Sản lượng sụt giảm tác động mạnh đến “cơm áo” các nhà máy nhiệt điện khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn nắm quyền chi phối.
Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ ngày 1-7-2012. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, chỉ 50 đơn vị, chiếm hơn 40% số nhà máy trong hệ thống điện tham gia thị trường. Lãnh đạo một công ty nhiệt điện cho rằng thị trường phát điện cạnh tranh “có nhiều vấn đề nói ra không tiện”. Song một điều vị này chắc chắn, việc EVN tiếp tục đóng vai trò “chủ lực”, không đảm bảo công bằng trong việc mua điện, khó tạo được động lực để thị trường bán buôn điện cạnh tranh triển khai vào năm 2015.
Áp sản lượng
Sản xuất kinh doanh của các công ty nhiệt điện thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đang gặp khó, chín tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 11,92 tỉ kWh. Hai nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 có tổng công suất phát 1.500MW, chiếm gần 15% nhu cầu tiêu thụ điện toàn miền Nam (10.011MW), nhưng chỉ được vận hành khoảng 80% công suất. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí VN, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Công thương chiều 2-10, đã nói thẳng kết quả phát điện thấp là do “EVN áp sản lượng thấp”.
Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (AO), thuộc EVN, giao chỉ tiêu sản lượng hằng năm cho các nhà máy điện, nhưng trong quá trình vận hành hằng tháng, hằng ngày, thậm chí đến hằng giờ đều có sự điều tiết trực tiếp. Mùa mưa năm nay, lấy lý do nước về nhiều phải ưu tiên thủy điện, AO áp chỉ tiêu phát điện cho các nhà máy nhiệt điện rất thấp. Việc vận hành dưới công suất thiết kế tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm nhà máy thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Còn một quý nữa mới hết năm, nhưng ông Nghiêm Xuân Chiến, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động – Bắc Giang khẳng định “không đạt kế hoạch” do đến nay mới đạt gần 70% kế hoạch. Năm 2014, TKV giao cho Nhiệt điện Sơn Động sản xuất 1 tỉ 250 triệu kWh, nhưng AO chỉ cho phát trung bình khoảng 80% công suất thiết kế, riêng quý III chỉ được vận hành 50% công suất của một tổ máy. Sản lượng phát giảm 10 – 15%, khoảng 150-200 triệu kWh so với năm 2011, thời điểm Sơn Động chính thức đưa hai tổ máy công suất 220MW vào vận hành.
Nhiệt điện Sơn Động có tổng đầu tư ban đầu là 3.700 tỉ USD, đưa vào vận hành năm 2011, dự kiến hết khấu hao vào năm 2007. Việc phát điện không đúng công suất thiết kế kéo doanh thu giảm sâu và làm tăng tỷ trọng khấu hao, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Lương bình quân chín tháng đầu năm nay của 350 lao động trong công ty đã giảm xuống mức 6 triệu đồng, thay vì 6,8 triệu đồng năm 2003.
Mặt khác, phần chênh lệch tỷ giá giữa thời điểm đầu tư và hiện nay đang tăng lên khiến Sơn Động lỗ thêm 30 tỉ đồng chỉ trong tám tháng đầu năm nay. Ông Chiến giải thích, tỷ giá hiện nay cao hơn thời điểm đầu tư xây dựng nhà máy, nên bây giờ công ty vừa phải trả lãi vay, vừa phải trả phần chênh lệch tỷ giá. Về cơ bản, các nhà máy điện thuộc EVN đã được tính phần chênh lệch tỷ giá vào giá bán điện. Ông Chiến cũng nói đã đề nghị EVN cho đưa chênh lệch tỷ giá vào giá bán điện nhưng đến nay chưa được chấp nhận. Nếu EVN đồng ý cho các nhà máy nhiệt điện than của TKV được tính chênh lệch tỷ giá vào giá điện như chủ trương cho phép, Sơn Động sẽ không lỗ, thậm chí còn được lãi 70 tỉ đồng.
Nhiệt điện Na Dương có công suất thiết kế 100MW, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, công nghệ Nhật Bản, hòa lưới điện quốc gia từ năm 2004. Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương – Lạng Sơn, ông Lê Văn Xuân cho hay sản lượng giao năm nay thấp hơn thời điểm chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh. Bây giờ, Na Dương đang vận hành 70% công suất một tổ máy vì EVN mua bao nhiêu thì sản xuất bấy nhiêu, không mua thì ngừng sản xuất.
Theo ông Lê Văn Xuân, việc phụ thuộc phân bổ chỉ tiêu phát điện của EVN khiến các nhà máy điện không chủ động được hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu giảm, lãng phí đầu tư và nhiên liệu. Trên thực tế, các tổ máy vận hành kinh tế, chạy tải 100% là kinh tế nhất, chạy tối thiểu làm tiêu hao nhiều than hơn. Ngoài ra, việc dừng lò cũng làm tăng lượng dầu rất lớn. Trước đây, DN chỉ khởi động lò trung bình 8 lần/năm, một lần tốn 60-70 tấn dầu, nhưng bây giờ, khởi động lò còn phụ thuộc thêm vào huy động phát điện của AO.
