Quét dọn mộ ông bà những ngày Tết, lòng người dường như cũng được quét dọn lại sau một năm dài bươn chải và hẳn là có lắm những lỗi lầm.
Tôi thương ông nội dù tôi chưa một lần gặp ông.
Mỗi năm gần ngày Tết nội cùng tôi đi phát mộ cho ông. Nhìn mộ ông tôi thầm nghĩ ông là một người hiền lành. Tôi không từng nghĩ có cái gì đó thảm khốc trên cuộc đời ông. Tôi cảm giác ông hiền qua tấm ảnh thờ, qua những tình cảm còn lưu giữ trong lòng bà nội. Và tôi nghĩ ông nội tôi mãi mãi trẻ, độ hai mươi tám tuổi thôi. Tôi thương yêu ông.
Nấm mộ ông hiền lành bên một lối mòn từ đồng vào xóm. Ngày phát mộ cuối năm tôi hay ra và coi đó như một ngày lễ dành cho ông nội. Bàn tay trẻ con của tôi giẫy từng bụi cỏ nhỏ, đắp từng len đất ít ỏi lên mộ ông. Tôi không biết thế nào là nấm mộ đẹp nhưng tôi cố gắng làm cho nấm mộ ông đẹp nhất, cao ráo nhất để ông ăn Tết thật vui.
Ông nội tôi thành liệt sĩ từ khi ba tôi lên tám. Những gì ông nội còn lại ngoài nấm mộ là những đồng tiền liệt sĩ của ông.
Yêu quý ông, vậy thì tiền xương máu của ông tôi phải nâng niu trân trọng.
Nhưng chỉ có bà nội mới không dám rớ những đồng tiền đó. Nó là người bạn tri kỷ để tuổi già nội yên tâm mình và con cháu mình không bị đói ở một ngày tối tăm nào đó. Những cơn đói giữa mùa lụt lội với củ co củ súng từng đi qua cuộc đời nội. Nó ăn sâu vào tiềm thức. Nên nội sợ đói, phòng đói bất chấp điều kiện. Số tiền phòng đói nội để trong cái ô trầu sâu trong một cái tủ đứng có chìa khóa bằng thao sáng chói. Chìa khóa luôn để trong túi nội.
Có lần nội đi xa đem hết tiền theo nhưng để chìa khóa tủ lại. Tôi ngồi nhìn chìa khóa và cánh cửa rồi hỏi làm sao cái chìa khóa này mở được tủ. Bạn không hình dung cách tôi làm chìa khóa giả đâu. Nó thô sơ một cách đáng hoài nghi. Chỉ cần gấp đôi sợ dây rồi bẻ cong một đầu. Tôi có thể tra cái ngoéo nhỏ nhắn đó vào ổ khóa vặn nhẹ vài cái, chốt cửa đã bật ra.
Nội tôi không bao giờ ngờ rằng tôi đã khám phá ra điều khủng khiếp đó. Tôi của tuổi trưởng thành bây giờ cũng không nghĩ mình có thể mở được ổ khóa từ một sợi dây chì số hai đơn giản đó. Những đồng tiền xương máu phòng khi đói khổ hao hụt từng ngày. Nội tôi biết chỉ có đứa con nít mới ra tay kiểu vậy. Vì số tiền mất vừa vặn với một gói mì tôm, một tô bún nước lèo, một bịch bánh tai heo. Mà nhà thì chỉ có nội và đứa con nít như tôi. Nhưng rõ ràng chìa khóa không rời nội một phút giây nào. Giống như trong nhà có ma vậy.
Bóng ma đó ám nội. Sự thật ở phía nào? Nỗi sợ lớn nhất là nội tôi biết tôi hư hỏng nhưng chỉ có thể trơ mắt nhìn tôi hư hỏng mà không có cách gì để dạy cho tôi đàng hoàng hơn.
Nội tôi đau cái nỗi đau của một người lớn thấy hết những hay dở được mất của cuộc đời nhưng không lời dạy nào của nội lọt vào tai con cháu. Cũng như nỗi đau nhìn ba tôi đi vào con đường thù hận và sự trả thù có thể đổi bằng mạng, nỗi đau nhìn chú Út đi quân dịch và gối đầu vào một trái mìn. Tất cả đều được nội thấy hết nhưng không tài nào cản lại được. Nội tôi không biết cười từ dạo đó. Nghĩa là tới lúc tôi hai mươi tám tuổi, nội qua đời, tôi vẫn chưa biết hình dáng nụ cười của nội.
Tôi hiểu vì sao nội không thể cưng yêu tôi. Oán giận một đứa trẻ hẳn nhiên người lớn không muốn làm nhưng cưng yêu là phải có điều kiện. Có đáng yêu mới được yêu. Tôi lúc đó chỉ nghĩ tới những gì mình có thể làm. Còn ai căm phẫn nặng nề, ai gánh vác mặc ai.
Mỗi ngày tôi nghe nói người ta đi xuống lòng đất cất nhà, lên mặt trăng ăn sáng rồi, làm gì mà có ma cỏ phật trời, không có kiếp nảo kiếp nào, không có nhân quả theo kiểu tâm linh. Chỉ có nhân quả cụ thể. Nghĩa là muốn có nhiều đồ đạc phải có tiền. Muốn được tôn trọng phải sở hữu nhiều của cải vật chất. Muốn sai khiến được người phải có thế lực như tiền bạc, nhan sắc, tài năng, mưu lược.
