Dùng những cách biểu hiện khác nhau cho cùng một nội dung trong ngôn ngữ làm nên hiện tượng đồng nghĩa, sự biến thể đồng nghĩa của tên gọi trên cấp độ từ. “Việc chọn từ đồng nghĩa phụ thuộc vào các chức năng xã hội và ngữ dụng học” (Fillmore), thể hiện đặc trưng dân tộc của tư duy ngôn ngữ trong sự tri giác, phạm trù hóa hiện thực, đặc điểm liên tưởng, văn hóa tâm hồn – tính cách ứng xử.
Các từ đồng nghĩa ý niệm thường không đặc trưng cho đại từ và hư từ, có mặt ở tất cả các từ loại thực từ, như danh từ trừu tượng chân lý – sự thật, dịp – cơ hội – thời cơ… nhiều nhất là ở hệ thống tính từ kiên định – kiên cường, trọn vẹn – nguyên vẹn… Và cũng có nhiều ở từ loại động từ như cố – gắng, tìm – kiếm…
Giàu lòng thương cảm, giỏi chịu đựng đến bền lòng, nhẹ nhàng đến đau đáu ân tình. Một chờ hai đợi ba trông – Bốn thương, năm nhớ bảy tám chín mong mười tìm… Ấy là ý tứ ngóng trông mong đợi của chủ thể lưng tựa núi mắt nhìn ra biển mang tính cách Việt. Sông dài cá lội biệt tăm – Chín thu cũng đợi mười năm cũng chờ… “Ngôn ngữ – là ngôi nhà của sự tồn tại” (Heiderger), “ngôn ngữ là dân tộc” (Dostoievsky).
Lưng tựa núi mắt nhìn ra biển
Chờ và đợi là cặp từ đồng nghĩa ý niệm, là những động từ đồng nghĩa trung tính về phong cách hàm nghĩa ở trong trạng thái mong ngóng cái sẽ đến, sẽ có, sẽ xảy ra… nên trong nhiều trường hợp có thể thay thế bổ sung cho nhau. Thế nhưng vẫn khác nhau về các sắc thái ý nghĩa cơ bản và phân biệt ý nghĩa khá tinh tế.
Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), chờ: ở trong trạng thái đang mong ngóng, ai hoặc cái gì sẽ tới, sẽ xảy ra. Chờ khách. Chờ tin. Chờ tàu. Âm điệu nhẹ mà mỉa mai. Há miệng chờ sung. Còn đợi: chờ ai hoặc cái gì mà biết hoặc tin là sẽ tới, sẽ có, sẽ xảy ra. Đến chỗ bạn hẹn đợi người yêu.
Ca dao là cung đàn muôn điệu tơ lòng, chờ – đợi được sử dụng chọn lọc với ý tứ ngóng trông mong đợi của chủ thể có tần suất nhiều nhất ở tình yêu đôi lứa duyên nợ vợ chồng. Tùy vào từng ngữ cảnh, ý niệm, phong cách, sắc thái biểu cảm. Sự khác biệt này cũng là theo yếu tố chủ quan của từng người và không có sự rạch ròi rõ ràng.
- Xem thêm: Nho học, công lao và hệ lụy
Khi đặt trong ngữ cảnh nhất định, từ chờ thường hàm ý điều đang mong ngóng có thể đến, hoặc không, hoặc chưa chắc đến… và tạo cho người nghe một dự cảm không chắc chắn, rõ ràng. Chờ anh chờ ngẩn chờ ngơ – Chờ hết mùa mận mùa mơ mùa đào. Lẳng lặng. Thiết tha. Xốn xang. Vô vọng… từ chờ thuộc thanh bằng, thanh điệu mềm nhẹ ngân dài thở sâu…
Còn từ đợi thuộc thanh trắc tạo cảm giác gieo nặng, dứt khoát, tin tưởng. Điều đang mong ngóng qua từ đợi gợi lên sắc thái kiên trì, tạo dự cảm hoặc chắc chắn có cơ sở. Chủ thể trữ tình vẫn là người con gái giàu nữ tính mềm như nước, nhưng mong ngóng an định son sắt. Thuyền về có nhớ bến chăng – Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Văn bản phổ biến cũng như sách Ngữ văn 7 đều ghi thuyền về… nhưng giả thử đổi thành thuyền ơi… xem chừng bớt nhạt mà tinh tế sâu sắc hơn. Vẫn là hai hình ảnh ẩn dụ – nhân hóa giao kết, giao hòa bằng những tình cảm sâu nặng. Vẫn là câu hỏi tu từ kết hợp với câu cảm thán làm cho giọng điệu ngân vang bồi hồi thao thiết. Nhưng tiếng gọi thuyền ơi như dòng độc thoại nội tâm xao xuyến lan xa trong không gian, thấm sâu tỏa rộng trong hồn người: Ơi… chăng là tiếng hát hòa thanh tạo nhạc du dương réo rắt đau đáu. Thuyền đi mãi chưa về. Lời than thương người mà cũng tự thương mình sông nước mờ sương khói tạo sự đồng vọng.
