Trong chúng ta, có lẽ không ít người đã từng trải qua một vài cơn đau ngực. Có người bị một cơn đau nhói đột ngột, có người đau đến vã mồ hôi và buồn nôn kéo dài nhiều giờ, người khác đau vật vã kèm theo sốt và khó thở, cũng có trường hợp đau đến ngất xỉu… Hẳn ai cũng đều cảm thấy lo lắng khi bị đau ngực vì liên tưởng đến một chứng bệnh nào đó liên quan đến tim mạch.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Khắc Minh Tuấn – Phó khoa Hồi sức Nội tim mạch, Viện Tim TP. Hồ Chí Minh, không phải tất cả các cơn đau ngực đều là triệu chứng của bệnh tim mạch và có những trường hợp, chúng ta không cần đến bác sĩ để điều trị triệu chứng này.
Những chia sẻ sau đây của BS Minh Tuấn sẽ phần nào giải đáp những thắc mắc xung quanh triệu chứng đau ngực rất thường gặp trong cuộc sống hiện nay.
Thưa bác sĩ, đau ngực là triệu chứng của những bệnh tim mạch nào?
Đau ngực là một trong những triệu chứng của các bệnh tim mạch thường gặp như thiếu máu cơ tim cấp, hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ, hở van động mạch chủ…
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân tim mạch nào cũng có triệu chứng đau ngực. Đôi khi, bệnh tim mạch phát triển một cách thầm lặng, không có triệu chứng rõ rệt.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về các bệnh tim mạch nói trên và mức độ nguy hiểm của chúng?
Vì tim và mạch máu có liên quan trực tiếp đến sự sống còn của các cơ quan khác trong cơ thể nên đa số các bệnh tim mạch đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tim được nuôi bằng động mạch quan trọng nhất có tên là động mạch vành. Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim hay suy mạch vành khi động mạch này bị xơ vữa (tích tụ lipid ở thành động mạch) hoặc tắc hẹp. Biến chứng nguy hiểm của tình trạng thiếu máu cơ tim là bệnh nhồi máu cơ tim.
Đây là lúc cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu, dẫn đến tình trạng hoại tử và không còn co bóp để duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan khác. Biểu hiện trong những giờ đầu là hiện tượng rối loạn nhịp tim, sau đó ngưng tim và nếu không có sự cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ tử vong.
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất cơ thể, xuất phát từ tim, đi trong ngực (động mạch chủ ngực) và bụng (động mạch chủ bụng). Các nhánh của động mạch này dẫn máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Động mạch chủ có ba lớp từ trong ra ngoài, gồm lớp áo trong, lớp áo giữa và lớp áo ngoài. Hiện tượng bóc tách động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ bị rách lớp áo trong, khiến máu len vào giữa lớp áo trong và lớp áo giữa, lóc các lớp của thành động mạch chủ cấp tính hoặc mãn tính.
Bóc tách động mạch chủ ngực có thể gây biến chứng là tổn thương van động mạch chủ, tắc nghẽn động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim cấp, có nguy cơ bị đột tử, gây tổn hại các cơ quan khác như thận, ruột, tủy sống…, từ đó có thể xảy ra vỡ động mạch chủ, dẫn đến tử vong.
Hở van động mạch chủ cũng gây ra những rối loạn trong đường di chuyển của máu, hậu quả là tim bị suy và bệnh nhân cũng có thể tử vong.
Chúng ta nhận biết cơn đau ngực do thiếu máu cơ tim qua những dấu hiệu nào?
Dấu hiệu của cơn đau ngực do rất đa dạng, có thể là cảm giác tim bị bóp nghẹt, bỏng rát, đau nhói… Riêng cảm giác đau lăn tăn như kim chích thường không phải là dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Thông thường, cơn đau xuất hiện ở dưới vú trái, lan lên cổ, hàm dưới, lan rộng ra vai và dọc theo cánh tay bên trái, có thể kèm theo triệu chứng khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn tăng lên khi gắng sức, khi ngơi thì cơn đau giảm xuống.
