Văn học phương Tây, nhất là văn học Pháp đã có ảnh hưởng trực tiếp quyết định đến cuộc cách tân văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20, như Hoài Thanh đã khẳng định trong bài mở đầu Thi nhân Việt Nam. Nhưng cần có và đủ, phải kể đến nội lực sáng tạo, mạch nguồn căn cốt phương Đông.
Đúng như Bakhtin từng cho rằng mọi hiện tượng văn học đều “không thể sống nếu nó không biết cách nào đó thu hút vào mình những gì của các thế kỷ đã qua. Nếu nó chỉ nảy sinh bằng các yếu tố của ngày hôm nay (tức của xã hội đương thời với nó) mà không tiếp tục quá khứ và không gắn bó với quá khứ một cách đáng kể, nó không tiếp tục sống trong tương lai”.
Dòng chảy Tân truyền kỳ – Yêu ngôn
Thành tựu văn học lãng mạn 1930-1945 là một minh chứng. Thơ Mới chẳng những ảnh hưởng trực tiếp từ thơ lãng mạn tượng trưng Pháp mà còn có mạch hồn dân tộc, thơ cổ điển phương Đông mà tiêu biểu là bóng dáng Đường thi.
Văn xuôi lãng mạn, Tân truyền kỳ như một khuynh hướng sáng tác kỳ ảo có sự tác động kiểu truyện kỳ ảo phương Tây với những tên tuổi Hoffman, Edgar Poe… mà còn có mạch truyện truyền kỳ truyền thống, trong đó có Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh.
Có thể nói đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên cho việc kết hợp giữa truyền thống văn học Á Đông và văn học phương Tây hiện đại, mà người đầu tiên là Thế Lữ. Nếu trong thơ, Thế Lữ tiên phong chủ soái với Cây đàn muôn điệu rong chơi giữa hình và nhạc, “như một vừng sao đột nhiên sáng chói của trời thơ Việt Nam”, thì trong lĩnh vực văn xuôi ông cũng có công đầu trong việc “dung hợp được cả văn Thái Tây và văn Á Đông” như Khái Hưng đã ghi nhận.
“Tôi vẫn mong mỏi có một nhà văn dung hợp được văn Thái Tây và văn Á Đông để gây dựng một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu. Nhà văn đó nay đã có: chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự lực văn đoàn. Thực vậy, tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trắng tỏ ra óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm huyễn hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya”.
Vậy là “nghệ sĩ hai lần tiên phong” với Thơ Mới và kịch, một lần nữa ở loại truyện này ghi dấu bằng những thử nghiệm khá ấn tượng qua những truyện ngắn kết hợp giữa yếu tố kinh dị và trinh thám.
Văn xuôi Thế Lữ trước 1945 vừa là sự thăng hoa của tài năng, vừa có sự tiếp thu kinh nghiệm từ bên ngoài cả Đông lẫn Tây làm nên một hiện tượng độc đáo mới lạ với những thể nghiệm tâm huyết của một nghệ sĩ tài hoa. Bồ Tùng Linh – Edgar Poe – Thế Lữ là sự gặp gỡ của những tài năng không đợi tuổi trong văn xuôi kinh dị.
Đó là sự gần gũi trong quan niệm nghệ thuật, gặp gỡ trong sự sáng tạo dựa trên cái kỳ ảo và cái thực tại, trong sự chú trọng phương thức “lạ hóa” nghịch dị, nghịch lý để đạt hiệu quả nghệ thuật từ sự nhận thức về thế giới – về chính mình, ẩn chìm mạch ngầm suy tư triết học mang giá trị nhân văn và giàu sức mê hoặc… góp phần tạo nên một phong cách mới lạ, mở ra khuynh hướng Tân truyền kỳ trong văn xuôi Việt Nam.
Sau Thế Lữ có thể kể đến Tchya Đái Đức Tuấn với Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya, Cung Khanh với Cách ba nghìn dặm, Nguyễn Tuân – Báo oán, Bùi Hiển – Nằm vạ, Thanh Tịnh – Ngậm ngãi tìm trầm, Đỗ Huy Nhiệm – Tiền kiếp, Kim Ba – Kim Ba chí dị… Ấy là cả một khuynh hướng rõ rệt của Tân truyền kỳ với sự góp mặt đông đảo những cây bút bản lĩnh, tài hoa.
Liêu trai được dịch ra chữ Quốc ngữ lần đầu tiên năm 1916 với bản dịch của Nguyễn Chánh Sắt, nhưng bản dịch của Tản Đà (1930) mới được nhiều người biết đến. Ông tự nhận Chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang… vậy mà làm nên những giấc mộng con, giấc mộng lớn trên văn đàn ở thời buổi nhập nhằng.