Khi đó tôi đủ thông minh để tìm ra những kẻ hở và vói tay lấy món mình thích thì tôi lại không đủ thông minh để nhớ câu ăn cắp quen tay.
Bao giờ thì sự thuận lợi hành ác cũng làm người ta khoái chí và người ta tiếp tục đến lúc vỏ quít dầy có móng tay nhọn.
Tôi đủ thông minh để tìm ra cơ chế hoạt động của cái ổ khóa và làm chủ nó bằng những thứ thô sơ nhất, nhưng không bao giờ đủ thông minh để hiểu được giá trị của những đồng tiền xương máu của ông nội, cũng như tôi không hiểu hết khổ nhọc trong đôi mắt hoang mang lo lắng của bà nội, những người tôi thương yêu nhất.
Tôi thường hay hỏi đi hỏi lại về cái chữ thông minh. Kẻ trộm cũng tài tình trong vô vàn cách mở khóa, trong cách nắm bắt tâm lý người có của nhưng lại không nhận ra được một điều đơn giản đi đêm có ngày gặp ma.
Những người có thể dùng chiêu thức độc đáo để lừa lọc, để vơ vét hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước rõ ràng đại thông minh, đại trí tuệ nhưng họ lại không đủ thông minh nhận ra đồng tiền nào cũng có cái giá của nó, nếu bạn không đổ mồ hôi bạn sẽ đổ tự do và đôi khi đổ cả tính mạng. Mỗi người chỉ có thể thông minh được một bề. Cũng giống như trong đường tu mỗi người đắc đạo một bề.
Đi mãi con đường “tội ác” của mình, vỏ quýt tôi gặp móng tay nhọn của một người ông. Tôi đã lấy những đồng tiền của ông cậu .
Ông cậu hỏi:
– Con đã lượm được tiền này phải không?
Tôi lí nhí.
– Dạ
Và tôi bắt đầu thấy sợ ông cậu. Một cái sợ pha lẫn nể nang vì ông cậu cố tình hỏi một câu sai sự thật. Tôi đủ thông minh để hiểu là ông cậu thừa biết những tấm tiền để dưới mặt bàn không đời nào có thể bay đi đâu được và chính tay tôi giở cái mặt bàn lên lấy đi một tấm. Nhưng ông vẫn nói là tôi lượm được chớ không phải ăn cắp.
Ông nhận lại số tiền không quên dúi vào tay tôi một phần trong số tiền bị mất. Mỗi mùa Tết, mới giao thừa, ông đã kêu tôi lại lì xì tiền để đảm bảo sáng mồng một tôi luôn có tiền dằn túi.
Tôi không nghĩ gì nhiều cả. Chỉ biết là mình đã thoát nạn. Rõ ràng ông đã biết tỏng cái lòng tham của một đứa con nít như tôi. Nhưng sao ông không vạch trần tôi.
Ông đối với tôi đúng nghĩa một người lớn đối với một đứa trẻ. Dù tôi có phạm lỗi ông vẫn dành cho tôi những gì tốt đẹp nhất. Dù tôi có hèn mạt, ông vẫn cho đó là bình thường vì một đứa trẻ có được cái quyền hẹp hòi, khờ khạo và ngu ngốc. Ông xử đúng cách xử một người lớn với một đứa trẻ. Tôi cảm thấy ông thật sự là một người lớn và tôi yêu quý người lớn, muốn trở thành người lớn y như ông vậy.
Có thể không phải đứa trẻ khôn lõi nào cũng nhận được bài học từ những gì nhân hậu, bao dung. Mỗi đứa trẻ đều có một kiểu bài học sửa mình chỉ riêng nó mới có thể cảm nhận trọn vẹn. Và, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn tìm được đáp án đời mình.
Những mùa phát mộ sau này, tôi hay dẫn con tôi ra mộ bên nội bên ngoại. Mộ bây giờ đã xây bằng gạch men nên không phải gò lưng đắp đất như hồi tôi còn nhỏ. Nhưng tôi vẫn muốn được phát mộ mỗi năm vào mùa Tết.
Quét dọn mộ ông bà những ngày Tết, lòng người dường như cũng được quét dọn lại sau một năm dài bươn chải và hẳn là có lắm những lỗi lầm. Nhìn từng nấm mộ của ông nội bà nội, ông cậu, tôi như nhìn thấy được những ngày thơ ấu non dại của mình.
Tôi tìm niềm vui của mùa Tết mới bằng cách ôn lại những bài học cũ. Để khi dạy con, dạy học trò, tôi không phải chủ quan hỏi những đứa trẻ tại sao các em phạm sai lầm nhiều như thế?
Tôi muốn đi tìm từng câu trả lời cho mỗi tính người, tìm đáp án làm nên sự trưởng thành của từng đứa trẻ rất đỗi khôn ranh cũng như vô cùng khờ khạo. Mùa Tết với tôi thường bắt đầu từ trước Tết như vậy.