Bà xã tôi trước đây theo đuổi triết lý “hữu xạ tự nhiên hương”, bây giờ đâm hoang mang vì “thời đại PR”. Cô ấy nói: “Đám học trò của em học về quan hệ công chúng, hễ thầy cô cho học thêm những môn về báo chí là chúng giãy nảy.
Cứ đòi dạy sao cho chúng nắm nhanh các thủ thuật láu cá để “mau thành đạt” chứ cứ âm thầm trau dồi nghề nghiệp thì lâu lắm, mà chẳng ai biết đến.
Khi em nói là làm nghề nghiệp vinh quang tranh đấu cho sự thật như các nhà báo, thì chúng trả lời rằng vất vả làm gì, dễ lãnh đủ. Chúng em chỉ thích làm PR ăn mặc đẹp, xuất hiện trong các lễ lạt, tiệc tùng, sự kiện, làm MC.
Mau có tiền và xong việc là thôi, chứ làm nhà báo thì khổ lắm”. Tôi cười: “Họ nói đúng đấy. Em thấy đâu có ai làm PR mà bị bắn giết, trúng bom đạn, bị hành hung, giật cả máy ảnh, ghi âm; có cô cậu PR nào phải vô tù vì hành nghề đâu”. Cô ấy gật gù nói: “Cả xã hội chỉ quẩn quanh bên showbiz, mê mải game show, truyền hình thực tế và thi cử hát hò, nên mới thích bề nổi đến vậy”.
- Xem thêm: Tôi phải… khác biệt
Tôi nói: “Nhưng em thấy đấy, con mình đâu có đi hóng hớt mấy cái vụ showbiz đó. Tivi chẳng thèm xem. Hỏi chính trị thời sự chẳng biết gì!”. Bà xã tôi đồng ý và kể: “Ai đời đi làm ở công ty, lúc có giám đốc ở nước ngoài ghé thăm chi nhánh, ghé Việt Nam, được phân công chuẩn bị chương trình giao tiếp với lãnh đạo địa phương cho ông sếp Tây, nó mới cuống lên hỏi: “Ông chủ tịch quận thì làm gì? Sao phải có Hội đồng nhân dân?…”.
Nó chẳng biết gì về thể chế các tổ chức chính trị xã hội hết!”. Tôi phì cười: “Em nói gì tụi trẻ. Ngay anh đi dự một hội nghị, có nhà thơ hẳn hoi lên phát biểu: Kính thưa đồng chí phó bí thư Ủy ban nhân dân… Cả cuộc họp cười ồ, tưởng ông ta nhỡ miệng sẽ nhớ mà nói lại.
Nào ngờ ổng luống cuống mãi không biết mình sai chỗ nào”. “Đấy là ông nhà thơ! Để tâm hồn treo ngược lên cành cây, không phân biệt hệ thống Đảng và chính quyền – bà xã tôi nói – Đã là nhà thơ thì lơ mơ phải rồi…”.
Nhưng quan sát mấy đứa con không xem tivi, không theo dõi thời sự ấy, bà xã tôi nhận xét: “Anh đừng có lầm. Chúng không xem thời sự, nhưng cái gì xảy ra ở đâu cũng biết. Nó lên mạng, dính vào laptop suốt ngày không thấy sao. Chúng là “dân còm” (comment: bình luận).
Nếu muốn đọc những lời còm của bọn trẻ thì sẽ thấy chúng già chứ không còn ngây thơ. Và chính trị của chúng sâu sắc”. Tôi hơi nghi ngờ nhận xét của bà xã, vì nếu tất cả bọn trẻ đều sâu sắc thế thì đã không có những thằng trẻ tuổi giết người như ngóe, ăn cướp tiệm vàng, đi đường lúc nào cũng mang “hàng nóng” trong cốp xe.
Thử tìm hiểu “dân còm” mà xem, thiếu gì những lời chửi bới. Nói một cô người mẫu đang nổi tiếng, vẫn sẵn sàng tặng cho câu “cô đại diện cho nét đẹp tham ăn, mỏ như cái phao câu vịt” đấy còn là lịch sự chán. Nhiều người còn chửi thề tục tĩu. Vì thế có những trang mạng đem khóa những phản hồi, hoặc biên tập, cắt xóa lời còm.
Mà thói đời, đọc bài xong phải xem thiên hạ nghĩ gì về vấn đề đó mới thú vị. Các chủ trang cũng nhìn vào số lượng đó để đánh giá chất lượng xem có phải đó là vấn đề người đọc quan tâm.
Your Content Goes Here
Dựa vào view, rating – mối quan tâm của khách hàng – đã trở thành tiêu chuẩn nghiệp vụ mất rồi. Vì thế có cả một “đống rác khổng lồ” trên mạng đổ xuống đầu thiên hạ. Sau các thảm họa phim nhạt nhẽo chiếu giờ vàng, thảm họa nhạc quái đản, đến khoe hàng hở hang, nay là chửi bới.
Người ta sẵn sàng khoét lớn các vấn đề cỏn con để gây sự chú ý.
Mấy cô người đẹp chân dài, diễn viên nghe nói không chỉ đấu khẩu, mà thực sự có nhiều người đã dùng đến ẩu đả, tát đấm nhau dữ dội.
- Xem thêm: Đua nhau nói kiểu… “showbiz”
Cũng có lời còm tỏ ra sâu sắc, bình luận không chửi mà còn sâu cay hơn chửi, còn vơ đũa cả nắm theo kiểu nói về doanh nghiệp nhà nước “chính phủ trả lương, chính phủ lo vốn, lo luôn khoản nợ, cho nợ, gán nợ, xóa nợ. Nói thật, con bò cũng làm được tổng giám đốc mấy doanh nghiệp này…”.
Đọc còm nhiều, đầu óc bận rộn, thấy vấn đề được nhìn tứ bề, nhiều chiều, tự người đọc suy nghĩ đúng sai. Có khi chính những dân còm quay ra cãi nhau, tranh luận, phỉ báng nhau vì cái nhìn khác nhau.
Bà xã tôi nói: “Đó, thời gian bận bịu vào đó chứ đâu. Chẳng biết là hay hay dở nữa. Báo chí đưa ra thăm dò ý kiến về dự án của anh chàng Jake nào đó định ba tháng không dùng công nghệ điện thoại, máy tính… Các bạn trẻ người thì cho rằng hay, người lại nói vậy thì lạc hậu mất. Chỉ biết là con người rõ ràng là một thứ nô lệ mới, phụ thuộc còn ghê hơn cả ghiền… ma túy!