Có vậy mới dẫn đến câu hai neo đậu bến lưng chừng trời. Thuyền và bến nằm ở hai vị trí đầu – cuối câu, cấu trúc mang lại ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc gợi tả dịch chuyển – cố định, không gian cách biệt xa xăm, thời gian ly biệt dằng dặc. Thuyền ơi… hai thanh bằng mênh mang hơi thở. Hai thanh trắc một dạ làm giọng thơ trĩu xuống thấm sâu. Khăng khăng đinh ninh không đổi. Đợi thuyền mới thật son sắt, lênh đênh mơ hồ mà đau đáu chân chất tin yêu… lòng tự dặn lòng.
Người con gái Việt, tính cách Việt cứ nhưng sông trong bến mà chờ mãi lượn quanh làng, như ghềnh đá thò chân xuống biển mà không dám ra khơi. Nước lên lai láng láng lai – Biết rằng bóng đổ về ai mà chờ. Ngoài sắc thái biểu cảm, xét về ý nghĩa, từ chờ êm nhẹ dường như thể hiện ý niệm thường trực nào đó khó nói nên lời, làm cho người đọc liên tưởng, suy ngẫm, đồng vọng… Chờ chàng xuân mãn hè qua – Bông lan đã nở sao mà vắng tin.
Dòng thời gian cứ cuộn trôi, con người lực bất tòng tâm, ký thác vào không gian, bông lan đẹp thơm hồn nhiên, vậy mà… Cực lòng em phải nói ra – Chờ trăng trăng xế chờ hoa hoa tàn. Còn đợi như giọt nước mắt của trời rơi xuống dòng sông ra biển quay về buồn tin. Châu sa nước mắt ròng ròng – Thấu thiên thấu địa thấu lòng em chăng…
Thuyền mãi đi, bến mãi đợi trong niềm tin giọt buồn. Ra đi anh có dặn rằng – Nơi hơn em lấy nơi bằng đợi anh. Sông vòng ra cửa biển, đứng ghềnh núi nhìn xa, bao hòn vọng phu lặng vọng niềm tin hóa đá. Ví dầu ngày tháng thoi đưa – Bao năm chinh chiến anh chưa thấy về – Điểm tô son phấn em thề đợi anh… Cho đến thơ Hàn cô liêu, Núi vọng phu đau lòng cả mẹ cùng con. Giữ ngọc gìn vàng chai mặt mẹ – Chờ mây đợi gió cứng mình con… Lời ca bay lên, nước mắt rơi xuống.
Tâm tính Việt giỏi chờ đợi
Sự phát triển của tiếng Việt gắn bó với chữ viết. Đặc biệt từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ theo lối ghi âm gắn bó với bản sắc văn hóa, với vận mệnh văn học. Chờ và đợi từ cội nguồn truyền thống như dòng chảy xã hội, dòng chảy thi ca… từ tập đại thành Truyện Kiều đỉnh cao cổ điển đến Thơ Mới như một cuộc cách tân tương giao văn học thế giới là một minh chứng.
Chờ và đợi chỉ là thế giới của lời, của ý niệm, thế giới nghệ thuật được mở ra từ hình tượng ngôn từ trên sân chơi văn hóa Việt từ văn học chức năng trung đại sang văn học nghệ thuật hiện đại. Ý niệm, phong cách, sắc thái biểu hiện của chờ và đợi như một ký hiệu dịch chuyển từ kinh nghiệm cộng đồng quy phạm sang ý thức cá nhân – cái tôi cá biệt… trên hành trình sáng tạo “thi ca – vòng nguyệt quế lấp lánh trên vầng trán nghệ thuật” (Belinski).
