Được biết đến như một doanh nghiệp hàng đầu của ngành giày dép Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) đã có những bước đi mới, vươn xa ngoài lĩnh vực cốt lõi của mình và gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào. Điều này khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Bằng bí quyết nào Biti’s lội ngược dòng thành công như thế?
Từ ngành giày dép đầu tư sang địa ốc
Trong lĩnh vực cốt lõi của mình, Biti’s là một trong những doanh nghiệp tư nhân có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam. Năm 1982, hai tổ sản xuất là Vạn Thành và Bình Tiên với 20 công nhân được thành lập, chuyên sản xuất các loại giày dép cao su đơn giản. Ngay trước và trong thời đổi mới của kinh tế Việt Nam, vợ chồng ông Vưu Khải Thành – bà Lai Khiêm những doanh nhân người Việt gốc Hoa đã sớm mong muốn đổi mới hoạt động của chính hai tổ hợp trên và họ đã tháo vát, nhanh chóng thay đổi cả công nghệ lẫn mô hình sản xuất – kinh doanh. Năm 1990, ông bà Vưu Khải Thành đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ của Đài Loan, bắt đầu sản xuất giày dép xốp EVA, giới thiệu với thị trường thương hiệu Biti’s.
Năm 1991, Bình Tiên liên doanh với Công ty Sukuan (Đài Loan). Đây là công ty liên doanh đầu tiên của Việt Nam trong ngành giày dép. Một năm sau, Hợp tác xã cao su Bình Tiên chuyển thành Công ty Biti’s. Thương hiệu Biti’s ngày càng được thị trường nội địa ưa chuộng và đã xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia, trong đó có một phần lớn doanh thu đến từ thị trường vốn bị các doanh nghiệp Việt bỏ ngỏ là Trung Quốc.
Trong 33 năm phát triển của mình, doanh nghiệp tư nhân này chưa bao giờ xa rời năng lực cốt lõi là sản xuất – kinh doanh giày dép. Tất nhiên, bên cạnh năng lực cốt lõi, họ biết kết hợp mở thêm hướng đầu tư mới, chọn phương án đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Chỉ có điều quan điểm đầu tư, kinh doanh địa ốc của Biti’s không theo xu hướng đầu tư chớp nhoáng, tranh thủ góp vốn mua tài sản lớn và bán nhanh kiếm lời, mà là đầu tư có định hướng bền vững.
Tiên phong đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại địa bàn xa
Theo ông Nguyễn Duy Thanh – thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Biti’s, việc đầu tư địa ốc của doanh nghiệp này trên thực tế hoàn toàn không phải là chuyển hướng đầu tư vì ngành sản xuất – kinh doanh sản phẩm giày dép vẫn được duy trì và thúc đẩy. “Hiện nay, Biti’s có bảy chi nhánh điều hành khu vực với hơn 1.500 trung gian phân phối trên toàn quốc. Số cửa hàng tiếp thị do công ty trực tiếp đầu tư là 68. Đây là kênh phân phối mà chúng tôi đang chú trọng phát triển. Doanh số trong lĩnh vực giày dép Biti’s bình quân mỗi năm đạt khoảng 2.000 tỉ đồng (doanh số tại thị trường nội địa chiếm 60%, xuất khẩu chiếm 40%). Chúng tôi không có lý do gì để xa rời ngành hàng đã tạo nên danh tiếng, thương hiệu của mình. Mọi hoạt động đầu tư đều để nhằm nâng cao hơn nữa giá trị ngành hàng hiện có” – ông Thanh cho biết.
Điều gì có thể nâng cao giá trị thương hiệu và lợi nhuận cho Biti’s thì phải xúc tiến mạnh mẽ. Trước tiên, các nhà quản trị Biti’s đã sớm xác định phải đầu tư bài bản để cung cấp sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối, nhờ đó các sản phẩm Biti’s mới có thể xếp ngang hàng cùng các nhãn hàng nhập ngoại và các nhãn hàng cao cấp khác. Nó cũng giúp Biti’s dễ dàng cung cấp hàng cho các khách hàng mua sỉ và mua lẻ đến từ Trung Quốc. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh nghiệp này đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Thái Nguyên và Trung tâm thương mại cửa khẩu quốc tế Lào Cai ngay từ đầu thập niên 2000. Ông Vưu Khải Thành lại lần nữa chứng tỏ sự nhạy bén trong kinh doanh và dám tiên phong đầu tưở địa bàn xa xôi mà trong thời gian đó chưa ai dám đầu tư.
