Trong số các triết gia, nhà khoa học nổi bật trong lịch sử, Albert Einstein, nhà vật lý lý thuyết Đức, được nhắc đến nhiều hơn cả.
Những câu nói để đời của ông thậm chí còn nhiều hơn nhà văn Anh George Orwell, vượt xa kịch tác gia Ireland đoạt giải Nobel Văn chương 1925 George Bernard Shaw. Trên khắp thế giới, người ta nhiệt tình ca ngợi Einstein là “thiên tài trong những thiên tài”, “hình mẫu của thiên tài”. Điều gì khiến cha đẻ lý thuyết tương đối rộng có sức hút vượt không gian, thời đại?
Lời khuyên đáng giá triệu đô
Cuối năm 2017, một ghi chú nhỏ với 13 từ tiếng Đức được viết vội vàng bởi Albert Einstein đã trở thành vật phẩm đấu giá tại Jerusalem, thủ đô Israel. Nó được ông ghi vào tháng 11-1922, tại khách sạn Imperial, Tokyo (Nhật Bản) trong lúc tận hưởng kỳ du lịch thuyết giảng sau giải Nobel Vật lý 1921 và tặng cho người giao hàng đã từ chối tiền boa (văn hóa Nhật Bản rất ghét phần tiền cho thêm này, xem nó là sự thiếu tôn trọng) kèm theo lời nhắn: “Nếu như anh may mắn, ghi chú này có thể sẽ trở nên có giá trị hơn nhiều so với những lời khuyên bình thường”.
Nguyên văn tiếng Đức của ghi chép ấy là “Stilles bescheidenes Leben gibt mehr Glück als erfolgreiches Streben, verbunden mit best#ndiger Unruhe”. Nếu dịch sang tiếng Việt, nó có nghĩa: “Sống yên lặng và khiêm nhường thì hạnh phúc hơn là thành công mà lại luôn phải nhấp nhổm không yên vì nó”. Trước khi bắt đầu cuộc đấu giá, nhà bán đấu giá ước tính chỉ thu được chừng 5.000-8.000 USD (tương đương 114-182 triệu VNĐ) là cùng. Vậy mà chỉ sau 20 phút, mảnh giấy cũ nát, vàng khè ấy được đẩy lên tới tận 1,56 triệu USD (tương đương 35,5 tỷ VNĐ).
Mặc dù tặng câu nhận định về cuộc sống ấy cho nhân viên chuyển phát nhanh, Einstein không vì muốn nhắn nhủ gì với người ta mà chỉ bộc lộ nội tâm của mình. Sau chiến thắng với giải Nobel Vật lý 1921, ông được mọi người ngưỡng mộ, đón đưa đi khắp năm châu, thuyết giải tại vô số trường đại học danh giá. Trên cương vị một nhà khoa học thành công, Einstein dĩ nhiên rất vui mừng và hạnh phúc, song cũng sớm thấy sợ hãi trước sự hâm mộ không điểm dừng. Khoảng thời gian cuối đời, ông thường hay từ chối tiếp xúc với báo giới, thích một mình trong cabin cá nhân loay hoay với các phương trình toán học.
Nhà vật lý ưa dạy đời
“Đừng cố trở thành người thành công mà hãy nỗ lực để làm người có giá trị”, Einstein từng phát biểu trên tạp chí Life. Đó cũng là lời cuối cùng của ông trước công chúng. Không lâu sau, đại thụ vật lý qua đời. Hay tin buồn, từ các vị tổng thống của Mỹ, Tây Đức đến thủ tướng Israel, Pháp, Ấn Độ và các tri thức, các nhà khoa học, người làm văn chương, nghệ thuật… trên toàn cầu liên tiếp bày tỏ sự thương tiếc.
Không chỉ là nhà khoa học tầm cỡ, Einstein còn là người đàn ông vĩ đại của lịch sử nhân loại. Trong thế giới mà nơi nơi, người người đều bị cuốn vào chiến tranh thế giới, giữa đất nước cuồng tín sàng lọc nòi giống thuần chủng Đức Quốc xã, Einstein vẫn phô bày sự an nhiên và tự do. Bất chấp thái độ phân biệt chủng tộc, quốc gia nhấn chìm thời đại, làm cho cả cộng đồng nghiên cứu khoa học cũng phải chia hai thành phe thân Đức và phản Đức, ông đứng ra làm cầu nối, chứng minh “trong tri thức, không tồn tại cái gọi là biên giới”.
Dù có đem so với các nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử như Aristotle, Galileo, Newton, Charles Darwin, Stephen Hawking… Einstein vẫn là người được thế giới đương thời và hậu thế nhắc đến nhiều hơn cả. Dẫu không phải là nhà văn hay triết gia, ông để lại vô số danh ngôn thuộc nhiều lĩnh vực, đủ để được ca ngợi là “kho tàng những phát ngôn giá trị”.