Một kiểu mộng không lẩn quẩn lặp lại những Lão Trang, Phật, truyền kỳ, Bồ Tùng Linh… mà là thứ ảo giác có ý thức, tạo cảnh mộng ảo với ý thức làm mình tỉnh để đùa chơi. Nói láo mà chơi nghe láo chơi… trong tình duyên tưởng tượng với các giai nhân tuyệt sắc thời cổ và cả những người tình không quen biết trong sự thoáng qua, nhất thời, lý tưởng hóa… Và ngay lập tức, Liêu trai đã có ảnh hưởng mạnh mẽ, hình thành nên một phong cách riêng biệt, phong cách Liêu trai.
- Xem thêm: Văn học Việt Nam rất đáng đọc
Các nhà văn đầu thế kỷ đã tìm thấy ở Bồ Tùng Linh một quan niệm – cảm quan nghệ thuật bậc thầy về khát vọng dân chủ, nam nữ bình đẳng, tự do luyến ái, tôn trọng nhân dục, tình yêu đam mê, sự đồng điệu về mặt tình cảm, tư tưởng… từ hiện thực – hành động đến hiện thực – tâm lý… kết tinh ở hình tượng ma – hồ ly – mỹ nữ… chân thực mà tinh tế nhạy cảm, và quyến rũ bởi sức hấp dẫn của bút pháp huyền ảo từ Bồ Tùng Linh mà đam mê – tỉnh thức – sáng tạo Tân truyền kỳ Việt.
Liêu trai mở hướng đến Tân truyền kỳ ở nhiều mức độ khác nhau. Mức độ mô phỏng như Kim Ba chí dị, mức độ thử nghiệm như Trại Bồ Tùng Linh, Vàng và máu… mức độ sáng tạo là những sáng tác của Nguyễn Tuân như Báo oán, Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam…
Hạt nhân kỳ ảo với ba mức độ
Tạm phân định các mức độ ảnh hưởng như trên là ở cấp độ vận dụng yếu tố kỳ ảo như một phương tiện nghệ thuật khác nhau. Trong hành trình sáng tạo, bên cạnh việc tiếp thu phương Tây, các nhà văn Tân truyền kỳ vọng nguồn mạch truyền thống, tìm thấy trong thế giới ảo Liêu trai chí dị vừa như phương tiện nghệ thuật phản ánh sự bất công xã hội một cách hợp pháp, vừa thoát khỏi hiện thực chật hẹp đời sống, thỏa sức tưởng tượng, kỳ ảo thăng hoa.
Ở mức độ mô phỏng, yếu tố kỳ ảo đậm đặc đóng vai trò chính trong việc hình thành cốt truyện. Kim Ba chí dị với cách đặt tên tác phẩm mô phỏng theo Bồ Tùng Linh, từ đó kéo theo sự giống nhau về đề tài, hệ thống nhân vật… Vẫn là những câu chuyện về cọp điên, chồn tinh, hồn ma quen thuộc, như một cách phản ảnh “nhân tình thế sự đương thời” thế giới hồ soi rọi cõi người với sự trọn vẹn sắc – tài nhân hậu thủy chung… của ma quỷ hồ ly… góp phần tạo nên diện mạo nền văn xuôi quốc ngữ giai đoạn đầu.
Ở mức độ thử nghiệm, nhà văn muốn tạo một sự dung hòa, pha trộn có liều lượng thích hợp yếu tố kỳ ảo và hiện thực, vừa muốn tạo không khí ly kỳ huyễn hoặc vừa muốn soi sáng, phơi bày dưới ánh sáng khoa học. Vì vậy truyện có một sự tách bạch rạch ròi giữa tâm linh và duy lý, trắng và đen, huyền diệu ban đêm và sự thực ban ngày…
Các tác giả Ba hồi kinh dị, Trại Bồ Tùng Linh, Vàng và máu, Ai hát giữa rừng khuya, Cách ba nghìn dặm… tìm cách phối hợp giữa huyền ảo Liêu trai và duy lý Tây phương, thêm cho tác phẩm màu sắc hiện đại, cảm xúc – nhận thức – hành động… không dựa vào nguyên lý mà trực cảm cái Tôi.
Tất nhiên sự dung hòa hai mặt này vẫn mang tính thử nghiệm. Đề tài khai thác từ dân gian, nhất là vùng hẻo lánh xa xôi với những truyện rùng rợn về ma thiêng nước độc… khó dung hòa cái Tôi duy lý tỉnh táo phương Tây mới len vào. Sự thay đổi quá đột ngột, thiếu một nét nhòe hư ảo, làm mất đi màu sắc chân thực tự nhiên. Cái Tôi cá nhân từ làng quê truyền thống với bao mặc định bước ra phố thị vẫn cô độc chênh vênh.