Tách riêng mua điện
Về nguyên tắc cạnh tranh ở khâu phát điện nhằm giảm giá đầu vào, khuyến khích tiết kiệm chi phí cho khâu sản xuất, truyền tải, phân phối để có được giá điện hợp lý, người tiêu dùng sẽ được lợi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường phát điện cạnh tranh chưa thực sự bắt đầu hoặc mới chỉ bắt đầu trên lý thuyết nếu nhìn vào sự minh bạch trong cấu thành giá điện. Ông Lê Văn Xuân cho biết, hiện nay chỉ năm nhà máy nhiệt điện trong TKV biết giá bán điện của nhau, khoảng 1.200đ/kWh. Ông Xuân nói: “Không có thông tin giá bán điện của các nhà máy thuộc EVN, thuộc PVN, còn việc chào giá thì vẫn nằm trong cái khung do EVN thiết kế”.
EVN lấy lý do ưu tiên thủy điện để cắt giảm sản lượng từ các nguồn điện khác là không thuyết phục, mới chỉ tính đến “tích trữ được than, không tích trữ được nước”. Không khó để nhận ra thủy điện không còn là “món ăn” hấp dẫn và phong trào “nhà nhà làm thủy điện” theo Quy hoạch điện 7 cũng đã đến hồi kết. Sự “ưu tiên” này chẳng qua là “tạo công ăn việc làm” cho lĩnh vực EVN từng trót đầu tư lớn. Động thái này cũng nhằm tránh tác động tiêu cực khi các hồ thủy điện xả lũ, điều ngành điện phải đối mặt mỗi mùa mưa, thậm chí không ít lần phải giải trình trước Quốc hội.
Bài học đầu tưồạt thủy điện còn nguyên giá trị, EVN vẫn không tính đến bài toán kinh tế của hàng trăm nghìn tỉ đồng đầu tư cho hệ thống các nhà máy nhiệt điện chỉ để chạy chủ yếu vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau) gây lãng phí lớn, trong bối cảnh điện cho miền Nam vẫn luôn căng thẳng vào mỗi mùa khô do phụ thuộc vào truyền tải từ miền Bắc và miền Trung. Những bất cập của thị trường phát điện cạnh tranh, phần nào lý giải nguyên nhân giá cổ phiếu các nhà máy nhiệt điện rớt thê thảm trên sàn chứng khoán, thậm chí không ai mua mà Nhiệt điện Phả Lại là một ví dụ.
Cũng tại buổi làm việc với Thủ tướng hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, một loạt dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư sẽ vận hành thương mại cuối năm 2014-2015. Cụ thể, Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1, công suất 1.080MW; Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2, công suất 600MW; Dự án Nhiệt Duyên Hải 1, tỉnh Trà Vinh, công suất 600MW; Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, công suất 1.244MW; Dự án Nhiệt điện Hải Phòng, công suất 300MW. Như vậy, chưa kể các dự án nguồn điện khác, các dự án nguồn điện công suất “khủng” do chính EVN đầu tư sẽ vận hành như thế nào trên thị trường phát điện cạnh tranh có tới “trăm người bán” nhưng chỉ “một người mua” như hiện nay. Tạm gác lại vấn đề của các nhà máy nhiệt điện thuộc PVN, TKV, thì EVN sẽ phân chia sản lượng cho “những đứa con đẻ” như thế nào trong mùa mưa 2015 và những năm sau đó, trong bối cảnh đường dây 500kV Bắc-Nam đang quá tải và đường dây siêu cao áp vẫn chưa được tính đến. Ông Bộ trưởng Công thương chắc chắn hiểu rõ được những bất cập này bởi chính ông là người duyệt “kịch bản” thị trường phát điện cạnh tranh trước khi trình Chính phủ.
Một vấn đề nữa, trong báo cáo cuối năm 2013, Thanh tra Chính phủ công bố EVN đã đầu tư ngoài ngành trên 121.790 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ EVN chỉ hơn 76.742 tỉ đồng, khoản lỗ từ việc đầu tư ngoài ngành tập trung tại bảy công ty 100% vốn của EVN trên 3.648 tỉ đồng. EVN đã đưa nhiều chi phí vô lý để tính vào giá điện. Không ít chuyên gia kinh tế đã lên tiếng về việc cần phá vỡ tình trạng độc quyền của EVN, đặt tập đoàn này vào đúng vị thế của một doanh nghiệp kinh doanh, không được quyền quyết định việc phát triển nguồn điện cũng như thị trường tiêu thụ điện.
Theo lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh triển khai vào năm 2015. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong thị trường phát điện cạnh tranh, cá nhân, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm về việc hàng loạt nhà máy điện chậm thu hồi vốn, thậm chí thua lỗ? An ninh năng lượng của VN sẽ ra sao nếu thị trường phát điện cạnh tranh không đảm bảo chất lượng nền tảng, yếu tố quyết định sự thành công của thị trường điện VN trong tương lai. Chiêu bài “độc quyền tự nhiên” của EVN đã và đang tác động tiêu cực đến trạng thái của thị trường phát điện, nếu kéo dài tình trạng này, sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
• Đảm bảo thị trường phát điện cạnh tranh minh bạch, các đơn vị phát điện đều muốn được giao sản lượng hợp đồng hằng năm bằng 100% thiết kế và tách riêng cơ quan mua điện độc lập. Quan trọng hơn, Chính phủ, Bộ Công thương cần tính đến thời điểm thị trường sẽ phát triển.
• Quyết định số 63/2013/QĐ0TTg ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện VN hình thành, phát triển theo ba cấp độ:
Cấp độ 1: Thị trường phát điện cạnh tranh được thực hiện đến hết năm 2014.
Cấp độ 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Giai đoạn 2015-2016 thực hiện thí điểm; Từ 2017-2021 thực hiện thị trường hoàn chỉnh.
Cấp độ 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thực hiện trong giai đoạn 2021-2023.
Hoàng Anh