Chứng nhận về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là căn cứ để đảm bảo giá trị pháp lý cho sản phẩm và doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang có những bước hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. Nhưng còn rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ hoặc lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xác lập, bảo vệ, khai thác thương mại quyền SHTT.
Theo thông tin ở buổi hội thảo Đảm bảo quyền SHTTvà tọa đàm “Một số vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hội nhập quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra vào tháng 5-2015 thì có không ít vụ xâm phạm và tranh chấp SHTT đã xảy ra trên cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trong năm 2013 và 2014 đã phát hiện gần 32.474 vụ vi phạm quyền SHTT. Mới đây nhất là vụ Vina Acecook với thương hiệu mì Hảo Hảo đã khiếu kiện Asia Food với sản phẩm mì Hảo Hạng vì nhái mẫu mã, bao bì. Hay như trường hợp hàng giả của thương hiệu Thắng Lợi, Việt Tiến… được bày bán công khai với giá chỉ bằng một nửa hàng thật…
Có mặt tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Như Quỳnh – Thanh tra Bộ KH-CN nhận định, cho rằng hàng giả đang ngày càng được làm tinh vi và đáng báo động. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào quốc tế với một loạt hiệp định thương mại được ký kết trong năm nay, sản phẩm ngoại tràn lan bao vây thị trường nội địa thì việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế, SHTT… là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực nhất cho chính doanh nghiệp.
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến vấn đề SHTT. Chính việc thiếu quan tâm, lơ là đối với quyền SHTT nên thực tế đáng buồn là 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ 20% là của doanh nghiệp Việt Nam, mà đa số nhãn hiệu đăng ký là của các doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho thấy, việc coi trọng, quan tâm đúng mức đến SHTT của doanh nghiệp Việt Nam là chưa được quan tâm sâu sắc, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước, vì đây là khối đóng góp khá lớn (khoảng 40%) trong tổng GDP của cả nước.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hàng giả, hàng nhái tràn lan là do tâm lý của người tiêu dùng còn thích xài hàng có thương hiệu với giá rẻ. Hơn nữa là mức chế tài xử phạt, hành vi này còn quá nhẹ, chủ yếu tập trung vào xử phạt hành chính. Theo quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với doanh nghiệp là 500 triệu đồng, cá nhân 250 triệu đồng. Theo đó có rất nhiều trường hợp phạt xong lại vi phạm tiếp. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, doanh nghiệp hiện nay cần nâng cao nhận thức về SHTT hơn là chờ đợi sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng hay chờ thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Hiểu rõ về quyền SHTT giúp doanh nghiệp có thể khai thác tối đa những lợi ích mà SHTT mang lại cho doanh nghiệp, cho cộng đồng, như cách khai thác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Mặt khác, tìm hiểu kỹ về quyền SHTT còn giúp doanh nghiệp tránh bị xâm phạm quyền SHTT đồng thời cũng tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác.
Thu Hồng (DNSGCT)