Văn học kỳ ảo đã đóng góp những thành tựu đáng kể cho nền văn học thế giới, trong đó phải kể đến vai trò Thế Lữ – kẻ tự chọn cho mình con đường đi riêng, con đường săn đuổi cái Đẹp mà mình thờ phụng, cái hư ảo ở cõi Tiên, cái thực ở cõi Trần và cái quái dị ở cõi Âm… Chất Liêu trai trong văn xuôi Thế Lữ với những Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, Đêm trắng… được thể hiện với tư cách là một dụng ý nghệ thuật.
Yếu tố ly kỳ không đậm đặc như trong Liêu trai chí dị, Thế Lữ đã thổi một luồng không khí của thế giới bên kia vào thế giới thực tại, cõi mộng và cõi thực đan xen, mơ hồ trong cảm xúc, rợn ngợp trong tâm hồn… Những cuộc tình giữa người và ma, người và hồ ly như một motif được khai thác trong Liêu trai chí dị, tạo sự hòa hợp âm dương.
Còn văn xuôi Thế Lữ, chủ yếu tập trung vào cảm giác con người. Cái chập chờn nửa tỉnh nửa mơ, nửa thực nửa mộng như một không gian nghệ thuật độc đáo in đậm dấu ấn cuộc đời thực của kẻ tình si rong chơi từ Viễn Đông đặt chân thử nghiệm mảnh đất trời Tây. Ảnh hưởng từ truyện trinh thám phương Tây, yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm Thế Lữ rốt lại đều được giải thích, soi sáng bằng con mắt khoa học. Thủ pháp nghệ thuật này đôi khi làm Trại Bồ Tùng Linh dễ bị gò gẫm, màn sương khói mờ ảo Liêu trai hấp dẫn mất đi…
Ở mức độ sáng tạo, yếu tố kỳ ảo được sử dụng với mức hạn chế nhất nhưng lại gây ra hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Đặc biệt, qua bàn tay kỳ tài của Nguyễn Tuân. Trong Báo oán thì yếu tố kỳ ảo duy nhất là hồn ma, Trên đỉnh non Tản – con trúc đao… vậy mà người đọc vẫn cảm thấy rùng rợn, bị mê hoặc theo câu chữ đầy quyến dụ say mê – tỉnh thức.
Hiệu quả nghệ thuật được gây ra nhờ bút pháp miêu tả, dựng truyện sinh động chân thực, vận dụng vào một thứ văn trong sáng giản dị, tự nhiên mà điêu luyện giàu bản sắc dân tộc.
Truyện Báo oán dựng cảnh đìu hiu của khoa thi cuối mùa trong không khí ma quái Liêu trai. Và cũng như Bồ Tùng Linh, đằng sau mỗi câu chuyện của Nguyễn Tuân thấp thoáng bóng dáng cái Tôi – tác giả – người dẫn truyện.
Hướng đến một thế giới nửa thực nửa hư, nửa người nửa ma mang đặc trưng Việt trong việc xây dựng tình huống, biểu hiện nhân vật, tổ chức không – thời gian… với sự vận dụng yếu tố truyền thống và hiện đại nhuần nhuyễn qua tâm sự con người tài hoa nặng ưu hoài đã làm nên một dạng yêu ngôn đầy mê hoặc được vẽ bằng những nét hiện thực huyền ảo có có không không rất Nguyễn Tuân, khẳng định vị trí, triển vọng của khuynh hướng sáng tác này trong văn học.
- Xem thêm: Chữ “danh” của người quân tử
Là người có truyền thống Hán học và giỏi Tây học, cách chơi của Nguyễn Tuân kế tiếp Tản Đà trong một chữ ngông mà tế nhị giản dị đời thường, thoát ly vào cái đẹp mới lạ “chủ nghĩa xê dịch” mà ưu ái khôn nguôi thời thế, gắn bó sâu nặng cuộc đời, quê hương đất nước… trong mạch văn nhất quán Vang bóng một thời.
Va đập sự phức tạp, rối reng của đời sống xã hội, sự khốn cùng của con người, nằm Am sông Tô – Lột xác với tâm lý thoát ly hiện thực để tìm đến những vùng đất mới lạ, để thay đổi thực đơn cho cảm giác… làm nên một thế giới yêu ngôn vừa độc đáo vừa nhất quán trong phong cách văn chương tài hoa.