Từ lĩnh vực khoa học cho tới phi khoa học như giáo dục, chính trị, tôn giáo, hôn nhân, tài chính, âm nhạc, cuộc sống… chỗ nào người ta cũng thấy dấu vết của Einstein. Những câu như: “Điều khó hiểu nhất của vũ trụ là nó có thể hiểu được”, “Hiểu biết là tất cả những gì còn sót lại sau khi đã quên mọi thứ được học ở trường”, “Sự khác biệt giữa thiên tài và sự ngu dốt là thiên tài có giới hạn của nó”, “Chúa không chơi xúc xắc”, “Đàn ông cưới phụ nữ vì hy vọng sẽ không bao giờ thay đổi. Phụ nữ cưới đàn ông vì hy vọng sẽ thay đổi. Tất cả họ đều thất vọng”… nhiều vô kể. Chúng cứ xuất hiện rồi lại tái xuất hiện trên các tạp chí hàng đầu, phổ biến rộng rãi qua mạng Internet, chiếm được lòng yêu thích bất chấp không gian, thời gian.
Không hẳn đều là của Einstein
Bởi vì các danh ngôn, trích dẫn dưới tên Einstein quá nhiều và quá rộng, một số người bắt đầu nghi ngờ liệu có phải tất cả chúng đều từ ông? Để giải quyết dứt điểm, họ không tiếc công truy gốc rễ và phát hiện khá nhiều bất ngờ.
Trước hiết, câu “Chúa không chơi xúc xắc” chính xác là của Einstein. Bằng chứng là nó nằm trong lá thư tiếng Đức mà ông gửi cho đồng nghiệp tên Max Born. Trong thư, Einstein viết: “Lý thuyết chỉ nói lắm chứ không đưa chúng ta đến các bí ẩn cũ gần hơn. Dù sao, tôi cũng tin rằng Chúa không chơi xúc xắc”.
Nhưng câu “Nếu sự thật không phù hợp với lý thuyết, hãy thay đổi sự thật” ai nấy đều biết lại chỉ có khả năng là của ông mà thôi. Tương truyền, nó nằm trong lời trao đổi giữa Einstein và một sinh viên vào năm 1919, sau khi thuyết tương đối rộng trở nên phổ biến. Sinh viên này hỏi Einstein: “Nếu sự kiện thiên văn trái ngược với lý thuyết thì sao”, và ông trả lời: “Trong trường hợp đó, tôi lấy làm tiếc cho Chúa vì lý thuyết là chính xác. Nếu sự thật không phù hợp với lý thuyết, vậy thì hãy thay đổi sự thật”.
Không có bằng chứng bằng văn bản cho lời phát ngôn này. Trái lại, có một nhận định tương tự như thế từ thế kỷ XIX. Trên thực tế, câu tuyên ngôn này cũng chỉ được cho là của Einstein từ năm 1991, trong một nguồn duy nhất là bài “Nghệ thuật của Phân tích Hiệu suất Hệ thống Máy tính” (The Art of Computer Systems Performance Analysis) của Raj Jain (Ấn Độ). Rất khó để xác nhận nó là của Einstein hay không phải của Einstein.
Thêm vào đó là cho dù Einstein có ưa lý sự thì ông vẫn chỉ là nhà vật lý, không thể nào lại giàu cách diễn đạt súc tích, ý nghĩa như giới văn chương hay triết gia. Chỉ cần nhìn vào câu trích dẫn nổi bật có liên quan đến tôn giáo của ông, “Trải nghiệm đẹp đẽ và sâu sắc nhất là cảm giác huyền bí. Đó là hạt giống của mọi khoa học” là rõ. Nếu so với văn bản ghi chép bằng tiếng Đức được chính tay Einstein viết vào năm 1932: “Trải nghiệm đẹp đẽ và sâu sắc nhất là cảm giác bí ẩn. Nó là cơ sở của tôn giáo cũng như mọi khát vọng sâu xa của nghệ thuật và khoa học”, nó vừa ngắn lại vừa gợi mở hơn. Và người đã “biên tập” nhận định ấy không ai khác ngoài Bảo tàng Tôn giáo Anh. Trong đợt triển lãm với chủ đề “Sống với Chúa” năm 2018, họ cố ý thay đổi để biến nó thành ra “chất”.
May mắn và say mê vô tận
Tương tự với các nhận định để đời khác. Chỉ cần nhìn thoáng qua một cái là thấy ngay chúng đã được chỉnh sửa như thế nào. Nhưng vấn đề ở đây không phải là sự sửa đổi mà tại sao nhân loại lại say mê, ham thích sửa đổi các ghi chép của Einstein?
Xét về tính cách, Einstein là người hài hước. Ông có rất nhiều ảnh chụp chân dung trong vẻ mặt lè lưỡi, trợn mắt, bỡn cợt như trẻ con trên các tạp chí. Ở lĩnh vực học thuật, Einstein là thiên tài hiếm có. Theo thống kê của Scientific American, ước tính có đến 2/3 bài viết độc đáo được gửi tới các nhà khoa học và tạp chí khoa học là có liên quan đến lý thuyết của ông.
