Còn theo thông tin từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tính chung sáu tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu 14,325 triệu bao cà phê (loại 60kg/bao), chiếm vị trí dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu cà phê, nhiều hơn 13,63% so với quốc gia xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai là Brazil đạt 12,606 triệu bao.
Những số liệu trên đây chắc hẳn sẽ làm thỏa mãn “chủ nghĩa thành tích” đã ăn sâu vào cách nghĩ của nhiều cấp quản lý. Trong khi đó vấn đề mấu chốt là tương lai của cây cà phê và đời sống của người nông dân sẽ được cải thiện ra sao, để cây cà phê không chỉ có vị đắng mà còn cả vị ngọt.
Thu hoạch cà phê
Là một trong những “cường quốc” về sản xuất cà phê nhưng ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều nghịch lý và thách thức từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến đến xuất khẩu, đặc biệt là về giá cả và chất lượng đang thuộc Top chót. Tuy cùng loại sản phẩm xuất khẩu nhưng giá cà phê Việt Nam có khi thấp hơn gần 300 USD/tấn so với các nước.
Doanh nghiệp nước ngoài
làm chủ sản phẩm
Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu bình quân trên 1,2 triệu tấn cà phê, nhưng các sản phẩm chế biến như cà phê bột, cà phê hòa tan vốn là loại có giá trị cao chỉ chiếm chưa tới 10% tổng sản lượng. Nhận ra điều này, Chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đầu tư chế biến sâu với nhiều ưu đãi.