Tại Đông Á, Nho học được xem là hệ thống tri thức hoàn chỉnh nhất. Chính Nho học đã đưa con người thoát khỏi bóng tối của thời sơ khai với hàng trăm ý tưởng phân tán biệt lập mà tiêu biểu là thời kỳ Bách gia chư tử ở Trung Hoa cổ đại.
Nho học đã đề ra các nguyên lý chung nhất của nhân sinh. Suốt hơn hai ngàn năm qua ở Đông Á, Nho học được tôn sùng như thể tôn giáo, được gọi là Nho giáo. Nho sĩ được xem là những người có học, người hiểu biết, trái với người u mê, ngu dốt.
Công lao của Nho học
Cái chung nhất, cái cơ bản nhất của Nho học là cương thường, đó là: Bát điều mục, Cửu trù, Thiên mệnh, Chính danh, Tùy thời, Nhân trị, quân tử và tiểu nhân… được các nhà Nho mọi thời đại xem là chân lý vĩnh cửu, là “Đạo”, là “thiên địa chi thường tình, cổ kim chi thông nghị”, “thiên địa bất biến, đạo diệc bất biến”.
(Trần Văn Giàu, Nho giáo ở Việt Nam)
Nhà Nho bậc thầy Nguyễn Đức Đạt, người xứ Nghệ, đươc tôn xưng là Nam Sơn phu tử, ông ca tụng Ngũ Kinh Nho học như sau:
“Tóm hết sự biến đổi trong thiên hạ, thông suốt tình hình trong thiên hạ, không sách nào rõ bằng Kinh Dịch. Nêu lên chế độ trong thiên hạ, bồi thực cái gốc cho thiên hạ, không sách nào rõ bằng Kinh Thư. Thu thập trí tuệ của thiên hạ, giúp đỡ việc trị an cho thiên hạ, không sách nào rõ bằng Kinh Thi. Chấn chỉnh quyền bính trong thiên hạ, không sách nào rõ bằng Kinh Xuân Thu. Châm chước điển tác trong thiên hạ, định ra đạo chí cực cho thiên hạ, không sách nào rõ bằng Kinh Lễ”.
(Nguyễn Đức Đạt, Nam Sơn tùng thoại)
Trong số kinh điển Nho học, Kinh Xuân Thu là quyển sử nước Lỗ, viết theo thể biên niên trong thời gian 243 năm. Là cuốn sử đề cao thuyết Chính danh. Ngày xưa, nhà Nho cho rằng giá trị của Xuân Thu lớn lắm, ở chỗ “chính danh định phận”, Khổng Tử, tác giả Kinh Xuân Thu trình bày một cách gián tiếp, quan điểm đánh giá nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử, ông nói: “Người biết ta chỉ ở Xuân Thu, người trách ta cũng ở Xuân Thu”… “Kinh Xuân Thu là gấm là hoa, kiêm cả Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch…”.
Theo tinh thần ấy, giới nhà Nho nước ta đã cố gắng “chính danh” lịch sử nước ta, đặc biệt là gắn thời huyền sử nước ta với “thiên tử”, vua của tộc người Hán mà họ mặc nhiên công nhận là vua thiên hạ.
Công lao to lớn của Nho học tại các xã hội Đông Á là không thể phủ nhận. Nhân loại sơ khai với nhiều ý tưởng phân tán, thì Nho học đã đề ra những nguyên lý tư tưởng tập hợp được những điểm chung của con người và xã hội loài người. Đó là cuộc cách mạng tư tưởng, hết sức cần thiết cho việc ổn định về mặt tư tưởng và rất hữu ích đối với sự nghiệp phát triển của cộng đồng. Nho học có trên 2.500 năm được các triều đại và nhân dân Đông Á tôn sùng như một tôn giáo đã chứng tỏ giá trị thực sự của nó.
Triết gia nhà văn Albert Camus, giải thưởng Nobel, cho rằng:
“Nho giáo là một học thuyết, nhưng người ta tìm thấy ở Nho giáo một căn cứ để mở tầm nhìn rộng lớn đối với con người và đối với vũ trụ. Đối với người Việt Nam, Nho giáo còn hơn là một thứ học thuyết ghi chép trong sách của thánh hiền, đó là một di sản của lịch sử, một di sản lịch sử để tiếp thu, để chống lại, để vượt qua trong quá trình chuyển biến lịch sử mà đất nước đang phải trải qua trong thời kỳ hiện nay”.
(Nguyễn Khắc Viện, Bàn về đạo Nho)
Những hệ lụy gây ra từ Nho học
Thế nhưng, những hệ lụy từ Nho học cũng không ít, không phải đến thời cận đại mới xuất hiện. Mặt tối của sở học nhà Nho nổi rõ nhất là:
– Nho học không hề quan tâm đến các ngành học khác. Các nhà Nho, kể cả những người ưu tú, không được học về lịch sử thế giới cũng như về các môn học thiết thực khác như toán học, kinh tế học, xã hội học… mà chỉ tiếp cận lịch sử các triều đại cổ sử Trung Hoa: Đường, Ngu, Hạ, Thương, Ân, Chu. Kiến thức của họ chỉ lòng vòng trong một địa bàn nhỏ hẹp, là thung lũng sông Hoàng Hà. Theo các thế hệ nhà Nho, xã hội thời Nghiêu Thuấn là mô hình xã hội lý tưởng, không một xã hội nào tốt đẹp hơn. Họ không tiếp cận các tài liệu về những tiến bộ trên toàn thế giới. Nói như nhà Nho bậc thầy nước Nam:
Đã là Nho thì tin rằng cơ bản của điều hay lẽ đúng trên đời đều đã có sẵn hết, đủ hết trong ngũ kinh, tứ thư rồi. Bởi vậy nhà Nho thuộc kinh truyện tự phụ tự đắc rằng mình “không gì không biết”, “ngồi nhà kín mà như đứng ở ngã tư đường””. “Có người hỏi: Lúc rỗi có nên xem truyện ký, tiểu thuyết không? Nam Sơn phu tử đáp: Ngũ kinh, tứ thư,… học tập từ trẻ đến già vẫn chưa đủ thời giờ, còn đâu đọc đến sách khác”.
