Hiện nay nhiều tỉnh, thành đã được cấp phép đầu tư cho rất nhiều khu đô thị trên dải đất ven biển và trên các hòn đảo trong phạm vi lãnh hải, đây cũng có thể là tiền đề cho việc thành lập các đô thị biển trong tương lai…
Cùng với sự phát triển của đất nước, đến nay các đô thị ven biển Việt Nam có khoảng gần 40 đô thị ven biển, trong đó các đô thị gắn liền với dải đất ven bờ biển gồm: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Thuận An, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cam Ranh, Tuy Hòa, Sông Cầu, Quy Nhơn, Phan Rang – Tháp Chàm, Phan Rí Cửa, Vũng Tàu, Hà Tiên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau,… và các đô thị từ hình thái kề bờ biển đang chuyển sang tiếp cận biển như: Hải Phòng, Huế, TP.HCM…
Các đô thị duyên hải và đô thị hải đảo đã được thành lập như Phú Quốc (UBND tỉnh Kiên Giang đang trình CP thành lập TP Phú quốc – Tờ trình số 123/TTr-UBND ngày 31.7.2020).
Hiện nay nhiều tỉnh, thành đã được cấp phép đầu tư cho rất nhiều khu đô thị trên dải đất ven biển và trên các hòn đảo trong phạm vi lãnh hải, đây cũng có thể là tiền đề cho việc thành lập các đô thị biển trong tương lai.
Như vậy, phải nói rằng mặc dù chưa có đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng các đô thị trên bờ biển, đô thị hải đảo Việt Nam đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ. Chỉ theo thống kê chưa đầy đủ, sau khoảng hơn 100 năm, Việt Nam từ chỉ có từ ba đô thị ven biển (Vân Đồn – thời Lý, Hội An – cuối thế kỷ XVI, Đà Nẵng – 1888) đến nay đã trở thành một hệ thống với gần 40 đô thị ven biển và 01 đô thị hải đảo (Phú Quốc) đã thành lập và được Chính phủ công nhận.
Đô thị Biển – Trung tâm kinh tế và du lịch
Tất các cường quốc đều có Đô thị Biển là trung tâm kinh tế bên cạnh một Thủ đô là trung tâm hành chính. Với Việt Nam, Hải Phòng đã từng được người Pháp lên kế hoạch phát triển là “Thủ đô kinh tế của Đông Dương”, nay Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Đà Nẵng có nhiều lợi thế về vị trí địa lý gắn liền với biển Đông, có nhiều bãi biển đẹp, có núi, có sông… chính là cửa ngõ mà người Pháp đến với “Đàng Trong” và cũng đã là cửa ngõ giao thương quốc tế của nhà Nguyễn. Ngày nay Đà Nẵng là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Thành phố New York không có bãi biển đẹp nhưng có Manhattan là trung tâm thế giới; Hong Kong không có bãi biển đẹp nhưng là trung tâm tài chính của châu Á; Singapore không có bãi cát trắng, không có tiềm năng dầu khí nhưng vẫn là trung tâm tài chính của khu vực.
Những Manhattan, Hong Kong, Thẩm Quyến hay Singapore không ào ạt xây dựng các khu biệt thự triệu đô ven biển hay lấy hết quỹ đất giá trị nhất để làm du lịch, mà họ làm các trung tâm thương mại, tài chính dịch vụ vận tải, hàng hải, căn hộ cao cấp với mật độ dày đặc, các công trình cao tầng để tối đa hóa không gian, chứa đựng nhiều tiện ích đan xen và thuận tiện… tạo ra nền tảng hạ tầng để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng biển và thương mại biển. Những chức năng cốt lõi này sẽ tạo ra nhu cầu về ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, ở và du lịch. Các trung tâm này luôn chiếm những vị trí giá trị nhất, có nghĩa là ven biển thay vì lùi vào trong đất liền thì các trung tâm này đã trở thành những điểm đến du lịch xuất sắc và đô thị biển đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ vì các cơ sở tạo thị như vậy.
Vậy với Việt Nam, các đô thị trên bờ biển, đô thị hải đảo hiện nay đã tạo nên được các trung tâm kinh tế – tài chính tầm cỡ quốc tế để làm hạt nhân, kết hợp với các lợi thế có bờ biển, bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới để phát triển các đô thị biển như thế nào?
