Vào những thập niên cuối thế kỷ XVI, sau cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều vừa chấm dứt, thì chế độ phong kiến thời Lê cũng đi vào giai đoạn suy tàn, xung đột Trịnh-Nguyễn lại bắt đầu diễn ra. Xã hội nước ta thời ấy rơi vào bao cảnh chiến tranh loạn lạc, người nông dân đa phần lâm vào cảnh bần cùng, và thế bắt buộc là họ phải bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới để làm ăn sinh sống. Và con đường duy nhất mà họ phải đến là vùng đất phương Nam, trong đó có Tây Ninh.
Dựa vào một số nguồn sử liệu thì vào khoảng năm 1658, những lưu dân từ xứ Ngũ Quảng đã bắt đầu tới vùng đất mới Tây Ninh. Vùng đất này khi ấy chỉ là vùng đất hoang vu, rừng rậm và đầm lầy chứ chưa có xóm ấp gì cả. Mãi đến khi Nguyễn Ánh bình định xong Tây Sơn thì tình hình mới đổi khác. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi mới đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, rồi 1808 lại đổi trấn Gia Định thành Thành Gia Định; Tây Ninh bấy giờ thuộc trấn Phiên An.
Đến năm 1832, vua Minh Mạng lại chia 5 trấn của thành Gia Định thành 6 tỉnh, gọi là Nam kỳ lục tỉnh, Phiên An trấn thành Phiên An tỉnh thành. Đến năm 1838 thì Minh Mạng lại đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định gồm 3 phủ, 7 huyện. Trong đó phủ Tây Ninh gồm 2 huyện: Quang Hóa và Tân Ninh. Nếu căn cứ theo sách Đại Nam nhất thống chí thì huyện Tân Ninh, đã được đặt ra từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), và nếu tính từ thời điểm đó đến nay thì xứ Tây Ninh đã ngót 180 năm hình thành và phát triển.
Nhưng vùng đất này trước thế kỷ XVI thì sao? Xin khẳng định một điều đó là vùng đất mà Thủy Chân Lạp chiếm của Phù Nam. Nhưng từ thế kỉ XVI, thì triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc và bước vào thời kì suy vong, và hầu như không có điều kiện quan tâm đến vùng đất còn ngập nước này. Chính vì vậy mà nó trở thành vùng đất hoang như trước đó 300 năm trong Chân Lạp Phong Thổ Ký mà Chu Đạt Quan đã mô tả: “bụi rậm của khu rừng thấp… tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi… những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy rẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm…”.
Mặc dù vùng đất này đã từng tồn tại dưới thời Thủy Chân lạp trên dưới 800 năm, nhưng dấu ấn văn hóa mà nó để lại là hết sức mờ nhạt. Bên cạnh đó thì vương quốc cổ xưa hơn là Phù Nam từng bị Thủy Chân Lạp xóa sổ lại để lại khá nhiều dấu tích văn hóa của một thời đại vàng son trên mảnh đất này, mà rõ nét nhất là các di chỉ đã được phát lộ men theo lưu vực sông Vàm Cỏ Đông.
Nhưng về sự tồn tại của vương quốc cổ xưa Phù Nam có một điều rất lạ là không thấy nhắc tới trong các bộ sử của Đại Việt. Cũng chính vì điều này mà một câu hỏi được đặt ra cho giới nghiên cứu về sự thật tồn tại của vương quốc này là có hay không? Nếu dựa vào các bộ sử Trung Hoa thì rõ ràng Phù Nam là một vương quốc có thật, đã từng tồn tại từ đầu Công nguyên cho đến hết thế kỷ thứ VI. Cụ thể, ta thấy trong Tam Quốc Chí có chép vào năm 243 quốc vương Phù Nam là Phạm Chiên đã cho người mang lễ vật và nhạc sĩ sang cống sứ cho Trung Hoa.
