Trung tuần tháng 10 vừa qua, hơn 400 doanh nhân, lãnh đạo cấp cao từ các công ty trong và ngoài nước đã tham dự chương trình tọa đàm Talk & Think (Chia sẻ để suy ngẫm) của Trường Doanh nhân PACE để tìm hiểu về “Tư tưởng kinh doanh và tư duy quản trị của người Nhật”. Tại hội thảo, TS Koichi Hori – chuyên gia hàng đầu về quản trị chiến lược của Nhật Bản đã có những chia sẻ thẳng thắn về những sai lầm trong cách đầu tư, kinh doanh của doanh nhân Việt Nam như sau:
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều đầu tư vào bất động sản (BĐS), chứng khoán… (thường là đầu tư trái ngành kinh doanh), nhằm thu lợi nhuận trước mắt. Cách đầu tư như vậy làm cho nền kinh tế dễ rơi vào khủng hoảng do tập trung đầu tư quá nhiều vào lĩnh vực này.
BĐS vốn là một lĩnh vực đầu tư đòi hỏi phải có nguồn vốn trung hoặc dài hạn vững để theo đuổi một kế hoạch tài chính ổn định, nhưng ở nước ta, trong nhiều trường hợp, nguồn vốn đầu tư ngắn hạn lấn át cả nguồn vốn trung và dài hạn, tạo ra hoạt động “lướt sóng”, gây nên những cơn sốt trên thị trường, đồng thời góp phần chính trong việc tạo ra “bong bóng”, làm tăng xác suất rủi ro trên thị trường tài chính.
Ngoài ra, giá BĐS tăng liên tục, làm cho cung BĐS luôn ở trạng thái thiếu trong khi cầu BĐS rất lớn đã tạo sức hút cho các nhà đầu tư tìm kiếm các khoản siêu lợi nhuận trong ngắn hạn. Kết quả là tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ, bơm “bong bóng giá” BĐS, tạo ra những cơn sốt ảo, làm gia tăng rủi ro cho nguồn vốn của doanh nghiệp hơn là hướng tới lợi nhuận lâu dài. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược kinh doanh dài hạn hơn (từ mười đến 30 năm) và tập trung vào ngành mình kinh doanh.
Nếu không đầu tư công nghệ thì rất khó thu được thành công. Đến năm 2018, khi hàng rào thuế quan các quốc gia Đông Nam Á được dỡ bỏ mà môi trường kinh doanh tại Việt Nam không thay đổi kịp thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và không thể “giữ chân” nhiều doanh nghiệp FDI lớn, chẳng hạn Toyota sẽ dễ dàng rời khỏi Việt Nam để đến quốc gia khác có ngành công nghiệp phụ trợ tốt hơn.
Chính công nghệ là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp các công ty Nhật Bản bước ra thị trường thế giới, giành được thành công và duy trì chỗ đứng trong vài thập niên qua. Đáng tiếc là hiện nay, ở Việt Nam, các kỹ sư chưa được coi trọng đúng mức và nhiều người trong số họ được các công ty nước ngoài thuê để thực hiện các dự án công nghệ cao.
Kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam bằng khoảng 20% mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là một điều đáng báo động vì như thế, Việt Nam chưa chú trọng đầu tư phát triển các ngành kỹ thuật, chế tạo linh kiện, phụ kiện để tạo nền móng cho nền kinh tế quốc gia. Hơn nữa, Samsung lại không phải là nhà chế tạo linh kiện điện tử, mà là một nhà sản xuất thành phẩm, phải mua linh kiện kỹ thuật từ nhiều nước, trong đó có Nhật Bản.
Các sản phẩm hoàn chỉnh nổi tiếng thế giới của Apple, Nokia, Samsung… đều được lắp ráp từ khá nhiều linh kiện được sản xuất tại Nhật. Theo số liệu công bố từ Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các công ty của quốc gia này đáp ứng tới hơn 70% thị trường toàn cầu trong ít nhất 30 lĩnh vực công nghệ, từ giấy tráng ảnh, bóng phát sáng dùng cho màn hình LCD đến tụ điện sứ nhiều tầng dùng để điều chỉnh dòng điện cho các thiết bị điện… Người Việt Nam cẩn thận và khéo léo như người Nhật và đó là một lợi thế trong phát triển các ngành sản xuất linh kiện, phụ kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác.
Yếu tố quản trị nhân sự cũng có tầm quan trọng lớn đối với từng doanh nghiệp. Các công ty cần phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào phát triển năng lực của đội ngũ nhân viên vì theo nhận định của các doanh nhân Nhật, nhân viên đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của công ty chứ không phải là các cổ đông. Vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp cần tôn trọng nhân viên, đối xử với họ thật bình đẳng. Chẳng hạn trong những trường hợp đặc biệt, hoàn toàn có thể cử nhân viên trẻ đi công tác bằng máy bay với ghế dành cho thương nhân, ở khách sạn năm sao.
Ngoài ra, các lãnh đạo cấp cao nên dành thời gian tiếp xúc nhiều hơn với nhân viên trẻ để nghe họ chia sẻ những khó khăn hoặc những điều họ quan tâm. Việc này không mất quá nhiều thời gian nhưng rất hiệu quả trong việc quản trị nguồn nhân lực. Một số nhà quản trị doanh nghiệp còn chưa có thói quen là cho người trẻ cơ hội được trải nghiệm cả thành công lẫn thất bại. Các công ty nên dự trù ngân sách dành cho các khoản này và cho các nhân viên biết rõ rằng họ được phép mắc sai lầm, có ngân sách dành cho việc sửa chữa sai lầm, nhưng yêu cầu họ phải nỗ lực hết mình và trung thực báo cáo với cấp trên những gì đã xảy ra trong thực tế.
Một khía cạnh khác rất đáng được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hàng đầu là xây dựng giá trị doanh nghiệp hướng đến cộng đồng xã hội. Doanh nghiệp thu lợi nhuận là nhờ xã hội nên phải đóng góp ngược lại cho xã hội là điều nên làm. Doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững khi có sự ủng hộ từ xã hội và để được xã hội ủng hộ, doanh nghiệp phải đem đến những giá trị hữu ích cho xã hội.
TS Koichi Hori ví von trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như sau: “Khi mặt trời lên thì bóng hiện ra. Mặt trời chính là giá trị doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng xã hội. Lợi nhuận như cái bóng, là yếu tố tất đến chứ không phải yếu tố đầu tiên cần quan tâm. Dĩ nhiên, có thể một ngày nào đó mặt trời không lên, thậm chí có thể cả tuần trời mưa và âm u nhưng rồi sớm hay muộn thì mặt trời vẫn đến”.
Và đây là kết luận của ông: “Trên thế giới có bốn quốc gia có điều kiện phát triển về công nghệ nhất là Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Việt Nam. Tôi còn nhìn thấy nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam hiện nay và nước Nhật trước kia, cả hai đất nước đều được vực dậy, hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan sau những cuộc chiến dai dẳng. Một điều quan trọng nữa là người Việt và người Nhật đều giống nhau ở chỗ thông minh, siêng năng và sẵn sàng học hỏi. Nhân sự người Việt của chúng tôi ở đây không khác nhiều so với nhân viên ở Nhật. Họ được đào tạo, có đạo đức tốt và tận tụy trong công việc”.