Làm tiếp một loạt các phim khác có người khen có người chê nhưng không bao giờ chịu cảnh “thu không bù chi” nữa. Charlie là người có giọng cười rất ấm áp, thích nói đùa khiến nhiều người cảm thấy gần gũi, thân thiện bởi cách pha trò rất Mỹ.
Vậy mà khi cao hứng, anh có thể làm người ta sởn gai ốc trước cách anh kể chuyện. Khi bàn đến chuyện làm phim hay về võ thuật hoặc bộ phim võ thuật nào đó anh có thể nói hàng giờ liền mà vẫn làm cho người nghe hút hồn trong những rừng chi tiết rất điện ảnh, có mào đầu, có tăng tốc, có cao trào, có hồi trào… Anh nói như một nhà kể chuyện chuyên nghiệp, ngay cả khi kể câu chuyện về nghề của anh cũng làm người nghe cảm thấy thú vị:
“Nền điện ảnh của Hollywood là một lãnh địa đầy quyền lực, có thể hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ở đây, khi mà tổng thống Mỹ Ronald Reagan (nhiệm kỳ 1984-1988), thống đốc bang California Arnold Shwarzenegger đều là ngôi sao Hollywood cả. Làm điện ảnh, không như công việc của nhà kinh doanh kiếm được bao nhiêu tiền từ bất động sản này, từ vườn café kia, nơi trái tim ta không để trong sản phẩm, mà để vào bảng quyết toán cuối năm nếu chúng ta không muốn thua lỗ. Các nhà kinh doanh có thể nhìn thấy nụ cười trên môi khách hàng, và cảm thấy yêu thích công việc của mình. Nếu anh làm ăn, còn yêu thích sản phẩm của mình, công việc của mình, vì thấy nó tác động lên đời sống người khác, thì quá tuyệt phải không? Nhưng dù sao anh chỉ yêu nó như một nhà kinh doanh! Và điều đó hoàn toàn khác hẳn cách chúng tôi – nghệ sĩ, làm phim. Chúng tôi quá mẫn cảm và yếu đuối với những sản phẩm của mình vì trái tim đã đặt hết vào đó, cho dù “khách hàng” có đón nhận thế nào, hay có thể “lỗ sặc gạch” đi nữa.
Nhưng thực ra nếu nhìn kỹ, phim chính là một “sản phẩm” đấy thôi và chúng tôi là những nhà kinh doanh khá đặc biệt. Nền công nghiệp phim cần khán giả. Hãy nhìn thử một xuất phẩm: tốn quá nhiều tiền, nhiều công sức của các nhà sản xuất. Nó cần máy quay xịn, cần kỹ thuật quay, cần cả những tính toán tủn mủn ngày hôm nay quay gì, chuẩn bị bối cảnh phục trang ra sao. Mà hơn nữa, nó còn là nghệ thuật mà mỗi nhà làm phim đều muốn vươn đến để thể hiện dấu ấn. Chính vì vậy cần có một sản phẩm vừa “nghệ thuật” vừa “khoa học” và phải “bán” sản phẩm đó ra cho càng nhiều người càng tốt.
Và như bất kỳ việc kinh doanh nào khác, hẳn chúng ta sẽ có cạnh tranh. Khốc liệt là đằng khác. Người đạo diễn chính là người có thể kể một câu chuyện bằng hình ảnh hay nhất để thu hút nhiều khán giả nhất đến rạp. Làm đạo diễn, bạn phải là người dẫn đầu, là trưởng nhóm, là nhà tâm lý, là bầu sô, là người kể chuyện, thậm chí là… người giữ trẻ nữa chứ! Khán giả chính là những người bị quyến rũ đến để được nghe kể, được chứng kiến một câu chuyện hay.
Thế thì, tại sao một bộ phim lại có sức thu hút khủng khiếp đến vậy? Chuyện kể chính là xương sống của một bộ phim. Đó là những câu chuyện về con người, về tất cả những hỉ nộ ái ố. Mọi người đều thích kể chuyện, đúng không? Câu chuyện ở xung quanh bạn. Bữa cơm chiều cả gia đình sum họp, ba mẹ hỏi con cái, hôm nay có chuyện gì vui ở trường, vợ hỏi chồng đi làm cả ngày thế nào? Từ hồi con người còn ở trong hang, họ đã có những người kể chuyện săn bắn con voi ma-mút thế nào, trồng thử cây lương thực mới ra sao… Những người làm phim lấy chính sự tò mò bất tận của con người về những câu chuyện kể và dùng kỹ thuật hiện đại để tăng thêm hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo. Nhưng tựu trung là kể một câu chuyện sao cho khéo léo đi vào lòng người.
Thực ra nếu nhìn kỹ, nghề làm phim cũng chỉ thỏa mãn cái gọi là “cung-cầu” trong kinh doanh thôi. Tất cả mọi người đều muốn được nghe kể một câu chuyện hay, một câu chuyện cuốn hút: làm thế nào người đàn ông đó hay người phụ nữ hết sức bình thường đó có thể vượt qua bao sóng gió để giữ mãi mộng đẹp thủa ban đầu? Ắt hẳn có một điều gì phi thường ở đây! Cái phi thường không chết cứng trong các quyển sách lịch sử. Cái phi thường chính là những uốn lượn của các cung bậc cảm xúc, khiến người ta trồi lên sụt xuống trong chuyến hành trình hai tiếng đồng hồ đến đích, tìm thấy kết cục tốt đẹp, và thở phào nhẹ nhõm. Động đất, chiến tranh, du hành vượt thời gian, hay chỉ là một câu chuyện nhỏ nhẹ về bông hoa, con chó nhỏ, về tình người… Những thứ người ta không thể trải nghiệm dễ dàng trong cuộc sống, họ sẽ nghẹt thở khám phá trên màn bạc. Sự tẩy trần đã đẩy những người xem phim đến được một cảnh giới hoàn toàn khác. Họ ra về hỉ hả. Nghĩa là chúng ta đã thành công!”.
Khi Charlie Nguyễn kết thúc câu chuyện, người nghe cũng có cảm giác thở phào nhẹ nhõm như khi xem xong bộ phim, đèn bật sáng và khán giả lục tục rời khỏi rạp.