Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho đến nay các doanh nghiệp FDI đã chiếm 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm. Với những lợi thế hiện có, nguy cơ họ độc chiếm vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài là 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê mà phần lớn đều không đủ nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ để chờ thời điểm có lợi mới bán ra. Đầu vụ, do thiếu vốn, các doanh nghiệp ồ ạt bán cà phê, có tháng bán ra hơn 200.000 tấn cà phê Robusta, trong khi vào thời điểm đó nhu cầu của thị trường đối với loại cà phê này chỉ khoảng 80.000-100.000 tấn/tháng nên giá cà phê rất thấp. Đến khi giá cà phê lên đến đỉnh thì các doanh nghiệp không còn hàng để bán.
Sự yếu kém về tài chính đang đe dọa số phận các doanh nghiệp trong nước. Một dẫn chứng khác là các doanh nghiệp nước ngoài vay ngoại tệ với lãi suất thấp, còn doanh nghiệp trong nước vay tiền VNĐ với lãi cao gấp nhiều lần. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp trong nước yếu thế đành nhường thị trường thu mua cà phê cho doanh nghiệp FDI.
Để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu hécta như hiện nay, Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học… Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI không phải hoàn vốn hoặc tái đầu tư vùng nguyên liệu bởi họ chỉ xuất khẩu cà phê nhân, mà hiện nay mặt hàng này lại được hoàn thuế GTGT.
Tây nguyên là vùng trọng điểm cà phê nhưng người trồng đang gặp khó khăn do cây cà phê già cỗi phải chặt bỏ phần lớn diện tích trồng, trong khi giá cà phê có tăng nhưng không đủ để bù vào chi phí phân bón, xăng dầu…
Thống kê của Viện Khoa học Nông – Lâm nghiệp Tây nguyên cho thấy, trong số hơn 450.000 hécta cà phê của khu vực, hiện có khoảng gần 100.000 hécta bị già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5 tấn/ha, không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự, đòi hỏi phải nhổ bỏ để trồng lại, còn gọi là tái canh.
Các nhà khoa học nhận định, nếu không tái canh cà phê thì chỉ 5-10 năm nữa, ngành cà phê sẽ rơi vào thảm họa khó cứu vãn.
Còn theo Cục Trồng trọt, có đến 40.000 hécta cà phê dưới 20 tuổi đã có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng quá thấp.
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước với kim ngạch 2 tỉ USD/năm. Cho nên cần tái canh cà phê một cách hiệu quả để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), diện tích tái canh cà phê trên cả nước trong 10 năm tới sẽ khoảng 137.000 hécta, chiếm khoảng 27,4% tổng diện tích cà phê. Tuy nhiên, muốn đảm bảo được hiệu quả tái canh mà không bị giảm sút đột ngột sản lượng, cần phải có chương trình tái canh chủ động, đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chính sách, nguồn lực đầu tư.
Nông dân cần được hỗ trợ
Hiện nay, mối liên hệ giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với nông dân hết sức lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ lợi ích, trong khi hơn 80% diện tích cà phê nằm trong tay người dân. Nông dân phần lớn “mù” thông tin, thường xuyên bị ép giá nên nhận rủi ro về mình.
Trong chuỗi phân phối lợi nhuận, người trồng cà phê chỉ được hưởng tỷ lệ quá nhỏ nhoi so với các doanh nghiệp chế biến, tinh chế cà phê xuất khẩu. Đây là yếu tố cơ bản khiến nông dân không an tâm đầu tư sản xuất.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Chia sẻ lợi ích hợp lý trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ người trồng – người sơ chế – môi giới – chế biến công nghiệp đang là đòi hỏi bức thiết nhất hiện nay. Đây là yếu tố quyết định nếu muốn duy trì và nâng tầm sản phẩm cà phê.