Cuộc sống sống hiện đại, công việc bận rộn khiến chúng ta dễ bị stress. Đã vậy, do phải tiếp khách, tiệc tùng xã giao, dùng quá nhiều rượu, bia, thuốc lá, nhiều người đã gặp bất ổn ở dạ dày. Trên thực tế, số người bị đau dạ dày ngày càng tăng, nhất là trong giới văn phòng. Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe dạ dày trước khi quá muộn!
Theo thống kê của Hội Khoa học Tiêu hóa, những năm gần đây tại Việt Nam có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng và 70% dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh dạ dày, còn nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.
Giới văn phòng thường có chế độ ăn tùy tiện nhất, lúc quá ít, lúc lại quá nhiều, khi quá nhanh (tranh thủ giờ nghỉ trưa), khi lại quá trễ (đêm khuya), thậ chí bỏ cả bữa sáng. Trong khi đó, dạ dày rất nhạy cảm, cứ đến giờ cần nạp năng lượng thì acid dạ dày và các men tiêu hóa (enzym) trong dịch vị tiết ra nhiều, nếu không có thức ăn trong trong dạ dày thì chúng sẽ gây tổn hại niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm, loét dạ dày mạn tính. Những bệnh lý dạ dày mạn tính có thể là khởi đầu của tình trạng nghiêm trọng hơn: ung thư dạ dày.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ tử vong tính trên đầu người do ung thư dạ dày ở nước ta là 14,3/100.000, trong đó khoảng 20 – 25% bệnh nhân ung thư dạ dày còn khá trẻ, trên dưới 40 tuổi.
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thao – Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nơi có lượng người đến khám bệnh dạ dày khá cao, cho biết rằng hiện nay, tại Phòng khám Tiêu hóa của bệnh viện, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 120 ca mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó bệnh dạ dày chiếm gần 50% lượng bệnh ngoại trú, hơn 2/5 trong số đó là những bệnh nhân dưới 35 tuổi. Hầu hết bệnh nhân trẻ thường có các triệu chứng đau trên rốn, ăn uống khó tiêu, đầy hơi, chán ăn, ợ chua…, mà đa phần do ăn uống, sinh hoạt, làm việc không hợp lý.
Khi có dấu hiệu về bệnh dạ dày, bệnh nhân nên đến khám tại chuyên khoa Tiêu hóa càng sớm càng tốt. Các viêm loét dạ dày mạn tính cũng như ung thư dạ dày được phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị nhanh chóng, người bệnh bình phục rất nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó, điều chỉnh chế độ ăn không chỉ giúp phòng ngừa các bệnh dạ dày, mà còn giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn. Dưới đây là những bí quyết do TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chỉ dẫn:
- Dinh dưỡng tốt sẽ giúp mau lành vết loét. Cần ăn đủ bốn nhóm thực phẩm để cân bằng chế độ ăn. Ăn đa dạng các loại rau và trái cây. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Nên chọn thức ăn có nhiều chất xơ (trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt), đặc biệt là xơ tan có trong yến mạch, các loại đậu, hạt, cam, táo, cà rốt…
- Thực phẩm giàu vitamin A có thể giúp mau lành vết loét vì có khả năng làm tăng tạo chất nhầy bên trong đường tiêu hóa, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Các loại thực phẩm giàu vitamin A là thịt, cá, gan, sữa, cà rốt, bông cải xanh, khoai lang, các loại rau xanh đậm màu.
- Giới hạn hoặc tránh các thực phẩm làm tăng acid dạ dày hoặc kích thích vết loét tồi tệ hơn. Đó là thức uống có cồn, cà phê, nước ngọt, các loại gia vị cay nồng.
- Khi có triệu chứng khó chịu với loại thực phẩm nào đó thì nên hạn chế ngay vì thể trạng của từng người có khác nhau và sự nhạy cảm với các yếu tố từ thực phẩm cũng khác nhau.
- Ăn đều đặn và đúng bữa. Không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Cố gắng loại bỏ căng thẳng trong đầu óc để dạ dày không bị kích thích tạo ra vết viêm loét hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh.