Con người có lịch sử dài huấn luyện loài vật làm do thám, làm vũ khí tấn công hay hệ thống cánh báo sớm. Nhưng hai dự án mới nhất của Mỹ dùng cá mú và tôm làm “bộ thụ cảm dò chuyển động” (motion sensor) là kỳ lạ nhất.
Vụ cá voi điệp viên Nga
Quy luật đầu tiên của một điệp viên là không để ai biết mình là điệp viên. Thú vật đáp ứng rất tốt yêu cầu này từ khi các bộ óc sáng tạo trong thế giới do thám bắt đầu nghĩ về việc sử dụng thú vật thay cho con người. Nhưng trong thời đại hiện nay, điệp viên thú vật không còn an toàn như trước mà luôn nằm trong tầm ngắm.
Mới đây, có một con cá voi beluga đi lang thang bên ngoài bờ biển Na Uy. Trông không giống những con cá voi bình thường nên nó đã bị chú ý, và sự ngờ vực này là có cơ sở. Các ngư dân và nhà khoa học thấy nó mang một cái bọc khác thường trên đầu.
Phía Nga phủ nhận con cá là điệp viên của mình nhưng do không thể… lấy cung con cá nên tình báo Na Uy chưa thể xác định mối nghi ngờ. Bất kể ai đúng ai sai, đây không phải lần đầu tiên một quốc gia phát hiện được một con vật được dùng để do thám lãnh hải của một quốc gia khác.
Con cá voi bị Na Uy bắt tại Bắc Băng Dương được nghi là do Hải quân Nga huấn luyện và mang một “túi” chuyên dụng cho hoạt động do thám. Giáo sư hải dương học Na Uy Audun Rikardsen hiện giảng dạy tại Đại học Tromso khẳng định trong chiếc túi buộc chặt trên đầu, phía trước vây có chứa một camera GoPro sản xuất tại St. Petersburg.
Một ngư dân Na Uy đã tìm cách gỡ nó khỏi con cá. Nhưng phía Nga khẳng định đây không phải là camera mà các nhà khoa học Nga thường dùng. Con cá voi được phát hiện tại hòn đảo Ingoya cách Murmans, nơi đặt hạm đội Biển Bắc của Nga 415km. Bắc Băng Dương là nơi sinh sống của loài cá voi Beluga. Đại tá hải quân Nga Viktor Baranets bác bỏ cáo buộc do thám, nhưng tin rằng con cá voi có thể đi lạc từ nơi huấn luyện nó.
“Nếu con cá là điệp viên, tại sao nó lại có số điện thoại để liên lạc khi cần?” – ông đặt câu hỏi. “Chúng tôi có những con cá heo chiến binh huấn luyện tại một trung tâm ở Sevastopol (bán đảo Crimea) để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, từ giết các điệp viên thù địch đột nhập đến gắn mìn vào vỏ tầu chiến địch. Nhưng cá voi beluga thì không” – ông nhấn mạnh.
Trung tâm huấn luyện cá heo trước đây do Ukraine kiểm soát lúc bán đảo Crimea chưa bị Nga sáp nhập vào năm 2014. “Cá voi beluga, cá heo và cá voi sát thủ đều có tính xã hội cao, dễ huấn luyện thành điệp viên giống như loài chó. Năm 2003, Hải quân Mỹ đã dùng cá heo tại vùng Vịnh Persic như trợ thủ đắc lực rà mìn trong cuộc chiến Iraq.
Thời Chiến tranh lạnh, Hải quân Mỹ có chương trình đặc biệt Marine Mammal Program huấn luyện cá heo và sư tử biển tại San Diego, California để dò tìm mìn, các vật thể nguy hiểm dưới đáy đại dương và những thợ lặn nước khác âm mưu gài mìn tàu chiến Mỹ.
Những điệp viên khác thường
Sử dụng thú vật vào các hoạt động do thám đã được tiến hành từ lâu mà nổi bật là chim bồ câu trong Thế giới thứ nhất hay cá heo được Mỹ, Nga, Israel và nhiều quốc gia khác dùng để do thám dưới mặt biển. Tuy nhiên tai hoạ xảy ra cũng nhiều nếu các điệp viên côn trùng phản chủ hoặc tự tố cáo mình! Từ thập niên 1960, Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo dò mìn và tìm cứu những thuỷ thủ mất tích.
Liên Xô cũng làm tương tự. Cá mập, chuột và chim bồ câu được gắn dụng cụ nghe lén trong nhiều năm. Chó và mèo là hai vật nuôi quen thuộc trong gia đình. Chúng cũng là hai loài thú đầu tiên con người nghĩ đến khi cần có thêm trợ thủ do thám trong thế giới thú vật. Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) từng xem chó mèo là “tuyệt hảo” trong các hoạt động do thám không do con người.