- Xem thêm: Địa danh ‘cái răng’ ở Tây Ninh
Sách Tấn Thư cũng chép Phù Nam đã 5 lần cho sứ sang Trung Hoa cống nạp, còn sách Tống Thư thì ghi nhận Phù Nam cống nạp ít nhất 2 lần vào các năm 345 và 347. Đặc biệt, sách Lương Thư chép Phù Nam qua cống nạp đến 9 lần vào các năm 540, 512, 514, 517, 519, 520, 530, 535, và 540. Sách này còn ghi cụ thể “Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, ở giữa vịnh phía Tây biển, cách Nhật Nam khoảng 7.000 dặm, ở phía Tây Nam Lâm Ấp (Chiêm Thành), cách nước ấy 3.000 dặm. Kinh thành nước này cách biển 500 dặm. Trong nước có con sông lớn rộng 10 dặm, chảy theo hướng Tây Bắc sang hướng Đông rồi đổ ra biển. Diện tích cả nước rộng 3.000 dặm. Đất đai nước ấy thấp và bằng phẳng. Khí hậu và phong tục gần giống Lâm Ấp”.
Bên cạnh các nguồn sử liệu Trung Hoa, ta còn một căn cứ khác đó là sự ghi nhận của G.E. Coedes trong Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông “Trung tâm của nước này (Phù Nam) nằm ở mạn hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông, nhưng lãnh thổ của nó đã bao gồm miền Nam nước An Nam, đoạn trung lưu sông Mê Kông, một phần lớn thung lũng Me Nam và bán đảo Mã Lai”. Qua các tài liệu trên ta có thể khẳng định vương quốc Phù Nam là có thật và lãnh thổ của nó bao trùm cả Nam bộ ngày nay, và hiển nhiên Tây Ninh là một phần trong đó không có gì phải bàn cãi.
Vậy trên dưới 6 thế kỷ tồn tại, Phù Nam đã để lại dấu ấn văn hóa gì trên đất Tây Ninh? Theo các nhà khảo cổ học thì họ đã tìm thấy các cổ vật thuộc nền văn hóa Óc Eo ít nhất là ở 14 điểm trong tỉnh. Trong đó, xã Thanh Điền – Châu Thành có 11 điểm và 3 điểm còn lại ở Tiên Thuận – Bến Cầu và Phước Chỉ – Trảng Bàng. Tất cả đều thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Đặc biệt là Tây Ninh còn tồn tại hai ngôi tháp cổ đó là tháp Chót Mạt (Tân Biên) và tháp Bình Thạnh (Trảng Bàng). Hai ngôi tháp này được coi là di chỉ, cứ liệu vững vàng nhất cho sự có mặt của nền văn hóa hậu Óc Eo của vương quốc Phù Nam từng phát triển rực rỡ nơi này.
Tháp Bình Thạnh nằm trên địa phận ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Tháp này có tên là Prey Prasath (tháp giữa rừng), tháp được xây trên một khu gò đất đắp cao hình vuông, mỗi chiều 100m. Tháp cao 10m, mỗi cạnh dài 5m, mặt chính quay về hướng đông, trông ra một bàu nước phía trước. Tháp này được phát hiện vào năm 1909, khi ấy phần đỉnh tháp đã bị hư đổ; năm 1938 H. Mauger đã tiến hành tu sửa, người Pháp đã đúc một tấm đan bằng xi măng trám trên đỉnh để nước mưa không đổ vào trong lòng tháp.
Bên cạnh đó, họ đã tiến hành nghiên cứu tháp và đã kết thúc từ những năm 40 của thế kỷ trước. Năm 1994, các nhà khảo cổ học Việt Nam lại tiếp tục khai quật trên khu tháp Bình Thạnh và kết quả đã phát hiện hai kiến trúc khác cũng xây bằng gạch đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất. Kiến trúc thứ nhất nằm song song với tháp Bình Thạnh, hơi lệch về phía Đông và cách ngôi tháp hiện hữu khoảng 4m. Bình đồ của kiến trúc này gần như vuông, chiều Bắc Nam dài 7,7m, chiều Đông Tây dài 8,2m, cửa cũng quay ra hướng chính Đông.
Kiến trúc thứ hai nằm song song với kiến trúc thứ nhất về hướng Bắc, bình đồ cũng hình vuông mỗi chiều 6m. Ở kiến trúc thứ hai này người ta còn tìm thấy tượng thần Vishnu. Hơn 45 năm trước nhà sưu khảo Huỳnh Minh có nói đến ngôi tháp này trong sách Tây Ninh Xưa và Nay như sau: “Theo một vài bô lão cao niên nhất ở địa phương kể lại. Tòa tháp có lẽ của người Chàm hay của người Thủy Chân Lạp còn lại, vì đất đai này ngày xưa họ ở đầu tiên…”.
