Với kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, năm 2012 đã mang đến cho anh thật nhiều niềm vui. Khi những ngày cuối cùng của năm sắp qua đi, thêm một tin vui lại đến với anh từ nước Mỹ: tạp chí kiến trúc hàng đầu thế giới Architectual Record đã công bố giải thưởng “Nhà thiết kế tiên phong” (Design Vanguard) của năm 2012.
Trong số mười khuôn mặt được vinh danh với những công trình mang tính đổi mới, tiên phong nhất trong lĩnh vực kiến trúc và sẽ trở thành những người dẫn đầu lĩnh vực thiết kế và kiến trúc trong tương lai có kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. DNSGCT đã gặp nhà thiết kế trẻ khi anh đang chuẩn bị bay sang Nhật trong chuyến công tác cuối năm.
Có khá nhiều công trình đã hoàn thành trong năm 2012 và các giải thưởng kiến trúc trong nước cũng như quốc tế mà anh đã được trao, có công trình được báo New York Times giới thiệu cùng nhiều công trình khác được đăng trên các trang mạng kiến trúc có uy tín lớn – phải chăng năm 2012 là một năm thành công nhất kể từ khi cái tên Võ Trọng Nghĩa xuất hiện trên bản đồ kiến trúc Việt Nam?
Vâng, cũng có thể nói năm nay là năm Công ty Võ Trọng Nghĩa đạt được nhiều kết quả nhất từ trước đến nay, với 11 giải thưởng khác nhau, trong đó có hai giải nhất tại Festival kiến trúc thế giới được tổ chức hồi tháng 11 tại Singapore, giải thưởng WAN 21 for 21 dành cho 21 kiến trúc sư tiên phong của thế kỷ XXI và mới đây nhất là tạp chí Architectural Record chọn vào danh sách 10 kiến trúc sư tiêu biểu của năm 2012.
Đặc biệt là báo New York Times lần đầu tiên đăng một công trình kiến trúc dân dụng tại Việt Nam (Nhà xanh – Stacking green house – ở Q.2, TP.HCM), theo tôi nghĩ đó là một sự kiện rất quan trọng. Và không chỉNew York Times mà các nhà xuất bản hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kiến trúc ở các châu lục cũng đã đăng công trình của công ty chúng tôi. Có thể nói không quá lời là kiến trúc của ViệtNam đã ra được với thế giới.
Trong số những công trình do anh (và cộng sự) thiết kế đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2012 như nhà xanh ở Q.2 (TP.HCM), nhà đá ở Mạo Khê (Quảng Ninh), nhà hội nghịở Đại Lải (Vĩnh Phúc), trường học ở Dĩ An (Bình Dương), nhà đá – tre ở Pleiku…, anh tâm đắc nhất với công trình nào? Có thể coi đó là những “đỉnh cao” trong nghề kiến trúc của anh?
Những công trình nêu trên là những tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của chúng tôi trong năm 2012 – đó cũng là những công trình kiến trúc xanh ở Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Ở những công trình đó, chúng tôi đã tận dụng tối đa những thế mạnh của Việt Nam về vật liệu có sẵn tại địa phương cũng như về kỹ thuật xây dựng mà người Việt thực hiện được.
Ví dụ: về vật liệu đá chẳng hạn, để xây dựng được một công trình như ngôi nhà bằng đá ở Mạo Khê hay nhà hội nghị Đại Lải thì ngay tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật khó mà làm được trong thời buổi bây giờ do giá nhân công quá cao. Họ vốn rất giỏi về mặt sản xuất công nghiệp, lắp ghép…, vậy thì chúng ta làm được những gì khác với họ?
Theo tôi, câu trả lời là xây dựng những công trình sử dụng vật liệu thiên nhiên, tạo các tác phẩm kiến trúc – nghệ thuật làm bằng tay (hand made). Hay với công trình nhà stacking green ở Q.2 (TP.HCM), trường học ở Dĩ An (Bình Dương), chúng tôi đã vận dụng tối đa yếu tố khí hậu của vùng Nam bộ lắm nắng nhiều mưa, quanh năm không có mùa đông, những công trình đó được thiết kế cho vùng khí hậu nhiệt đới đặc thù này.
