Đã năm năm nay tôi sống xa nước Anh. Ngược lại, một anh bạn châu Á của tôi lại chuyển sang Anh sinh sống và xem nước Anh là nhà mình. Chúng tôi thường xuyên trò chuyện qua email và trao đổi những suy nghĩ về vấn đề lao động, những mâu thuẫn về lương, tỷ lệ thất nghiệp,… Suy nghĩ của anh bạn này thật sự có lúc khiến tôi giật mình.
Nước Anh đã bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp từ thời kỳ Victoria khoảng hai thế kỷ trước. Trong cuộc cách mạng này, tinh thần lao động của người Anh được các quốc gia khác học tập. Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi. Người bạn châu Á của tôi nhận xét: “Người Anh bây giờ rất lười, họ không muốn làm việc, thậm chí còn không muốn có công việc. Họ chỉ thích phàn nàn về những người Ba Lan và những người châu Âu khác nhập cư để làm những công việc mà họ không muốn làm. Đã thế họ lại còn phân biệt chủng tộc”.
Khi nghe anh bạn đánh giá như vậy, tôi rất xấu hổ. Hóa ra người Anh hiện đại lại là những người lười lao động và phân biệt chủng tộc. Họ chỉ thích chê bai lực lượng lao động nước ngoài đang làm những công việc mà người Anh chính gốc không muốn làm. Họ thà nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ chứ không chịu làm những công việc mà họ cho là thấp kém. Họ tự cao quá chăng? Hay thật ra là họ chẳng có chút lòng tự trọng nào?
Trong khi đó, tôi thấy ở Việt Nam mọi người đều làm việc để kiếm sống vì nhà nước không dại gì đưa tiền cho những người không thích làm việc, như chính phủ Anh. Tôi thấy người Việt Nam lao động rất chăm chỉ và họ hạnh phúc khi được làm việc, ngay cả khi phải làm đến 12 tiếng mỗi ngày hoặc hơn. Miễn là họ nuôi sống được gia đình mình.
Tôi cũng bị thu hút bởi nhiệt huyết của giới trẻ Việt Nam. Các bạn muốn đi khắp thế giới, muốn được học hỏi. Các bạn say mê trau dồi tiếng Anh và lao động chăm chỉ. Thanh niên Việt Nam ngày nay được hưởng các điều kiện giáo dục tốt hơn những thế hệ đi trước. Họ tự tin có thể thay đổi cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Ai đó từng bảo tôi rằng nếu bạn sinh ra trong một gia đình giàu hoặc nghèo ở Việt Nam thì đến lúc qua đời bạn cũng vẫn ở trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có thể đúng với 10 hay 20 năm trước đây nhưng không đúng với thế hệ trẻ hiện nay của Việt Nam. Thanh niên Việt Nam hiện đại là những người thông minh, ham học hỏi và hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc đời mình cũng như thay đổi tương lai quốc gia.
Trở ngại lớn nhất của việc thu hút lực lượng lao động này chính là mức lương. Bác sĩ, nha sĩ, luật sư, thương gia, giáo viên, nhà báo và lao động chất lượng cao ở các quốc gia phương Tây có mức lương khá ổn nhưng ở Việt Nam, họ được trả không xứng với khả năng của mình. Vì vậy, có rất nhiều người Việt Nam chọn cách ra nước ngoài sinh sống hoặc đoàn tụ với gia đình ở các nước châu Âu, Úc và Mỹ. Đây quả là một tổn thất lớn với Việt Nam. Với những người lao động có trình độ thấp hơn, họ nhận được đồng lương quá bèo bọt. Tôi biết một cậu thanh niên 21 tuổi, khỏe mạnh, dáng rất thể thao và nếu cao hơn một chút thì cậu ta có thể thành người mẫu nam. Cậu xuất thân từ một gia đình nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long, phải bỏ học sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hiện nay cậu ấy làm việc ở Bình Dương, được trả 160.000 đồng/ca 12 tiếng để lao động tay chân. Vậy mà cậu vẫn làm việc chăm chỉ và vui vẻ. Cậu bảo rằng sẽ còn thấy vui hơn nữa nếu được gọi đi làm cả năm ngày mỗi tuần.
Tôi vô cùng mong những kẻ lười lao động sống ở Anh đến Việt Nam làm việc cùng với cậu thanh niên này. Khi đó họ mới hiểu được niềm hạnh phúc của việc được lao động. Nhiều người không biết họ đang được nuông chiều đến thế nào. Chỉ khi bước ra khỏi quả bong bóng của mình, họ mới hiểu điều gì đang diễn ra ở thế giới thực.
Lê Tâm dịch