Tiềm năng và lợi thế
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới có gió mùa, có ánh nắng chan hòa, lượng mưa dồi dào và độ ẩm cao, có 3.260 km bờ biển, nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Lăng Cô, Non Nước, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên… Có nơi núi ăn lan ra biển tạo thành vẻ đẹp kỳ thú như vịnh Hạ Long, đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Giữa vùng biển Việt Nam còn có hệ thống đảo và quần đảo gồm hàng ngàn đảo lớn nhỏ nằm rải rác từ Bắc đến Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nơi đang có các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo quốc gia.
Có thể thấy rằng, Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, còn tương đối nguyên vẹn đặc biệt là tài nguyên biển với hơn 1 triệu km2. Từ Quảng Ninh đến Cà Mau, Kiên Giang đều có những đặc thù riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên nhân văn, lịch sử, văn hóa nhưng nhìn chung đều có các điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, phù hợp với hình thức du lịch tham quan, nghỉ mát và nghỉ dưỡng theo hướng văn hóa và sinh thái và các ngành kinh tế biển khác như khai thác, chế biến dầu khí, nuôi trồng đánh bắt hải sản,…
Ngoài những thuận lợi nêu trên, vùng miền Trung với những bất lợi về khí hậu nắng nóng và khô hạn như ở Ninh Thuận, Bình Thuận,… lại đã tạo nên những hướng đi bất ngờ: Nắng nóng quanh năm, độ khô, sự sa mạc hóa và những bãi biển trong xanh vô cùng tận và thủy sản tươi sống là xuất phát điểm lý tưởng cho ngành du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và các sản phẩm du lịch khác gắn với biển. Đây là cơ hội biến miền Trung thành vùng giàu có chính là bằng ngành kinh tế du lịch cùng với công cuộc đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững.
Từ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sau hơn 10 năm kể từ khi Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập (2003), đến nay, cả nước đã có 18 khu kinh tế ven biển trải dài suốt từ Bắc đến Nam, đã được quy hoạch, thành lập và được hưởng những cơ chế ưu đãi, với tổng diện tích là 697.800 ha. Trong đó, khu vực miền Trung có 12 khu, miền Bắc có 3 khu và miền Nam có 3 khu.
Nhóm các khu kinh tế ven biển được lựa chọn đều có lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, dịch vụ hậu cần logistics, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, phát triển kinh tế biển, du lịch biển, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung…
Cùng với đó, các khu kinh tế ven biển cũng được tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, hệ thống sân bay, cảng biển… đồng bộ. Các chính sách cũng là động lực tác động quan trọng để tạo đà cho các khu kinh tế ven biển phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Sự phát triển các khu kinh tế ven biển cùng với lợi thế về vị trí địa lý của khu vực ven biển Việt Nam chính là động lực quan trọng cho việc phát triển các đô thị ven biển trong giai đoạn vừa qua.
Về cảng biển – cửa sổ nhìn ra thế giới, như Đại thi hào A. Puskin gọi là “đục thủng cửa sổ vào châu Âu” cho việc xây dựng thành phố Sankt – Peterburg ngay trên vùng đầm lầy trên bờ biển Baltic, bởi quyết định thiên tài của Hoàng đế Pie đệ nhất vào thế kỷ XVIII. Chiêm nghiệm lịch sử, các quốc gia biển bao giờ cũng phát triển nhanh hơn các quốc gia lục địa và đô thị – cảng biển không chỉ là đầu mối, mà là cầu nối trong sự phát triển của mỗi quốc gia với quốc gia khác.
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24.6.2014, đã xác định Việt Nam có 45 cảng biển được chia thành 6 nhóm. Hiện nay, kết nối các cảng biển lớn trên thế giới đều sử dụng phương thức vận tải lớn như đường sắt và đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ có cảng Hải Phòng được kết nối với đường sắt (cảng Cái Lân đã đầu tư nhưng chưa thể khai thác do thiếu đồng bộ về khổ đường), chưa có đường cao tốc riêng dành cho vận tải hàng hóa. Giao thông kết nối đường thủy bị hạn chế bởi tĩnh không các cầu vượt sông. Do đó, hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa tới cảng biển chưa được tối ưu hóa về thời gian, chi phí vận tải. Bởi vậy, một vấn đề đặt ra là cần gắn cảng biển với vận tải đa phương thức để hệ thống cảng phát triển bền vững, chi phí logistics được kéo giảm.
