí nhân công tốt như Việt Nam, RCEP sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào nước ta, giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quốc gia theo hướng tích cực. Hiệp định RCEP cũng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, minh bạch hơn, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để tăng năng lực cạnh tranh.
Nhưng có thể mất lợi thế vì RCEP
Cho đến thời điểm này, ASEAN và các đối tác đã tổ chức năm phiên đàm phán hiệp định RCEP và hai phiên họp cấp bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN năm 2013 và 2014. Dự kiến, các phiên đàm phán RCEP sẽ kết thúc vào năm 2015 và hiệp định có hiệu lực ngay sau đó. Hiện hiệp định đang đàm phán về bảy lĩnh vực chính gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và giải quyết tranh chấp.
RCEP được đánh giá là toàn diện và hài hòa hơn so với các FTA ASEAN+1 vì có cân nhắc sự khác biệt về trình độ phát triển của từng nước để có hình thức thỏa thuận thương mại phù hợp. Tuy nhiên, hiệp định này có thể tạo ra một dòng dịch chuyển thương mại bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, chúng ta đang có ưu thế cạnh tranh với Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nhờ hiệp định song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Chẳng hạn như hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật được hưởng thuế ưu đãi là khoảng 10%, so với mức thuế 15 – 20% hàng dệt may xuất khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm da giày của Việt Nam chịu thuế dưới 5%, còn từ Trung Quốc chịu thuế 30%… Khi Nhật Bản và Trung Quốc đi đến một thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ RCEP để giảm thuế quan, lợi thế cạnh tranh nói trên của doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn.
Cũng như các nước Lào, Campuchia và Myanmar, Việt Nam sẽ phải đương đầu với sức ép cạnh tranh lớn vì các doanh nghiệp yếu kém về quy mô vốn, về năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động, cũng như chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh hợp lý. Thậm chí đã có lời cảnh báo Việt Nam có thể sẽ thua ba nước Lào, Campuchia và Myanmar về thu nhập bình quân đầu người trong vài năm nữa nếu không có sự quyết liệt hơn trong việc tự cải thiện năng lực, đồng thời tận dụng những thuận lợi trong cơ chế nội bộ của Cộng đồng kinh tế ASEAN, tăng cường hợp tác, tham gia liên kết trong các chuỗi cung ứng…
Theo một khảo sát được tiến hành bởi The Economist của Anh, tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng các ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá thấp, chưa đến 50%. Việc ký kết các FTA này mở ra thị trường thương mại tự do cho Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới và quan trọng nhất là các FTA mang lại cơ hội cắt giảm 90% các dòng thuế xuống 0%. Doanh nghiệp “chê” là các điều khoản FTA phức tạp quá nhưng lý do chủ yếu là chưa quan tâm đúng mức. RCEP đang được đàm phán hứa hẹn sẽ mở ra một vùng trời kinh doanh rộng mở nhưng cũng hứa hẹn nhiều thách thức nếu không biết tận dụng.