Vào thập niên 1960, ước tính có khoảng 14 triệu USD được CIA chi ra cho các thiết bị do thám gắn trong cơ thể những con mèo thả rông quanh sứ quán Liên Xô ở thủ đô Washington D.C. Kế hoạch bại lộ khi một con mèo bị xe của sứ quán Liên Xô cán chết bên ngoài sứ quán. Khả năng bay lượn không gây ồn trong màn đêm, sống bí mật trong hang đã biến những con dơi thành công cụ do thám và phá hoại lợi hại.
Trong Thế chiến thứ hai, một nha sĩ đề nghị cấy vào 1 triệu con dơi một công cụ gây cháy nổ nhỏ trước khi thả chúng xuống các thành phố Nhật Bản để chúng chui vào những toà nhà, kích nổ và gây hoả hoạn trên diện rộng. Một số thử nghiệm được làm, trong đó có cả việc gây cháy một nhà chứa máy bay. Ý tưởng này không bao giờ biến thành hiện thực vì bất khả thi và không thể biết chính xác bày dơi phá hoại sẽ đốt cháy cái gì sau khi thả chúng ra! Tuy nhiên, sáng kiến mới về các điệp viên hay cảm tử quân chim thú với khả năng cơ động cao không bao giờ biến mất.
Có rất nhiều cố gắng để nâng cấp đội ngũ do thám đặc biệt này. Trở lại năm 2008, tờ New Scientist có bài phóng sự điều tra việc Cơ quan nghiên cứu các dự án tiến bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ (US Defense Advanced Research Projects Agency-DARPA) tìm cách phát triển đàn côn trùng lai máy (cyborg insect). Hệ thần kinh của chúng được kết nối với trung tâm để có thể kiểm soát từ xa và thả chúng vào lãnh thổ kẻ thù. Các dự án tương tự với “vật chủ” là cá mập, chuột và chim bồ câu cũng được thử nghiệm dù mức độ thành công không giống nhau.
Với sự tiến bộ của công nghệ hiện nay, khả năng lắp ráp những công cụ nghe lén siêu nhỏ, khó bị phát hiện đã trở thành hiện thực nên việc sử dụng côn trùng vào hoạt động do thám cũng khả thi hơn. Bản thân các thiết bị này có cái trông giống côn trùng nên không cần vật chủ nửa. Năm 2007, quân đội Iran tình cờ tóm gọn một “băng đảng” 14 con sóc khi chúng tiến đến gần một nhà máy làm giàu nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân.
Nhưng ai đưa bầy điệp viên này đến đó và đến đó để làm gì thì vẫn chưa xác định được. Những con chim trời cũng nhiều lần làm đau đầu các cơ quan tình báo. Năm 2013, chính quyền Ai Cập bắt được một con cò trên lưng có mang một cái gì đó đáng ngờ, tự động phát ra âm thanh khiến các nhân viên an ninh phải chú ý. Nhưng cuối cùng, con cò được minh oan vì thiết bị trên lưng là do các nhà nghiên cứu Pháp gắn vào để theo dõi đường bay của nó.
Những con cò hay sóc khi bị phát hiện “hành nghề gián điệp” do thám thường không bị giết, nhưng một con khỉ đáng thương đi lạc vào bờ biển Hartlepool thì không được như thế. Chuyện kể một con tàu Pháp bị đắm ngoài khơi bờ biển phía đông bắc nước Anh trong cuộc chiến tranh thời Napoléon. Người dân sống ở vùng Hartlepool chưa bao giờ thấy con khỉ nào trước đó và họ cũng chưa bao giờ thấy người Pháp nào. Hiểu lầm âm thanh của con khỉ là tiếng nói của kẻ thù họ đã khép tội nó là do thám cho nước Pháp. Kết quả: con khỉ bị treo cổ trên bãi biển.
Đội đặc nhiệm cảnh báo dưới nước dùng cá và tôm
Dự án Persistent Aquatic Living Sensors (Pals) mới nhất của Cơ quan nghiên cứu tiến bộ quốc phòng Mỹ (US Defense Advanced Research Projects Agency-Darpa) là nhằm cải tiến việc dùng các sinh vật biển vào hoạt động tình báo quân sự như công cụ cảnh báo dưới mặt biển. Từ những con cá lớn đến những thể sống đơn bào đều có thể dùng vào việc này.
“Chúng ta đang tìm xem các sinh vật này có thể cảnh báo gì cho chúng ta về sự xuất hiện và hướng đi của những tàu ngầm, tàu lặn địch dưới đại dương” – TS Lori Adornato phụ trách dự án Pals nói. Các thể sống phản hồi khác nhau về vật thể quấy rối môi trường sống của nó.
