Nói còn “bé lắm em ơi” thì không bao giờ chịu, nhưng “tình phí” thì vẫn phải gia đình chu cấp, còn hễ ra khỏi nhà là điện thoại bao giờ cũng “ò í e”, không sao liên lạc được. Đàn bà thì rất… lạnh lùng nhé. Ấy là lạnh lùng với người nhà thôi, đặc biệt là với cha mẹ. Đố mà biết các chị ấy yêu ai, nghĩ gì, làm gì. Về nhà là phóng ngay vào phòng riêng, đến bữa cơm có khi phải gọi điện thoại mãi mới từ trên lầu bước xuống.
Một chị bạn nhà tôi ly dị, nay đang chung sống với ông chồng Tây. Ông này đối xử với cô con riêng của vợ rất lịch sự, tôn trọng. Lịch sự tới mức chẳng bao giờ tìm hiểu việc riêng của con riêng. Thành ra trong nhà ấy, đi đâu về đâu là chuyện không ai cần biết. Trong nhà có ba thế giới riêng. Thế giới của ông chồng Tây bận rộn công sở, đưa vợ đi du lịch, về nhà chăm con chó lớn, sáng sáng dắt chó cùng chạy bộ.
Thế giới của bà vợ lo toan, quan hệ trong ngoài, mua sắm, quản lý ôsin. Thế giới thứ ba là của cô con gái “đàn bà tuổi teen”, tức là tự do tuyệt đối, vô cảm, nhưng chưa làm ra tiền nên vẫn phải chu cấp. Ai cứ nói phụ thuộc kinh tế dẫn đến phụ thuộc “chính trị” là sai lầm.
- Xem thêm: “Đứa trẻ” già
Cô con gái ấy chưa làm ra tiền, vẫn phải “lĩnh lương” từ mẹ, nhưng mà “chính trị” của cô ấy thế nào? Khó tính khó chiều vô cùng, xài tiền như nước, toàn thứ đắt tiền, sinh hoạt tự do, mở miệng ra là chê, chẳng thấy khen ai bao giờ. Thay bồ xoành xoạch.
Chính bà mẹ cũng phải nghĩ rằng thằng đàn ông con trai nào rước giùm đi thì may mắn cho mình quá, nhưng mà đúng là… vô phước cho nhà ai rước cô vợ đặc sắc đó về. Công việc thì chỗ làm nào cô ấy cũng chê, nơi thì lương thấp, nơi chê rằng quan hệ con người phức tạp.
Chẳng biết cô ấy muốn làm gì. Đừng tưởng chẳng nên tích sự như vậy là cô ấy lép vế đâu nhé. Mẹ cô sợ cô lắm, không bao giờ dám nặng lời, còn phải rón rén đón ý xem con gái thích cái gì.
Nhưng nói đi thì phải nói lại, vậy vẫn còn phúc hơn bà bạn kia. Có ba đứa con, chẳng được đứa nào. Thằng đầu thì nghiện ngập phá phách, đứa sau thì tiêu tiền như nước, đứa nữa vợ nọ con kia, ly dị cãi cọ đối phó từng ngày. Nhiều hôm bà mẹ phải “đi trốn” cho các con khỏi xin tiền, gây phiền phức không sao chịu nổi.
Thằng con mới tuổi teen chưa làm ra đồng xu cắc bạc nào nhưng đòi thay xe luôn. Bạn bè đàn đúm, đi bar nhảy nhót, ghi thẻ rượu, chẳng chịu học hành gì mà nói đến trường sở thì chê nền giáo dục không còn lời nào, kể tội thầy cô, tiếng Anh lõm bõm mà một hai đòi đi du học.
Sao mà “hội tụ” nhiều thứ lo nghĩ vào gia đình như thế chứ. Bao nhiêu gương giỏi giang chịu thương chịu khó thành tài, báo chí đăng đầy ra đó, mà rơi vào nhà ai chứ chẳng thấy đến lượt mình. Mà nhìn lại, thấy mình có làm gì ác đức đâu mà trời phạt dữ vậy. Nhìn nhà người ta mà thèm, rồi tặc lưỡi: Phúc ông bà nhà họ lớn mới được như thế…
Đó, người Việt mình luôn có tài biện hộ như vậy. Thấy người khác thành công là phải tìm ngay nguyên nhân, là do họ may mắn quá! Thế nên mới có cái văn hóa GATO (ghen ăn tức ở) người ta nói trên mạng.
Ai thành công là phải tìm ngay xem họ có gặp may gì không, chứ chẳng bao giờ chịu phục người ta giỏi. Hình như công nhận người khác giỏi là mình bị tụt hạng ngay, cho nên động tác đầu tiên là chê cái đã.
- Xem thêm: Nhà nào cũng thế
Con nhà mình hư hỏng, con người ta thành tài thì đổ ngay là do phúc đức ông bà nhà kia dày thôi chứ họ có tài cán gì! Cha mẹ nào chẳng nuôi con như nhau, ai không muốn con nên người, vậy tại sao lại có nhà gặp con ngoan, nhà lại gặp lũ phá hoại tài sản và bất trị?
Thôi thì tìm lý do ở thời đại vậy, thời của các ông bà teen, có trời mới biết họ nghĩ gì. Đứng, ngồi, đi, ở đâu cũng chúi mũi vào bấm bấm điện thoại. Đó, đố ai nói mạnh là con mình ngoan đi?