Chúng tôi cho rằng lời ghi chép trên của Huỳnh Minh là rất thiếu cơ sở. Vì người Chăm đến với Tây Ninh là sau sự kiện Nguyễn Cư Trinh đưa 5.000 người Côn Man (Chăm) về định cư ở chân núi Bà Đen vào thế kỷ 18. Mà tháp Bình Thạnh lại có niên đại từ thế kỷ VII – VIII thì không có lý nào người Chăm đến đây xây tháp trên phần đất này trước khi có lưu dân Chăm đến ở! Còn nói tháp do người Thủy Chân Lạp xây cũng hoàn toàn không có thể, vì đây thuộc văn hóa Óc Eo chứ không phải nền văn minh ĂngKo!
Qua những kết quả khảo cổ mới nhất, chúng ta có thể khẳng định xưa kia tháp Bình Thạnh là một cụm tháp có 3 ngôi tháp xây kế tiếp nhau theo trục Bắc – Nam. Tất cả các cửa chính của tháp đều quay ra bàu nước hướng chính Đông (nay là ruộng của người dân). Và ba ngôi tháp này dùng để thờ Trimurti hay còn gọi là Tam thần Ấn giáo.
Đó là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo bao gồm Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Shiva là đấng hủy diệt. Cả ba tạo thành bộ tam thần Trimurti, thường được gọi là Brahma-Vishnu-Maheshwara. Họ là những dạng khác nhau của một người được gọi là Đấng Tối cao hay Svayam Thế Tôn/ Thần Krishna/ Parabrahman. Cụ thể là tháp giữa thờ Brahma, tháp phía Bắc thờ Vishnu và ngôi tháp hiện còn cho đến ngày nay là thờ Shiva. Như vậy, có thể nói tháp Bình Thạnh là chứng nhân lịch sử, là bệ đỡ trên hành trình nghiên cứu văn hóa lịch sử về một nền văn minh cổ xưa trên đất Tây Ninh chứ không hề đơn giản.
Bên cạnh di chỉ quý giá trên còn có một ngôi tháp khác cũng cùng niên đại với tháp Bình Thạnh, đó là tháp Chót Mạt. Khu đền tháp này được xây dựng trên một nền đất gò giữa cánh đồng, nay thuộc ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên – Tây Ninh. Tháp Chót Mạt, được xác định xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII thuộc nền văn hóa Óc Eo, và nó được phát hiện chính thức cùng tháp Bình Thạnh vào những năm đầu của thế kỷ XX.
Và ngôi tháp này được trùng tu nhỏ lần đầu vào năm 1938. Qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của Viện Nghiên cứu khảo cổ Đông Dương thì kiến trúc tháp được xây bằng gạch có bình diện vuông 5m x 5m, đỉnh tháp cao 10m, mỗi chiều kiến trúc tháp đều bị hư hại mất gần một nửa, hai mặt tường tháp ở phía Tây và Bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp, các hoa văn trang trí bị nứt nẻ chỗ còn chỗ mất.
Năm 2003, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật và đưa vào sử dụng. Cần phải nói thêm rằng tháp Chót Mạt cũng không phải là dạng tháp đơn lẻ, mà vào thời điểm phát hiện ra nó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một ngôi tháp khác ở hướng Bắc đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất.
Vậy đây cũng chính là một cụm tháp, nếu ở cụm tháp Bình Thạnh là tam tháp thì ở Chót Mạt là tháp chính và tháp phụ. Có thể ngôi tháp bị sụp chôn vùi hoàn toàn kia là ngôi tháp phụ thờ Thần Lửa, còn ngôi tháp phía Nam còn lại ngày nay là thờ Shiva, vì người ta phát hiện khá nhiều biểu tượng sinh thực khí là Linga và Yoni. Mà Linga là vật tổ tượng trưng cho Shiva – vị thần hủy diệt để sáng tạo ra cái mới trong Ấn giáo.