Văn chương thế kỷ XVIII là sự chuyển mình trưởng thành vượt bậc đạt đến đỉnh cao hoàng kim của văn học trung đại trong tiến trình phát triển chung của nền văn học dân tộc. Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn) là tiếng kêu thương của người phụ nữ lẻ loi, ý thức thảm trạng mất niềm tin, mất niềm vui sống, vò võ nhớ thương người chồng chinh chiến phương xa.
- Xem thêm: Giai điệu núi sông
Văn học chức năng mà giàu thương cảm, cộng đồng mà giàu giá trị nhân văn cá biệt nỗi niềm tử biệt sinh ly – đặc biệt thân phận người phụ nữ, hương gượng đốt, gương gượng soi… mà ôm trọn không – thời gian. Khắc giờ đằng đẵng như niên – Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Cõi người phức hợp khó lường khóa cõi thơ nhỏ bé vô lượng. Vầng trăng trôi, giọt nước mắt rơi, ngọn cỏ gió lay… phận Kiều chờ đợi… Trong một chữ Đạo, lại lắm đường đi, nhiều ngả rẽ, ta ở đâu đi đâu về đâu trong đường đường, khó, giỏi chờ biết đợi mà qua mà sống. Từ chờ nở hoa hướng trời được dùng 10 lần, gấp hai lần từ đợi kết quả ngọt đất.
Sáng vui hội Đạp thanh, chiều buồn mộ Đạm Tiên. Đau đớn thay phận đàn bà – Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung… Thúy Vân mỉa tình, Vương Quan trách lý, còn Kiều… Dễ hay tình lại gặp tình – Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ. Kim – Kiều hẹn ước qua kim thoa khăn hồng, xa mặt mà chẳng cách lòng, nhớ mong nhau. Sông Tương một dải nông sờ – Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia. Kiều bán mình chuộc cha, trao duyên cho em mà chằng trao tình, côi cút giữa dòng đời.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân… Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng… Mong nhớ người thân thương, trước hết nhớ chàng Kim hẹn ước dở dang. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng – Tin sương luống những rày trông mai chờ. Thoát chốn lầu xanh, gá nhờ Thúc Sinh, trốn chạy Hoạn Thư… Lánh xa trước liệu tìm đường – Ngồi chờ nước đến nên đường còn quê…
Biết rõ sự tình, Giác Duyên nửa thương nửa sợ, an ủi tìm đường… cho nàng trú chân tị nạn ở am mây họ Bạc, nào ngờ cũng tổ bợm già… Chỉ là nước mắt – thư sinh không xong, tài tử không tròn, phận bạc nữ nhi. Mạnh mẽ tự tin hành động là anh hùng nghĩa hiệp, dặn dò ở nhà biết chờ đợi là phận đàn bà. Từ khuyên hẹn Kiều: Đành lòng chờ đó ít lâu… Sắc tài trong giọt nước mắt thương đau. Thương thay cũng một kiếp người – Hại thay mang lấy sắc tài làm chi…
Trong bể khổ đau liệu có cách biến rác thành hoa. Kiều gieo mình sông Tiền Đường mong hết kiếp đoạn trường nhưng chưa xong… Những là oan khổ lưu li – Chờ cho hết kiếp còn gì là thân. Âu cũng mừng, biết học chết để giải thoát sinh mệnh. Lần thứ ba, cũng là lần cuối Đạm Tiên xuất hiện và báo mộng cho Kiều. Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa – Rằng tôi đã có lòng chờ. Chờ ở đây những mười lăm năm… thoắt đã… Kết thúc đoàn viên, Kim – Kiều tái hợp… lửng lơ… Khi chén rượu khi cuộc cờ – Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Có hân hoan mà nghiệp được chuyển hóa… cứ chờ… chỉ Kiều lặng biết, Nguyễn Du cười hiền… mua vui.
Chờ đợi, đợi chờ như một dạng đặc điểm tâm tính lịch sử thể hiện những hiện tượng văn hóa, biểu thị nhân cách con người. Chàng Kim sau lần đầu gặp Kiều, nhất kiến chung tình, tương tư lân la nhặt được cành thoa. Sinh đà có ý đợi chờ – Cách tường lên tiếng xin đưa ướm lòng. Cung đàn hẹn thề, Kim về hộ tang chú, Kiều đột biến gia cảnh. Quản bao tháng đợi năm chờ. Kiều lưu lạc, Kim có Vân, đỗ đạt… Những là nấn ná đợi tin. Vua ban sắc chỉ đổi chỗ làm quan, cứ như biến cố sẽ tìm ra được nàng Kiều. Ý thức cá thể và nhân cách vẫn đứng đằng sau khuôn sáo ổn định. Khuôn sáo ở dạng thư sinh tài tử như Kim, khách làng chơi như Thúc từ biệt Kiều. Chén đưa nhớ buổi hôm nay – Chén mừng xin đợi ngày này năm sau. Xác tín mà cực đau là ở anh hùng. Từ chết, Hồ Tôn Hiến ép gả thổ quan. Kiều gặp sông Tiền Đường, mong hết kiếp đoạn trường. Đạm Tiên nàng nhẽ có hay – Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta. Ấy là trực giác về thời gian lưu lạc đọa đày, không gian sông nước tự nhiên mà siêu nhiên tâm linh trong thế giới cảm xúc.