Với mỗi công trình, bản thân tôi đều có những tâm đắc riêng, tuy nhiên nói đó là “đỉnh cao” thì chưa phải: những công trình tốt nhất tại thời điểm bây giờ công ty của chúng tôi vẫn đang tiến hành. Tuy nhiên, nếu phải chọn công trình nào được tôi thích nhất hiện tại thì đó là nhà stacking green. Ngôi nhà nhẹ nhàng, bình thản và rất đúng với phương châm kiến trúc của tôi “đúng trước đẹp sau, đẹp là tất nhiên”. Thực hiện công trình này, tôi có cảm giác như đang đứng giữa thiên nhiên.
Có người cho rằng công trình của anh chịu ảnh hưởng của Tadao Ando, bậc thầy kiến trúc người Nhật, đất nước mà anh từng sống nhiều năm để học tập, trải nghiệm những bước đầu của nghề – điều đó chính xác đến đâu? Nếu không phải là Tadao thì anh có chịu ảnh hưởng nghề nghiệp của bậc thầy nào không?
Ngày còn là sinh viên du học tại Nhật Bản, tôi say mê các công trình của Tadao Ando và đã đi thăm hầu hết các công trình của ông. Nhưng rồi tôi nhận thấy, nếu chọn đi con đường mà Tadao Ando đã vạch ra, tôi sẽ bị một cái bóng rất lớn luôn phủ trên đầu nên quyết định chọn một hướng đi khác.
Tôi tìm đến với Hiroshi Naito cũng là một kiến trúc sư hàng đầu ở Nhật, người đã sử dụng nhuần nhuyễn các loại vật liệu khác nhau với các kết cấu rất đặc sắc, đúng “bản chất văn hóa” của chúng.
Chính cách thức Hiroshi Naito tự do sử dụng các loại vật liệu đã có ảnh hưởng rất lớn đến tôi sau này. Cũng nhờ ông mà tôi học kết cấu, khí động học để rồi tôi khá tự do trong sử dụng tre, gỗ, đá… và tất nhiên có cả bê tông, thép.
Nếu phải trả lời tôi học được từ Ando Tadao điều gì thì đó là cách ông làm PR. Tôi luôn hình dung từng trường hợp ông làm PR như thế nào để học tập và làm theo. Trong văn phòng chúng tôi cũng có kiến trúc sư xuất thân từ văn phòng của Ando, nhưng tôi không bao giờ hỏi họ về cách làm kiến trúc mà chỉ hỏi: Ando làm PR như thế nào.
Từ cà phê Gió và Nước ở Bình Dương cho tới các công trình gần đây nhất, từ tre cho tới gỗ, đá cũng như các vật liệu thân thiện với môi trường, dễ nhận ra hướng đi mà Võ Trọng Nghĩa đã vạch ra trong hành trình kiến trúc của mình. Hướng đi đó được vạch ra từ thời điểm nào? Có thể nói gì về triết lý kiến trúc của Võ Trọng Nghĩa?
Tôi vốn yêu thiên nhiên và cũng quan niệm những công trình kiến trúc là một phần nhỏ của thiên nhiên, do vậy tôi luôn nhẹ nhàng gửi vào thiên nhiên những công trình kiến trúc cũng thật nhẹ nhàng vì sợ mình có lúc đụng chạm vào thiên nhiên, làm thiên nhiên đau!
Cũng có thể nói tất cả những công trình kiến trúc của tôi đều bắt đầu từ tình yêu thiên nhiên, trong đó ngay con người cũng là một yếu tố của thiên nhiên.