Sau nhiều năm hội nhập và mở cửa, Việt Nam hiện là thị trường bán lẻ hấp dẫn của khu vực. Cũng vì thế, mặt bằng bán lẻở các đô thị và các địa danh du lịch ngày càng khan hiếm. Từ thành công trong khâu mở đầu tại hai khu vực đắc địa nói trên, Biti’s tiếp tục phát triển chiến lược đầu tư – kinh doanh lên tầm cao mới để đón bắt những cơ hội mới khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
Dịch vụ du lịch – mô hình kinh doanh “3 trong 1”
Nếu như các trung tâm thương mại có thể hỗ trợ cho các sản phẩm Biti’s lan tỏa đi mọi khu vực, đặc biệt ở thị trường miền Bắc một cách dễ dàng, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nói chung thâm nhập, giới thiệu sản phẩm với thị trường 1,3 tỉ dân và người dân khu vực Tây Bắc được tiếp cận với các sản phẩm ngành hàng đa chủng loại thì mũi nhọn khác của Biti’s là giúp các doanh nghiệp gia tăng sức mạnh theo mô hình kinh doanh “3 trong 1”: kinh doanh ngành hàng cốt lõi – tạo kênh phân phối – tăng giá trị từ dịch vụ. Đó chính là mũi nhọn kinh doanh dịch vụ du lịch.
Không kể các hạng mục đầu tư đơn lẻ như du thuyền, một trong những mục đầu tư du lịch lớn hiện nay của Biti’s là dịch vụ lưu trú với hạ tầng khách sạn tiêu chuẩn bốn sao. Tọa lạc tại trung tâm TP. Lào Cai (cách thủ đô Hà Nội hơn 300km về hướng Tây Bắc và tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc), Sapaly Hotel (Sapaly có nghĩa là “Sa Pa thân yêu”) hiện là một trong những khách sạn tiêu chuẩn quốc tế được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích nhất. Đây là khách sạn được Biti’s đưa vào vận hành từ tháng 7-2013 với sự quản lý của một tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng đến từ Thụy Sĩ có tên là Swiss-Belle Hotel.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thanh cho biết thêm rằng từ cuối năm 2014, Tập đoàn Swiss-Belle Hotel bắt đầu chuyển giao công nghệ quản lý cho Biti’s, nghĩa là Biti’s vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà quản lý – vận hành trực tiếp. Hiện tại đã có đầy đủ nhân lực được đào tạo bài bản để tiếp nhận công việc từ Swiss-Belle Hotel. “Quan điểm của chúng tôi là không đầu tư địa ốc, hạ tầng du lịch theo kiểu “ăn xổi”, mà phải làm đúng với thực lực của mình và làm cho tới. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai một dự án khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ba quả đồi con gái, liền kề với cáp treo lớn nhất Đông Nam Á lên đỉnh Sa Pa” – vị phó tổng giám đốc có thâm niên 23 năm tại Bình Tiên hào hứng tiết lộ.
Song song với khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, hiện Biti’s còn sở hữu bốn toa tàu mang thương hiệu Sapaly Train trong hệ thống vận chuyển đường sắt tuyến Hà Nội – Lào Cai theo hình thức đầu tư thuê dịch vụ của ngành đường sắt để vận chuyển du khách và hàng hóa. Đây mới thực sự là cái đích cuối cùng của chuỗi dịch vụ mà Bình Tiên khai thác và cung cấp.
Khi được hỏi về mô hình kinh doanh “3 trong 1” và quyết định đầu tưở nhiều lĩnh vực, ông Vưu Khải Thành tâm sự rằng ông luôn cảm thấy thuận lợi và dám mạnh dạn tiên phong đầu tư vào những lĩnh vực “nhạy cảm” nhất ở những thời điểm sớm nhất. Niềm tin của ông chính là sựủng hộ của các cấp chính quyền, chế độ khuyến khích, ưu đãi trong các chính sách đầu tư của Nhà nước. Ông cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – tổ chức mà ông Thành cùng nhiều doanh nhân khác đã sát cánh hàng chục năm nay.
Ngoài ra, Biti’s còn có một khoản đầu tư khác mà ông Thành rất hiếm khi nhắc tới, nhưng những ai quan tâm vẫn có thể nắm bắt, nhưng rồi đều phải ngạc nhiên. Đó là Biti’s đã đầu tư thêm một trung tâm thương mại – khách sạn quy mô 14ha tại Hà Đông (Hà Nội), có đủ siêu thị, căn hộ chung cư, trường học… và trụ sở điều hành của Công ty Biti’s tại khu vực phía Bắc bằng nguồn lực duy nhất là vốn tự có. Khi được hỏi làm sao có thể huy động được nguồn vốn tự có cho các hạng mục đầu tư lớn đến như vậy, ông Thành nhẩn nha: “Bằng sự tích lũy! Tích lũy và đi chậm, bước vững thì sẽ luôn luôn vững vàng và mới vươn xa được”.