“Rõ ràng, môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tại buổi lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) diễn ra sáng 22/3 tại Hà Nội.
Thông tin từ VCCI cho biết, cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Tất cả đều tăng
Phát biểu khai mạc, ông Lộc – người giữ cương vị Trưởng ban Chỉ đạo PCI – cho biết bức tranh PCI 2017 đã có nhiều khởi sắc. Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình.
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.
“Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây”, theo Chủ tịch VCCI.
Thông tin đáng chú ý từ PCI năm nay được Chủ tịch VCCI nhấn mạnh là trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm tiên phong.
Tác động cải cách đã lan tỏa. 5 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đầu tàu kinh tế của cả nước: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành, và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong trong top 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.
Theo đánh giá của Trưởng ban Chỉ đạo PCI, điểm số PCI trung vị có được cải thiện, dù đang có sự chững lại của các ngôi sao cải cách thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100, cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành Trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.
“Theo hướng này, yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ ngành theo nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng”, ông Lộc phát biểu.
Còn những điểm tối
Ông Vũ Tiến Lộc cũng nêu, môi trường kinh doanh theo PCI vẫn còn những điểm tối: tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…
Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.
Bình luận thêm về con số 59% nói trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhấn mạnh đây là cải cách nổi bật, khi mà nhiều năm tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức không sự thay đổi lớn, đều ở mức 66%.
Tiêp theo những điểm tối, ông Lộc nói rằng doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp…
Chủ tục VCCI cũng nhấn mạnh, một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là năng lực còn hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thông tin đáng chú ý tiếp theo từ Chủ tịch VCCI là tại Việt Nam, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa chưa được khắc phục. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp tới gần hai lần GDP) nhưng khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI (tới 70%). Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN…
Dẫn nhận định từ báo cáo PCI là Việt Nam có chất lượng quản trị doanh nghiệp thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng việc quốc tế hóa doanh nghiệp tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là một hướng đi cấp thiết để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
– Theo VnEconomy