Hái phù dung chờ đợi hòa thanh
Thuật ngữ tâm tính (Mentalité) bắt nguồn từ tiếng Latinh mens – trí tuệ, tư duy, lối tư duy, tư chất tinh thần. Chờ đợi là một dạng tâm tính Việt chứa tổng thể tư tưởng, niềm tin, thói quen tinh thần khá trọn vẹn, tạo ra bức tranh nhân sinh – thế giới. Từ ca dao mang tâm tính nguyên thủy mộc mạc mà bí ẩn, chân chất mà siêu nhiên, Em ôm lòng đợi bóng trăng xế chiều… sang thơ ca cổ điển mang tâm tính trung cổ – trung đại con người thường tự đồng nhất mình với mô hình khuôn mẫu nhưng đã xuất hiện một loại hình nhân cách tự ý thức, tự phản tư, Quản bao tháng đợi năm chờ… Sang Thơ mới đã là dạng tâm tính hiện đại ảnh hưởng phương Tây trong trực giác nhạy cảm cái tôi cá nhân cá thể.
Chờ và đợi trong Thơ mới thành thực đời thường mà mỗi người một vẻ. Cái tôi vẫn còn mặc định ràng buộc… nên thích kiểu nói ngông nói ngược, kiểu Bẽn lẽn khác thường vô biên như Hàn Mặc Tử, Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu – Đợi gió đông về để lả lơi, kiểu triết lý trữ tình như Chế Lan Viên, Tôi có chờ đâu có đợi đâu – Đem chi xuân tới gợi thêm sầu, kiểu băn khoăn khao khát như Xuân Diệu, Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân…
Là xuân đó. Tôi đợi chờ chi nữa. Chờ đợi thực hóa mộng, sông hóa trăng và thuyền chờ trăng đồng hiện mênh mang sông nước hư ảo, ý nguyện tha thiết khát khao vô biên, cao cả hoàn mĩ… còn kịp hay không là chuyện khác. Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay.
- Xem thêm: Tục ăn trầu ở châu Á
Giữa các giai đoạn có những sắc thái chung và chuyển tiếp lẫn nhau trong cách sử dụng từ chờ – đợi mỗi thời đều có những cảm xúc – tư duy, thiên kiến, thói quen, thiên vị… phổ biến – cá biệt trong lối sống xã hội Việt… Như câu ca đương đại. Em vẫn chờ anh dưới giàn hoa tím – Mong nhớ anh về như đồng nắng mong mưa… Như cây khô vẫn chờ đợi lá… (Mai Cường).
Chờ và đợi nhiều khi tự huyễn, như lời nói yêu thương bôi trơn tình yêu. Nhưng tâm tính thực lòng làm nên sức sống. Chờ – đợi, đợi – chờ tương tác dung hòa mềm buồn nước chảy hoa trôi… Đúng là tính cách Việt. Trăng bao nhiêu tuổi trăng già – Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. Dẫu mình không trẻ lại – Vẫn đợi chờ như xưa (Hoàng Nhuận Cầm). Ký ức trong lòng tay hữu hạn xòe nở thinh không vô hạn, lặng đau ngọt ngào như đóa phù dung ngân kinh sám hối.
Thôi em cảm tạ chờ mong – Ngày anh đi hái phù dung chưa về (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Chờ đợi là dạng tư duy ngôn ngữ Việt mang tính cụ thể, thiên về kiểu tư duy liên hợp, cảm giác, hành động – trực quan mang ý niệm hình tượng. Hiểu biết và vận dụng chờ – đợi mang bản sắc văn hóa ngôn ngữ và tư duy dân tộc là sự tự ý thức dân tộc. Chờ – đợi còn bị ràng buộc, phụ thuộc. Tự mong đợi như đôi cánh của cuộc đời…