Xã hội hiện đại cùng nhịp sống tất bật ít nhiều đã cho thấy những mặt trái của nó, mà điển hình là ai cũng ít nhiều lâm vào cảnh stress vì căng thẳng, bế tắc và mệt mỏi. Từ đó, tâm lý con người luôn trong trạng thái trĩu nặng, bất an và khi thường xuyên đối diện với stress lâu dài sẽ dễ dẫn đến những căn bệnh về thần kinh.
Rối loạn lưỡng cực thường được biết đến qua bệnh trầm cảm, là một trong những bệnh lý đang phổ biến ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại ở bất kỳ quốc gia nào và thời gian gần đây, các nhà y học đã cảnh báo nhiều hơn về sự nghiêm trọng của căn bệnh này.
Vì sao gọi là “rối loạn lưỡng cực”?
Rối loạn lưỡng cực là chứng rối loạn cảm xúc mạn tính, tái diễn bởi các giai đoạn hưng cảm xen kẽ với các giai đoạn trầm cảm điển hình. Bệnh lý nội sinh này ngày một phổ biến trong xã hội nhưng ít được chẩn đoán đúng và phát hiện kịp thời do nhiều người lầm lẫn căn bệnh này với chứng trầm cảm kéo dài, tâm thần phân liệt hay các bệnh tâm lý khác…
Theo nghiên cứu tại Hoa Kỳ, tỷ lệ người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực chiếm 6,3% và độ tuổi khởi phát khá sớm (33% dưới 15 tuổi và 39% trên 20 tuổi) nên có thể để lại di chứng suốt đời nếu không sớm chữa trị.
Bên cạnh yếu tố di truyền, sự phát sinh và tiến triển bệnh này bắt nguồn chủ yếu từ môi trường. Những bế tắc, căng thẳng, biến cố hay bất toại trong đời sống cá nhân cùng cách nuôi dạy, cư xử của những người xung quanh như chăm sóc quá mức hoặc thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử của gia đình, xã hội… có tác động rất lớn trong việc hình thành và tái phát bệnh.
Như tên gọi, rối loạn lưỡng tính diễn tiến với cả hai giai đoạn hưng cảm và trầm cảm luân phiên nhau, đa phần khởi đầu bằng trầm cảm và bệnh nhân thường trải qua nhiều giai đoạn trầm cảm hơn hưng cảm.
Hai giai đoạn của bệnh
Giai đoạn trầm cảm đầu tiên được nhận biết thông qua các hành vi tiêu cực, suy nghĩ bi quan, hay lo âu, sợ hãi. Tiếp đó, người bệnh luôn mang tâm trạng vô vọng, thấy bản thân có lỗi, vô giá trị, mất hứng thú với tất cả mọi thứ và ý tưởng tự tử luôn lởn vởn trong đầu.
Còn triệu chứng của giai đoạn hưng cảm bắt đầu bằng thái độ dễ kích động, lạc quan thái quá, không quan tâm đến ăn ngủ…, sau đó bệnh trở nên nặng hơn thể hiện qua khí sắc tăng, phấn khích, suy nghĩ dồn dập, sinh lực dồi dào, mọi ham muốn đều sa đà, vô độ.
Một khi bệnh đã khởi phát thì các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm này sẽ tiến triển với những đợt cấp diễn liên tục, có điều, giữa các giai đoạn cấp diễn thì khí sắc của bệnh nhân lại gần như bình thường. Chính vì vậy, có đến 69% ca rối loạn lưỡng cực bị chẩn đoán nhầm thành bệnh trầm cảm tái diễn, rối loạn lo âu hay rối loạn nhân cách.
Chữa trị sao cho đúng cách
Bệnh rối loạn luỡng cực gây ra các hậu quả tâm lý, xã hội đáng kể cho người bệnh và có thể ảnh hưởng nặng đến đời sống cá nhân, nghề nghiệp và gia đình. Những người mắc chứng bệnh này có tỷ lệ ly hôn cao gấp hai đến ba lần người bình thường, đồng thời bị suy giảm chức năng nghề nghiệp gấp hai lần so với trước lúc lâm bệnh.
Thừa nhận các hậu quả xấu này, Tổ chức Y tế thế giới đã xác định rối loạn luỡng cực là nguyên nhân đứng hàng thứ sáu gây ra loạn hoạt năng. Mặt khác, khá nhiều bệnh nhân có xu hướng tự tử (theo thống kê, từ 25 đến 50% bệnh nhân từng toan tính tự tử ít nhất một lần trong đời). Mặc dù điều trị thuốc vẫn là phương pháp điều trị chính đối với rối loạn lưỡng cực nhưng các can thiệp về tâm lý và xã hội cũng cải thiện được ít nhiều sức khỏe cho bệnh nhân.
- Xem thêm: Hội chứng chân không yên
Tại Việt Nam, khi các nghiên cứu lâm sàng về căn bệnh này vẫn còn ít thì việc áp dụng phương pháp điều trị tâm lý sẽ phần nào đem lại lợi ích cộng thêm, giúp các bệnh nhân mau phục hồi và giảm dần những cơn rối loạn lưỡng cực.