Thời gian đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh gắng sức làm việc nặng, bị xúc động mạnh, phải chịu thời tiết quá lạnh…
Nếu cơn đau ngực nặng xảy ra khi đang nghỉ ngơi, không phải gắng sức làm việc gì thì đó là dấu hiệu báo động tình trạng bệnh nguy hiểm, cần kiểm tra ngay về tim mạch.
Có phải tất cả các triệu chứng đau ngực đều là biểu hiện của bệnh tim mạch không thưa bác sĩ?
Đau ngực chỉ là một trong nhiều triệu chứng của bệnh tim mạch. Muốn xác định người nào bị bệnh tim mạch hay không thì cần thực hiện thêm xét nghiệm máu, siêu âm, đo điện tim (ECG) ngoài thông tin bệnh sử và tính chất triệu chứng đau ngực. Ngoài nguyên nhân của bệnh tim mạch, đau ngực có thể là triệu chứng của các bệnh như sau:
- Bệnh về phổi, ví dụ viêm màng phổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, áp xe phổi… Các bệnh về phổi thường kèm theo sốt, ho, khạc đờm… Hai bệnh thuyên tắc phổi và tràn dịch màng phổi vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến suy hô hấp và gây tử vong.
- Bệnh về đường tiêu hóa, ví dụ trào ngược thực quản dạ dày, co thắt thực quản, loét đường tiêu hóa, bệnh đường mật, viêm tụy… Cơn đau ngực do dạ dày có vấn đề thường gây cảm giác bỏng rát và kéo dài.
- Bệnh về thần kinh cơ, ví dụ bệnh lý cột sống ngực, căng cơ, hội chứng đau thần kinh liên sườn…
- Yếu tố tâm lý, ví dụ rối loạn tinh thần, lo âu, sợ hãi, trầm cảm, tự kỷ…
Một số người trẻ nói rằng họ hay cảm thấy đau nhói ở tim kéo dài vài giây khi ăn cơm hoặc lúc đang nghỉ ngơi, tần suất xuất hiện cơn đau khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Vậy triệu chứng đó có đáng lưu tâm không?
Tôi cho rằng triệu chứng đó chỉ đáng lưu tâm đối với những người ngoài 40 tuổi, nhất là nam giới hoặc phụ nữ mãn kinh, người bị béo phì, hút thuốc lá, bị cao huyết áp, tiểu đường, lượng mỡ trong máu cao hoặc gia đình có tiền sử bị bệnh tim mạch.
Với những người trẻ, nếu bị đau như vậy thì chủ yếu do căng cơ hoặc nguyên nhân tâm lý là chính. Sẽ có nghi vấn về tim mạch nếu tình trạng đau ngực ngày càng nặng hơn và tần suất xuất hiện dày hơn, chẳng hạn mỗi tuần xảy ra một lần hoặc vài ngày lại bị một cơn đau.
Vậy khi nào cơn đau ngực là biểu hiện của những bệnh nguy hiểm, cần phải cảnh giác?
Bệnh nhân bị đau ngực cần cảnh giác khi cơn đau có những biểu hiện sau:
- Về vị trí, nếu đau dữ dội ở đường vú dưới hoặc giữa xương ức thì có thể là bệnh về tim mạch. Đau ngực phải hoặc trái nhưng không trùng với vị trí của tim có thể do bệnh về phổi. Đau phía sau lưng, ở vùng mà phía trước là ngực, có thể là biểu hiện của bệnh về động mạch chủ.
- Về hướng đi, cơn đau ngực trái dữ dội lan lên vai và cánh tay trái thường là dấu hiệu của bệnh về tim mạch.
