Tôi không hiểu nổi thằng con ông nữa. Không hiểu nó muốn gì nữa.
Bà làm như chỉ mình tôi sinh ra được nó nên mới hỏi như vậy. Giờ tôi hỏi bà này: Đám trẻ (những đứa như con bà) chúng có khát vọng gì, muốn gì?
Hai vợ chồng hỏi nhau vậy. Là một dịp để mẹ kể tội con. Tôi thấy nó thức thâu đêm ôm máy tính, suốt ngày không rời điện thoại. Thích ngủ dậy trễ. Không thấy hào hứng với công việc. Nếu nhảy việc được là nhảy luôn. Ừ thì đừng có lên lớp tôi rằng thời đại tạo nhiều cơ hội, tuổi thanh niên không biết nắm lấy cơ hội thì sao thành công được. Này nọ, vân vân. Tôi thuộc bài rồi. Toàn bài… dễ, nói nhan nhản trên mạng. Không có gì mới.
- Xem thêm: Con không học cái nghề… thất nghiệp
Rồi các bậc cha mẹ nữa. Hễ làm nghề gì là hay khuyên con… tránh nghề đó ra. Nghề bạc bẽo vất vả lắm con ạ. Người Pháp có câu: “Mười nghề thì… mười một cái khốn nạn”. Sao họ không nói mười cái mà nói mười một cái? Là ý nói, số “khốn nạn” bao giờ cũng nhiều hơn số nghề.
Thế mà bậc cha mẹ chỉ thấy nghề mình là bạc bẽo khổ sở. Thật nông cạn. Nghề nào mà làm đúng lương tâm mình thì đều vất vả hết. Thế mà cha mẹ cũng đứng núi này trông núi nọ, khuyên con bậy bạ. “Thiết kế” cho con rất bậy bạ. Lại còn trách gì?
Thiếu gì nhà hướng con thi vào trường… công an? Nên mới chen chúc và điểm chuẩn cao nhất, ngất trời. Mới khốn khổ sư phạm chỉ hơn 12 điểm. Hóa ra, thiên hạ đều đồng ý rằng, người giỏi nhất nên đi… giữ gìn an ninh, còn kẻ dốt nhất nên đi… làm thầy. Vậy là cả nước đồng ý thế hệ con cháu mình nên học thầy kém. Thôi thì ta cứ chọn nghề gì hái ra tiền, dành dụm đi du học. Thế là giải quyết được bài toán. Ai nghèo, miền núi xa xôi, trường lớp ọp ẹp thì chỉ xứng với… “các thầy 12 điểm”.
Một dạo thanh niên hướng tới lý tưởng, họ hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta”… Họ đọc và yêu Paven trong Thép đã tôi thế đấy… Rồi chẳng hiểu từ bao giờ, những điều hay ho đã bị coi là “Khẩu hiệu tuyên truyền”. Thi hùng biện trước đây họ nói muốn làm điều gì để góp phần thay đổi thế giới, rồi bị cho là… sáo rỗng viển vông to tát. Là vì, ngay cái việc sát sườn là yêu kính cha mẹ, chăm chỉ tử tế, họ cũng chẳng nên hồn.
Thế là chẳng hiểu từ bao giờ, lối sống thực dụng, thấp lè tè sát sàn nhà, trở nên “hợp lý quá”, đánh bay lý tưởng. Loay hoay đánh vật một hồi, ngẩng đầu lên thì, chẳng hiểu vì sao, nước này nước nọ, người này người nọ, họ nói thanh niên mình chẳng ra gì, mà trúng phóc, cãi không nổi.
Họ bảo, thanh niên Việt vừa lười, vừa yếu sức khỏe, vừa… gì gì nữa. Rồi một người Nhật nói thẳng: “Người Việt còn khổ suốt đời” vì tính tham vặt, không nhìn cái lớn. Đại ý, một cái vít họ đem sang giá 500 ngàn đồng thấy rơi trong xưởng thì các bạn đá luôn, nhưng lại cúi xuống nhặt điếu thuốc hút dở…
Chẳng dám kể tiếp nữa, xấu hổ quá. Chúng ta chỉ tham vặt, lo lợi ích trước mắt, lý tưởng là làm ít, nhàn hạ nhưng nhiều tiền. Cái mong muốn ấy, chỉ có thể dối trá lừa đảo trộm cắp mới có được. Họ kêu ra trường thất nghiệp, trong khi, lạ chưa kìa, nhiều doanh nghiệp than không tuyển được người, thanh niên chê việc vất vả, rình nhảy việc, họ không bao giờ nghĩ cho doanh nghiệp hết.
- Xem thêm: Cu Tí không nhảy đầm
Thế rồi lại múa bàn phím chửi đất nước “xứ lừa”. Không thấy mấy ai đề xuất ý tưởng gì hay ho. Ai cũng chỉ lo cho mình thì đất nước phải khổ vậy thôi…
Hai vợ chồng nhà này tranh luận vậy, chắc cũng thuộc “cặp vợ chồng hiếm có” vì họ không nói chuyện cụ thể, mưu làm ăn kiếm chác, lại ngồi nói về những đứa con, người trẻ tuổi… “không có lý tưởng”. Nói về trách nhiệm của bậc cha mẹ.
Thôi đúng họ là cặp… vợ chồng ưu tú, vợ chồng nhân dân rồi.