Cá heo, chó, voi, dơi… Những con vật đáng thương này thường bị con người biến thành vũ khí chiến tranh và gởi đi làm nhiệm vụ cảm tử chống kẻ thù. Những chiến thuật quân sự tinh vi ngoài sức tưởng tượng.
Cáo cảm tử
Một trong những bắng chứng đầu tiên về việc biến động vật thành vũ khí chiến tranh đã được ghi trong kinh Cựu ước. Kinh Cựu ước có đoạn ghi: “Trong cuộc chiến chống người Philistin, Samson, anh hùng Do Thái có sức mạnh vô biên đã bắt 300 con cáo, buộc chúng lại thành từng cặp 2 con và buộc giữa đuôi của chúng bó đuốc cháy rực sáng. Hoảng hốt, chúng gieo rắc hoảng sợ và đốt cháy từ những bó lúa dưới chân cho đến vườn cây ô liu”.
Theo nhiều tài liệu viết tay, chiến thuật này cũng được pháo binh Đức sử dụng vào thế kỷ 16. Họ thả những con mèo và bồ câu rực lửa tấn công cảm tử vào phòng tuyến của địch quân. Chiến thuật được mộ tả: “Bắt con mèo trong lâu đài mà họ muốn tấn công. Buộc trên lưng nó một cái túi, châm lửa và để nó chạy đi tìm nơi ẩn náu. Tất nhiên nơi đó là lâu đài hay đống rơm mà nó thường lai vãng”.
Chó đánh bom
Chó đánh bom hay chó đánh mìn là “đặc sản” của Liên Xô. Năm 1935, quân đội Liên Xô có hẳn đội quân khuyển chống tăng. Quân khuyển được huấn luyện mang bom hẹn giờ đến đặt tại mục tiêu kẻ thù. Chúng có thể tháo bỏ khối chất nổ buộc vào lưng bằng cách dùng răng kéo sợi dây. Điều không may là thường khi việc tháo bỏ chất nổ trên lưng chúng bị thất bại và con vật phải quay trở về cùng với quả bom hẹn giờ trên lưng. Không ít trường hợp gậy ông đập lưng ông: con vật bị nổ banh xác vì chính quả bom mang trên lưng.
Vì vậy, trong Thế chiến thứ hai, người Nga đã đơn giản hóa quy trình: con chó chỉ đến một chiếc xe tăng địch và con chó cảm tử hy sinh cùng với quả bom nổ khi nó tiếp cận chiến xa địch. Thật không may là những con chó đáng thương này lại không phân biệt được sự khác nhau giữa mùi xăng xe tăng Đức và xe tăng Liên Xô nên nhiều xe tăng Liên Xô đã nổ tung bởi đội quân khuyển. Do đó, chiến thuật dùng chó đánh bom đã bị khai tử năm 1942.
Dơi cảm tử
Năm 1941, khi hay tin Trân Châu Cảng bị tấn công, nha sĩ Lytle S. Adam đang đi nghỉ ở động Carlsbad thuộc miền Nam Hoa Kỳ, nơi sinh sống của hàng chục đàn dơi. Trong đầu Lytle lập tức lóe lên ý tưởng: “Tại sao không sử dụng dơi, động vật rất nhạy bén trong việc xác định vị trí trong đêm tối, làm vũ khí chống quân Nhật?”. Nghĩ là làm, Lytle liền gởi kế hoạch của mình đến một người quen, Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng Thống Hoa Kỳ.
Vài tháng sau, ý tưởng của Lytle nằm trong danh sách các dự án quân sự của chính phủ với cái tên “Dự án X-Ray”. Theo trang web The Atlantic, không dưới 2 triệu USD đã được phân bổ cho dự án X-Ray để Lytle nghiên cứu thực hiện. Trên 30 thí nghiệm đã được thực hiện trước khi dự án bị dừng vì kết quả không mấy thuyết phục. Trong khi đó, Hoa Kỳ quyết định phân bổ nguồn lực cho vũ khí hiệu quả hơn: bom nguyên tử.
Cá voi gỡ mìn
Trong thập niên 1960, quân đội Hoa Kỳ được cấp ngân sách thành lập một đơn vị động vật biển có vú mang tên “Chương trình động vật biển có vú Hải quân”. Lúc ban đầu, Hải quân quan tâm đến khả năng thủy động học của cá voi để phát triển ngư lôi. Sau đó, cá heo, cá heo lưng đen và sư tử biển được huấn luyện để phát hiện mìn dưới biển, tháo gỡ, thu hồi những vật nguy hiểm, hoặc xác định vị trí thợ lặn hay phi công mất tích trên biển. Cá voi gỡ mìn được triển khai trong cuộc chiến Việt Nam, và gần đây hơn trong Vịnh Ba Tư trong cuộc chiến Iraq năm 2003.
Bị chỉ trích bởi những nhà bảo vệ động vật, năm ngoái, Hải quân Hoa Kỳ quyết định thay thế đội quân động vật biển bằng đội quân robot. Tuy nhiên, Hải quân Hoa Kỳ hứa hẹn tiếp tục nuôi dưỡng đội quân cá heo trung thành ngay cả khi chúng tới tuổi về hưu.
Voi xe tăng
Là động vật có vú lớn nhất trên trái đất, voi đã tham gia nhiều cuộc chiến từ thời cổ đại. Năm 326 trước Công nguyên, trong trận chiến Hydaspe, vương công Ấn Độ Pôros chỉ huy 200 con vói chống lại đội quân của Alexandre Đại đế của Macedonia. Những con voi khổng lồ đã gây hoảng loạn hàng ngủ chiến mã Macedonia và gây thiệt hại nặng nề cho bộ binh. Trang bị thêm ghế trên lưng voi là tiến bộ lớn của quân đội giúp cho đội cung thủ và ném lao phát huy uy lực.
Người Hy Lạp, người Parthia, Carthaginois và Trung Quốc cũng đã từng sử dụng voi trong đội quân của họ, chủ yếu là nhằm gây ấn tượng trong hàng ngũ quân địch hay để làm cỗ máy phá cửa thành. Loài voi hoàn toàn biến mất ở các nước phương Tây vào năm 190 Công nguyên, tuy nhiên đội quân voi vẫn tiếp tục được sử dụng ở Ấn Độ, đặc biệt là vào thời hoàng kim, thế kỷ 15, vị sultan ở Delhi sở hữu đến 3.000 con voi. Người Mông Cổ sở hữu đến 5.000 con voi vào cuối thế kỷ 17.