Ngày 13.1.2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 77/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cảng biển và tạo động lực cho phát triển các đô thị – cảng biển của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050…
Cần xây dựng chiến lược phát triển đô thị biển
GS.TS. KTS Nguyễn Việt Châu trong bài tham luận Đi tìm bóng dáng đặc thù của đô thị biển, đã lưu ý: “Đối với đô thị biển thì nơi tập trung nhiều người nhất, dễ lưu lại bóng hình của mình nhất, phát triển nhanh chóng và sôi động nhất, nhưng cũng xâm chiếm thiên nhiên nhiều nhất chính là tuyến không gian ven biển – trục trung tâm của đô thị biển”. Về hình thái và bản sắc thì đô thị biển thì ông đã nhận xét “nếu lược bỏ phần cảnh quan ven biển, chúng sẽ bị lẫn ngay vào vô vàn các khuôn mặt, dáng hình của đô thị vùng đồng bằng khác”.
Hình thái đó được tạo ra với mục đích khai thác nhiều hơn là tạo dựng, bởi quan điểm: mở đường lớn, có hạ tầng để thu hút đầu tư, khai thác lợi thế biển cho phát triển du lịch. Nhưng với các đô thị ven biển, việc làm trên nếu không cân nhắc kỹ sẽ làm cứng hoá nét mềm mại, duyên dáng của bờ biển, hạn chế sự tiếp cận thân thiện giữa đô thị với biển, làm mất đi phần nào khoảng đệm tự nhiên giữa biển và đô thị và cảnh quan…
Với các đô thị ven biển, việc làm trên nếu không cân nhắc kỹ sẽ làm cứng hoá nét mềm mại, duyên dáng của bờ biển, hạn chế sự tiếp cận thân thiện giữa đô thị với biển, làm mất đi phần nào khoảng đệm tự nhiên giữa biển và đô thị và cảnh quan…
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã có những nhận định các vấn đề trong việc phát triển đô thị biển Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, vấn đề thứ nhất: Việc xây dựng tổng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng duyên hải, trong đó có việc nghiên cứu và quy hoạch hệ thống các đô thị biển, chưa được chú trọng. Chẳng hạn, cần phải xác định hợp lý sự phân bố các cảng và đô thị cảng, sự lựa chọn ưu tiên trong khai thác tài nguyên bờ biển, sự xác lập những khu vực và những tuyến bờ biển cho các hoạt động kinh tế du lịch hiệu quả nhất .v.v…
Vấn đề thứ hai: Sự lạm dụng quá mức đất đai, sự xâm hại các giá trị cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc, nạn ô nhiễm môi trường bởi xây dựng và chất thải .v.v…
Vấn đề thứ ba: Quy hoạch xây dựng các khu du lịch – nghỉ mát hoặc chưa có hoặc có mà không được tuân thủ. Bờ biển bị chia nhỏ vụn thành lô, thửa. Bãi biển vô giá này chung số phận của các đô thị, nơi người sở hữu quyết định thay nhà quản lý. Nhà nghỉ mát thì có, kiến trúc của khu nghỉ mát không thành, đô thị lại càng không ra đô thị biển.
Trong khi đó, PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh đã đề nghị xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện và một quy hoạch tổng thể phát triển vùng nhằm tổ chức lại lãnh thổ vùng ven biển theo các cấp quốc gia, cấp vùng, cấp huyện, cấp xã, các đô thị biển mới và các đô thị hải đảo. Việt Nam không thiếu đô thị Biển, thậm chí ở những vị trí rất trọng yếu nhưng cần có những chiến lược riêng cho các đô thị này cả về kinh tế, xã hội và quy hoạch xây dựng thì mới tạo nên một thế mạnh của một Quốc gia biển.
Cũng cần lưu ý, biến đổi khí hậu có biểu hiện ngày càng bất thường tại các đô thị ven biển. Song vấn đề mấu chốt là hầu hết các đô thị ven biển của Việt Nam chưa có quy hoạch phát triển đô thị lồng ghép với đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Cần phải xây dựng một chiến lược phát triển đô thị biển, gắn kết chặt chẽ với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành tại Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22.10.2018. Trong đó đối với các đô thị ven biển và đô thị hải đảo cần xác định rõ định hướng phát triển không gian đô thị với yếu tố cốt lõi tạo thị là một hoặc vài trung tâm kinh tế (công nghiệp, dầu khí, năng lượng tái tạo, chế biến thủy hải sản,…) – tài chính – giáo dục đào tạo – y tế,… tùy thuộc đặc điểm của mỗi đô thị hoặc vùng dự kiến hình thành đô thị; phát triển các ngành kinh tế du lịch – dịch vụ một cách bền vững, song hành với phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội và các khu dân cư đô thị.
Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật, làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch và xây dựng phát triển các đô thị trên bờ biển và đô thị hải đảo.