Nghiên cứu về tháp Chót Mạt, sách Tây Ninh Xưa và Nay, phần 1 – Lược sử Tây Ninh qua các thời kỳ – trang 36, tác giả Huỳnh Minh có đoạn viết: “Con đường xóm Vinh đưa đến tháp Chót Mạt, ngôi tháp chôn các vị tù trưởng người Chàm từng ở Tây Ninh”. Rõ ràng đây là một sự nhầm lẫn tai hại từ tháp Bình Thạnh cho đến tháp Chót Mạt trong vấn đề sưu khảo của Huỳnh Minh. Thật ra, chúng ta đều biết rằng các tháp Chàm thường xây trên các khu đồi cao, dáng dấp bề thế nhưng lại mềm mại hơn so với tháp ở Nam bộ.
Tháp Chàm là nơi thờ các vị thần hay các vị vua chúa, anh hùng có công lớn với đất nước, tháp không phải là nơi để chôn người như các tháp trong các khu chùa Phật giáo! Và cùng chịu ảnh hưởng nền văn hóa Ấn Độ nên Phù Nam cũng không ngoại lệ. Và trong tháp chỉ thờ Linga và Yoni là biểu tượng sinh thực khí, chứ hoàn toàn không có chôn ai trong đó cả. Một điểm khác biệt nữa giữa tháp Chàm và tháp của người Phù Nam là phía trước các tháp này đều có ao nước tượng trưng cho biển sữa theo quan niệm về vũ trụ của họ.
Vấn đề này truyền thuyết kể rằng các chư hầu trong cuộc đấu tranh với ác ma, có một độ ma ác đã chiếm được ưu thế, các thần không thể không thỉnh cầu Vishnu tặng cho nước Cam lộ bất tử, tức thì Vishnu hóa thân làm rùa, chúi sâu vào biển sữa, lưng đội núi lớn Madora, khiến cho các thần khuấy động biển sữa, từ đó giành được nước Cam lộ.
Và nét văn hóa này chỉ có ở cư dân Phù Nam xưa và Khmer sau đó, hoàn toàn không có trong quan niệm tín ngưỡng của người Chăm. Một chứng cứ khác là dựa vào các tài liệu lịch cũ ghi nhận bản đồ Champa cổ là từ phía Bắc Đồng Nai cho đến Quảng Bình, còn Phiên Trấn xưa thuộc vùng Thủy Chân Lạp, thì không có lý gì người Chăm xây tháp ở vùng đất không thuộc về mình. Và một điểm nữa là người theo Bà La Môn khi chết thì làm lễ hỏa táng chứ không chôn vào tháp như tác giả đã viết.
Có thể nói ngoài 2 ngôi tháp tiêu biểu còn sót lại của ở Tây Ninh hiện nay thì trên tả hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông còn khá nhiều di chỉ khác. Từ Phước Chỉ đến Bình Thạnh, từ Gò Soài, gò Miễu Bà, gò chùa Thầy Lưỡng qua gò Cổ Lâm cho đến tận Chót Mạt là cả một hệ thống dày đặc các phế tích đền tháp cổ của đất Tây Ninh.
Từ các học giả người Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ xưa kia cho đến Phân Viện Khảo cổ hiện nay đã thống kê trên 40 di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo có mặt trên mảnh đất này. Điều đó đã chứng minh nơi đây từng là địa bàn nối tiếp từ văn hóa Đồng Nai của 5.000 năm trước cho đến nền văn minh Óc Eo và hậu Óc Eo sau này. Và cũng khẳng định rằng, nền văn hoá Óc Eo là nền văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của vương quốc Phù Nam cổ xưa.
Vương quốc này đã từng tồn tại từ thế kỷ thứ I cho đến thế kỷ thứ VI – VII trên miền đất Nam bộ. Sau Óc Eo – Phù Nam là cuộc chinh phục của phiên quốc Chân Lạp, tạo ra cuộc chiến tranh kéo dài liên miên và đã làm cho văn hoá Óc Eo bị lụi tàn, cộng với các đợt tấn công của đế quốc phương Bắc vào các nước Đông Nam Á trong thế kỷ 13 đã đưa Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng trở thành hoang hoá, đổ nát. Và mãi cho đến khi những cư dân người Việt đến khẩn hoang vào thế kỷ 17 vùng đất này mới thực sự hồi sinh.