(Nguyễn Đức Đạt, Nam Sơn tùng thoại)
“Cái học của Nho hết sức xa vời thực tế. Cái học của Nho là đạo học, là tâm học, nghĩa là học cốt để trau dồi cái tấm lòng, cái nhân cách theo những lời giáo huấn của thánh hiền đời xưa, học cốt để biết cái đạo xử thế, cái đạo làm người, làm quan, làm vua, học nhằm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” theo gương Nghiêu, Thuấn, học để trở nên thánh hiền, học để “thu dung” chớ không hề nghĩ học để “lập thuyết” và tiến lên một mức cao hơn. Cái học đó khác hẳn với cái học khoa học lấy thiên nhiên và xã hội làm đối tượng chính, nhằm giàu mạnh làm mục đích chính, không lấy sách cũ làm căn cứ chính mà căn cứ vào thực tiễn được hướng dẫn bởi một lý luận luôn luôn phát triển”.
(Trần Văn Giàu, Nho giáo ở Việt Nam)
– Nho học chủ trương tinh thần dân tộc cực đoan mà ngày nay gọi là phân biệt chủng tộc. Theo Nho học, các tộc người đều quy về một đầu mối là Hán tộc, nhưng nhà Nho không hề coi các tộc người khác bình đẳng với tộc người Hán. Các nhà Nho Việt Nam gắn tổ tiên người Việt – Giao Chỉ với vua Thần Nông, một vị tổ trong ba vị tổ gốc (Tam hoàng) theo thần thoại của tộc người Hán, nhưng vị chỉ huy tối cao (thiên tử) mãi mãi là người Hán. Các tộc người bốn chung quanh đều bị gọi là tứ di: Bắc địch, Tây nhung, Nam man và Đông di. Người đứng đầu của các phiên quốc thuộc tứ di chỉ là phiên vương (vua, phiên vương) mà thôi.
Cuối thế kỷ XIX, nước Trung Hoa suy bại thảm hại, nước Cao Ly, nước Việt Nam bị xâm lược, nước Nhật canh tân, cảnh ngộ bi đát ấy là trách nhiệm của sở học nhà Nho như là một hệ ý thức bảo thủ, lạc hậu, bất lực trước sức phát triển vượt trội của văn minh phương Tây.
“Lối học từ chương, về phương pháp học tập là học thuộc lòng sách vở, nếu có thực hành thì chỉ là làm thơ phú, khéo sắp xếp, gọt giũa ngôn ngữ cầu kỳ… phương tiện học tập chỉ là các sách vở Trung Hoa cổ đại nên chỉ đào tạo ra những người thuộc lòng sách vở không có ích gì cho đời nay.
Lối học thực dụng Âu Tây thì học đi đôi với hành, chủ yếu là nghề nghiệp tư nhân thông qua thực tế sản xuất, kinh doanh. Phương tiện học tập là sách vở khoa học kỹ thuật, cùng với những khí cụ sản xuất và quan trọng hơn là học đi đôi với hành trong các ngành sản xuất làm ra của cải vật chất cho xã hội”.
(Đặng Đức Thi, Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân)
Với việc định hình quan điểm của Nho học như trên, các nhà Nho nước ta đã lắp ghép một cách khiên cưỡng khi viết lịch sử nước ta.
Sách sử kinh điển nước ta là sách Đại Việt sử ký toàn thư viết như thế này:
“Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, cho Giao Chỉ ở về phía Tây Nam, ở xa ngoài đất Bách Việt, Vua Nghiêu sai Hy thị đến Nam Giao, để định đất Giao Chỉ ở Phương Nam, Vua Vũ chia chín châu thì đất Bách Việt thuộc về khu Châu Dương, Giao Chỉ thuộc đấy. Thời Thành Chu mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu từ đấy”.
Hoàng Đế theo huyền thoại Trung Hoa được coi là một trong Ngũ Đế, đứng đầu danh sách chính thống của tộc người Hán. Theo huyền sử Trung Hoa, ông trị vì trong khoảng từ năm 2698 TCN đến năm 2599 TCN và là người sáng lập ra nền văn minh Trung Hoa.
Những chuyện Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương được chép lần đầu tiên trong sách Lĩnh Nam chích quái xuất hiện và cuối triều Trần. Nhà Nho sưu tầm các câu chuyện dân gian lưu hành trong xã hội Đại Việt, tập hợp thành sách rồi đặt tựa cho sách là Lĩnh Nam chích quái, mặc dù nước ta không thuộc miền Lĩnh Nam của nước Trung Hoa, càng không liên quan gì với ông Tổ Hoàng Đế của tộc người Hán. Nhưng nhà Nho Việt Nam nhất quyết gắn tổ tiên ta với tộc Hán vì thuyết “chính danh” của Khổng Tử. Ông Cử nhân Nho học nước ta Nguyễn Công Tấn soạn sách Phủ man tạp lục rất hay thì dùng từ Hán để chỉ người Kinh, dùng từ man chỉ người dân tộc núi Đá Vách.