Chính tình yêu đó làm tôi biết tôi phải làm gì. Có những công trình tôi làm ra chỉ dùng để trồng cây, sau đó mới là sử dụng, điều đó nghe lạ lắm phải không, nhưng thật ra hai mục đích đó không có gì mâu thuẫn cả.
Ở văn phòng kiến trúc Võ Trọng Nghĩa, ngoài các kiến trúc sư trẻ người Việt, còn có các đồng nghiệp đến từ Nhật, Pháp, vì sao anh lại chọn nhiều cộng sự là người nước ngoài trong khi thực tiễn cuộc sống và kiến trúc Việt đòi hỏi người thiết kế phải có tư duy và tình cảm gần gũi với người Việt?
Ở công ty của chúng tôi, không có sự phân biệt quốc tịch; có những kiến trúc sư nước ngoài đến Việt Nam cùng làm việc với chúng tôi, từ đó họ sẽ hiểu cách chúng tôi làm kiến trúc thuận với thiên nhiên Việt Nam như thế nào. Tuy nhiên chúng tôi chỉ chọn những người có phương pháp tư duy, từ đó “Việt Nam hóa” họ bằng cách định hướng họ tiến hành những công trình kiến trúc phù hợp với khí hậu, phong thổ, con người Việt Nam, nhờ vậy chắc chắn họ sẽ cùng các đồng nghiệp bản xứ làm được các công trình gần gũi với người Việt, cho người Việt.
Ở chiều ngược lại, điều đó cũng có nghĩa khi Công ty Võ Trọng Nghĩa nhận thiết kế các công trình kiến trúc ở các vùng khác nhau trên thế giới, chúng tôi cũng nhanh chóng “đọc” được những yếu tố tương tự để cho ra những công trình phù hợp với vùng đất và con người ở đó.
Ngoài các công trình đã và đang tiến hành trong nước, được biết Võ Trọng Nghĩa Architect còn có nhiều khách hàng nước ngoài, anh có thể giới thiệu đôi nét về các công trình đã thiết kế ở các nước?
Chúng tôi có các hợp đồng từ Trung Quốc, Mexico, Campuchia, Hongkong, tuy nhiên những công trình ở nước ngoài khá phức tạp do khoảng cách cũng như các thủ tục nên tốc độ thực hiện dự án khá chậm. Khi nào thuận lợi chúng tôi sẽ sớm công bố các công trình do Công ty Võ Trọng Nghĩa thiết kế ở nước ngoài.
Một ngày làm việc của anh như thế nào?
Hằng ngày tôi dậy sớm, đi làm việc sớm và đi ngủ sớm. Tôi không thấy bận rộn là bao nhiêu dù công ty của chúng tôi luôn có rất nhiều công trình. Tôi cũng cảm thấy rất thoải mái được làm công việc tôi thích suốt ngày, đó là làm sao đưa được thật nhiều thiên nhiên vào những công trình kiến trúc. Đó cũng là những bài toán, những thách thức hết sức cuốn hút khiến tôi mãi không thấy chán.
Tôi còn là người mê thiền, thích bơi và được ngủ đầy đủ.
Có thể nói đơn giản: sở thích của tôi là kiến trúc (cũng là phương tiện thể hiện tình yêu thiên nhiên của tôi).
Võ Trọng Nghĩa có tham vọng (hay ước mơ) gì đối với nghề kiến trúc?
Ước mơ của tôi là làm sao đào tạo được nhiều kiến trúc sư làm kiến trúc xanh ở Việt Nam, bất luận họ có quốc tịch nào miễn là làm việc ở Việt Nam, xây dựng kiến trúc Việt cho người Việt.
Đó cũng chính là lý do chúng tôi tuyển người từ khắp nơi đến để cùng anh em kiến trúc sư Việt Nam làm việc, cùng nhau học tập, tiến bộ. Tôi muốn kiến trúc Việt Nam được xướng danh khắp nơi trên thế giới. Và muốn vậy, chỉ có chiến lược con người mới lâu dài được.