Một trong những hiện tượng thú vị nhất mà một số sinh vật biển được trang bị là khả năng “phát sáng sinh học” (bioluminescence) lúc bị quấy rối. Darpa tập trung nghiên cứu khả năng này và các khả năng khác. “Phát sáng sinh học có thể nhìn thấy từ trên cao hay trên mặt đại dương cả ngày lẫn đêm nhờ thiết bị chuyên dụng” – Adornato nói.
Darpa hy vọng sẽ có được hình ảnh chi tiết hơn về chuyển động của tàu ngầm địch và thiết bị bay không người lái dựa vào phân tích luồng phát sáng của sinh vật. “Trước hết, chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa phản ứng do tự nhiên và phản ứng do gặp những gì con người làm ra hay hoạt động của con người – Vern Boyle, thuộc tập đoàn Northrop Grumman, nói – Muốn vậy, chúng ta phải cần đến các kỹ thuật phân tích tiến bộ tín hiệu và phải nắm được chính xác khác biệt giữa hai kiểu phản ứng”.
Nhiều sinh vật biển là đối tượng nghiên cứu “thành lập hệ thống cảnh báo tự nhiên”, trong đó có loài cá mú Goliath dài đến 2,5m lúc trưởng thành và nổi tiếng là tạo ra tiếng ồn rất lớn khi bị vật thể lạ tiếp cận và cũng thích tò mò tìm hiểu những cái đi vào nơi cư trú của nó. “Chúng tôi sẽ tích hợp các công nghệ giám sát và “kiểm tra không tiếp cận” vào thói quen thay đổi hành vi của cá mú Goliah – TS Laurent Chérubin thuộc Đại học Florida Atlantic nói – Tiếng ồn con cá phát ra sẽ cảnh báo mối nguy hay kẻ xâm nhập tại nơi nó hoạt động”.
TS Alison Laferriere thuộc công ty Raytheon BBN Technologies, một thành viên của dự án Pals cho biết nhiều loại cá dùng tiếng ồn để thông tin cho nhau khi đối diện với các nguy hiểm đến từ bên ngoài. “Dùng sinh vật biển làm công cụ kiểm tra vừa hiệu quả vừa đỡ tốn kém. Khi con cá thay đổi hành vi có nghĩa là có một bất thường đang hiện diện gần đó và hệ thống cảnh báo được kích hoạt. Thay đổi hành vi là chỉ dẫn quan trọng” – bà nói. Hiện dự án vẫn còn trong giai đoạn đầu thử nghiêm tại quần đảo Virgin Islands thuộc Mỹ.
Cá vược đen (Black sea bass) thường lặn xuống đáy biển khi nghe tiếng động mạnh. Chúng cũng làm tương tự khi gặp một tàu lặn hay tàu ngầm. “Chúng tôi đang tìm hiểu xem có thể tận dụng hành vi này của con vật để cảnh báo sớm – Helen Bailey, giảng sư tại Trung tâm Khoa học môi trường Đại học Maryland (Mỹ) nói – Chúng tôi có thể cấy những bộ thụ cảm biển sâu vào con cá để thu những tiếng ồn do nó phát ra lúc bị quấy rối”.
- Xem thêm: Mata Hari là nạn nhân hay gián điệp?
Bà tin là một đơn vị do thám đặc biệt gồm toàn cá vược đen có thể thay thế cho đội ngũ phát hiện tàu ngầm kẻ thù. “Số chi phí bỏ ra cho đơn vị này sẽ rất nhỏ so với hạm đội tàu chiến, máy bay, công cụ do thám chúng ta đang sử dụng trên biển” – bà nói. Loài tôm Snapping sống ở nhiều vùng biển nông trên thế giới tại vĩ độ dưới 40 với khả năng tạo ra tiếng ồn liên tục lúc bị quấy rối cũng có thể được sử dụng cho mục đích tương tự. Chúng liên tục đập chân và âm thanh phát ra được các vật chúng quanh phản hồi.
Đo thời gian và khoảng cách phản hồi sẽ biết được kích cỡ, chiều sâu và khoảng cách của vât thể lạ. “Đối với tôm, chúng tôi không dựa vào sự thay đổi hành vi mà dựa vào âm thanh do nó tạo ra” – Laferriere nói. Được hỏi những dự án tham vọng này có khả thi hay chỉ để thoả mãn sự đam mê nghiên cứu, TS Thomas Cameron, giảng viên khoa sinh học biển tại Đại học Essex, khẳng định việc ứng dụng vào thực tế là hoàn toàn có. “Thú vật nuôi, thú vật huấn luyện đều đã chứng minh như thế. Tôi tin các sinh vật biển sẽ đóng góp vào cuộc cách mạng do thám và phòng thủ trong tương lai gần” – ông nói.