- Về tần suất và thời gian đau, nếu cơn đau ngực kéo dài, điều đó chứng tỏ đã có tổn thương nghiêm trọng các cơ quan trong lồng ngực như tim, phổi, màng phổi…, còn cơn đau ngực trái kéo dài trên hai phút và tái diễn liên tục trong vòng 30 phút thì thường là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Đau ngực liên tục không thuyên giảm có thể do các bệnh nguy hiểm về phổi gây ra.
- Về triệu chứng đi kèm, nếu đau ngực kèm khó thở thì có thể là biểu hiện của một bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tràn khí màng phổi. Đau ngực và bị vã mồ hôi, tụt huyết áp thường là bệnh nhồi máu cơ tim có sốc. Đau ngực kèm khạc đờm màu gỉ sắt, có hội chứng nhiễm trùng là biểu hiện của bệnh về phổi.
- Về các bệnh tiền sử, trường hợp người đã bị tăng huyết áp, xơ vữa mạch, đái tháo đường mà bị đau ngực dữ dội thì có thể rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ. Riêng bệnh nhân bệnh phổi bị tắc nghẽn mạn tính mà đau ngực thì có thể đã bị tràn khí màng phổi. Đau ngực dữ dội ở các bệnh nhân nằm bất động lâu, bệnh nhân có bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, phụ nữ có thai… thường là do thuyên tắc mạch phổi do huyết khối.
Khi có bệnh nhân bất ngờ bị cơn đau ngực dữ dội thì cần xử lý như thế nào?
Bệnh nhân lên cơn đau ngực dữ dội kéo dài thì không có cách nào khác là đưa đến bệnh viện cấp cứu càng nhanh càng tốt. Tại đó, người bệnh được can thiệp kịp thời, được hỗ trợ khí oxy…
Trong khi chờ bác sĩ cấp cứu, nên đặt người bệnh ở vị trí thoáng mát, tránh ồn ào và tụ tập đông người vì khi đó bệnh nhân cần rất cần oxy để thở. Cố gắng trấn an bệnh nhân vì cảm giác lo lắng, hoảng sợ sẽ làm cho cơn đau nặng hơn. Nếu bệnh nhân bị ngưng thở thì khẩn trương sơ cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc ép tim.
Trong trường hợp đó, có nên cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau không?
Tuyệt đối không! Lý do là thuốc giảm đau sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Hơn nữa, thuốc giảm đau làm mất đi phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với cơn đau ngực, ảnh hướng không tốt đến việc cấp cứu kịp thời và cả việc chẩn đoán của bác sĩ.
Bác sĩ có thể cho thêm vài lời khuyên để phòng tránh cơn đau ngực?
Những cơn đau ngực không nghiêm trọng thường xuất hiện khi chúng ta có những căng thẳng về tâm lý như stress, lo lắng, sợ hãi… Doanh nhân, nhân viên văn phòng là những người rất dễ gặp hiện tượng này. Cách phòng đau ngực khi đó rất đơn giản: Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống!
Với cơn đau ngực của các bệnh nghiêm trọng, cách phòng tránh cơ bản là ăn uống điều độ, tập thể dục, thể thao thường xuyên, không hút thuốc lá và tránh uống nhiều rượu bia để không bị béo phì, tiểu đường, mỡ trong máu cao.
Đau ngực ở những bệnh nhân hút thuốc có thể là biểu hiện của những chứng bệnh tim mạch nguy hiểm đến tính mạng như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim…, còn ở bệnh nhân nghiện rượu có thể do nhồi máu phổi hoặc thuyên tắc phổi.
Ngoài ra, người từ tuổi trung niên trở lên nên đi khám tổng quát định kỳ hằng năm để tầm soát bệnh tim mạch, đặc biệt là đối với những người béo phì, huyết áp cao, tiểu đường hoặc trong gia đình đã có người thân bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim hoặc đột tử không rõ lý do.
Xin cảm ơn bác sĩ về những chỉ dẫn trên!