Với nội lực và cá tính sáng tạo, Nguyễn Tuân biết dung hòa, làm mới các truyện của mình. Cũng trong motif ma báo ân báo oán, thế giới ma của Nguyễn Tuân thật đặc biệt, toàn là ma tài hoa tài tử đậm chất cái Tôi tác giả. Mối quan hệ thẩm mỹ giữa thế giới với cái Tôi làm nên cái trác việt, siêu việt trong tiến trình phát triển tư duy nghệ thuật từ hiện đại tìm về truyền thống với bốn phạm trù mỹ học kỳ – quái – chí – tuyệt nở đóa yêu ngôn nước Việt.
Đóa hoa đẹp tái sinh tái tạo
Văn học 1930-1945 là một giai đoạn chuyển hóa rực rỡ, không còn dựa vào mô hình Trung Quốc như cha ông mà dựa theo mô hình Pháp khúc xạ qua tâm thức Việt để tạo nên một sản phẩm mang sắc thái dân tộc độc đáo mới lạ. Kỳ ảo được chưng cất, sau nồng là thanh đạm, đẹp buồn tỏa hương màu thanh lọc. Hương thời gian thanh thanh – Màu thời gian tím ngát (Đoàn Phú Tứ).
Sự ảnh hưởng, gặp gỡ, đồng vọng… giữa các tác giả Tân truyền kỳ Việt Nam 1930-1945 với Bồ Tùng Linh, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có sự tác động bởi hoàn cảnh thuộc địa giao thời… Cùng một lứa bên trời lận đận… khốn cùng, mưu sinh, lang thang trải nghiệm… mà chọn kỳ ảo làm nghiệp sáng tạo.
Lý tưởng cao đẹp mà hoàn cảnh ngột ngạt, thất vọng sâu sắc về thế giới và con người thực tại tầm thường giả dối mà Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua… Con hổ nhớ rừng, tìm đến thế giới kỳ ảo chồn ma ấm bay niềm vui âm giới, khát khao tìm kiếm những cảm giác mới lạ và mãnh liệt, với niềm đam mê cháy bỏng với Liêu trai chí dị, tìm thấy nguồn cảm hứng đặc biệt nơi âm thế, đồng điệu với nhà đoản thiên tiểu thuyết nổi tiếng đời Thanh Bồ Tùng Linh… gia công cái lý trí khoa học tỉnh táo phương Tây, qua nội lực cái Tôi thời đại để làm nên những kiệt tác Việt với phong cách Liêu trai hiện đại.
Hai nhà văn đường rừng tiêu biểu ở hai đầu đất nước là Lan Khai và Lý Văn Sâm là dấu son đẹp. Một người được đánh giá là “nghệ sĩ đầu tiên đã mở ra được bức màn bí mật của thế giới sơn lâm… đứng vững vàng trong cái thế giới của riêng mình” từ Tiếng gọi của rừng thẳm (1939), đến Truyện đường rừng (1940). Một người đất Đồng Nai, từ truyện ngắn đầu tay Kòn Trô (1941)… thuộc lớp nhà văn cuối cùng giai đoạn văn học 1930-1945 viết truyện đường rừng ở khu vực Nam bộ, việc cảnh người đời thường mà ly kỳ lôi cuốn bằng giọng kể bình dị, duyên dáng, xúc động… “lúc nào cũng có độc giả”. Cái đẹp kỳ ảo dù theo quy luật chết đi vẫn có khả năng tái sinh tái tạo.
Văn hóa bản địa Việt tiếp xúc với văn hóa ngoại lai gồm trung đại Hoa Hạ và hiện đại Effeil tạo nên sự hỗn dung. Từ chỗ cái học, đọc… đến cái sống, tiêm nhiễm vào vô thức, nội lực cá thể mang tâm thức dân tộc làm nên sự vượt gộp (dépassement).
Tân truyền kỳ – Yêu ngôn là đóa hoa đẹp, tích hợp truyền thống – hiện đại Đông Tây, Thiên cổ kỳ thư Trung Hoa và truyện kinh dị Pháp, nở ở nước Việt buổi giao thời với ý thức cá nhân cái Tôi đam mê tỉnh thức. Tiếp xúc, ảnh hưởng, gặp gỡ từ bên ngoài nhưng phải xét ở tính tự thân.
Mạch truyện hoang đường dân gian, truyền kỳ Việt Nam cũng bậc thầy. Và ý thức giá trị cá nhân sống và tìm hạnh phúc đích thực trong buổi giao thời gió Âu mưa Á nhập nhằng đến chênh vênh tuyệt vọng, tìm đến văn học – trong đó có truyện kỳ dị truyền kỳ như một cứu cánh, một tôn giáo… như một cách sống mới, sống lạ, sống thực mà cũng đầy kỳ ảo tâm linh. Tôn giáo con người – tôn giáo tình thương là điểm tựa, như một liên ký hiệu làm nên mạch sống, cảm hứng, sáng tạo…