Một người như thế nào thì thu hút được người khác? Nhà khoa học Arthur C. Clarke (Anh) trả lời rằng đó là người có tài, có đức, có lòng yêu hòa bình hoặc là người lập dị. Điều thú vị là Einstein không chỉ có 1 trong 4 yếu tố đó mà “ôm trọn” toàn bộ. Trong ông là sự kết hợp độc đáo của cả thiên tài, lòng nhân ái, tính hòa bình lẫn lối sống khác người. Nếu nhìn vào cuộc đời của Einstein, bạn sẽ thấy ly kỳ không thua gì phim truyền hình dài tập. Sinh ra và lớn lên trong nhận dạng một người Do Thái giữa chế độ Đức Quốc xã thù địch, quyết dọn sạch “dòng máu Do Thái bẩn thỉu” ra khỏi huyết thống dân tộc, nhưng Einstein lại đủ tài giỏi đến mức buộc Đệ tam Đế chế phải trừ mình ra. Mới 36 tuổi, ông đã hoàn thành lý thuyết tương đối. Cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ Arthur Stanley Eddington, nhà khoa học Anh đã dành cả đời để chứng thực và phổ biến hiểu biết của Einstein vào cộng đồng khoa học “phản Đức”, Einstein nổi tiếng toàn cầu.
Kỳ thực thì trước khi được Eddington “nâng đỡ”, danh tiếng nhà vật lý thiên tài của Einstein chỉ quanh quẩn bên trong biên giới Đức. Thời gian ông khai sinh thuyết tương đối trùng với Thế chiến thứ nhất (1914-1918), trong lúc Liên minh Đức – Áo – Hung – Ý đối đầu 3 Đồng minh Pháp – Nga – Anh. Trong khi đó, Anh mới là trung tâm của nghiên cứu học thuật. Mọi phát minh, lý thuyết đều đổ về đây để được xác tín và phổ biến rộng khắp. Là một nhà nghiên cứu quốc tịch Đức, Einstein dĩ nhiên không thể bén mảng đến “cổng” Anh. Nhưng lý thuyết của ông thì lại được một bằng hữu tâm giao người Hà Lan ngưỡng mộ, đem dịch và gửi cho Eddington, nhân vật “rường cột” đang đóng vai trò là giáo sư thiên văn của Cambridge và thành viên Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh.
Không như đa phần các nhà khoa học của 3 nước Đồng minh đều ghét cay ghét đắng Đức, Eddington chủ trương “tri thức thì không phân biệt quốc gia, chủng tộc”. Vừa nhận được tài liệu mới từ Hà Lan, ông liền mở đọc và lập tức bị mê hoặc. Lý thuyết tương đối của Einstein nói rằng, khi các tia sáng truyền qua một vật thể to lớn như mặt trời, nó sẽ bị trọng lực của vật thể này bẻ cong. Điều đó khiến cho một ngôi sao nằm ở xa nhìn sẽ giống như bị dịch chuyển một chút so với vị trí vốn có và độ lệch ấy rơi vào khoảng 1,7 giây góc.
Dù phải mất đến cả 2 năm và nhiều công sức, Eddington vẫn thành công trong chuyến đi đến Tây Phi chụp ảnh nhật thực, mang về đo đạc, đối chiếu và công bố kết quả trước đại sảnh Hiệp hội Hoàng gia. Giây phút ông khẳng định lý thuyết của Einstein là đúng, sự hiểu biết về không, thời gian cũng sang trang. Cùng với nó, tiếng tăm của Einstein nổi toàn cầu. Kể từ lúc này, mỗi bước ông đi đều có phóng viên, người hâm mộ đeo bám.
Về đời tư của Einstein thì chuyện vui, buồn không sao kể hết. Ông kết hôn và ly dị 2 lần. Với bản chất ưa giao du, Einstein có bạn ở khắp nơi. Sau khi thoát ly khỏi Đức, ông lại càng quan hệ rộng. Trong lĩnh vực nghiên cứu, Einstein đặc biệt hào phóng, dù là bằng hữu hay đối thủ cũng giúp đỡ không từ. Tất nhiên giữa ông và các chuyên gia học thuật khác cũng đôi lúc nảy sinh mâu thuẫn, song chỉ là tranh luận chứ không bao giờ dẫn đến xô xát hay cay cú, hận thù. Mặc dù “chiến đấu” triền miên với nhà nghiên cứu Niels Bohr (Đan Mạch) về thuyết lượng tử, ông chưa bao giờ ghét Bohr. Trên tất cả là bất chấp sự đời lắm trái ngang, Einstein chưa bao giờ đánh mất niềm lạc quan. Hình ảnh ông cười vô tư như trẻ con là minh chứng rõ ràng nhất.
Suốt cuộc đời, Einstein nỗ lực phản đối chiến tranh, phân biệt chủng tộc, vận động xóa bỏ vũ khí hạt nhân… Ông cũng đam mê âm nhạc và thuyền buồm thay vì chỉ cắm đầu vào nghiên cứu vật lý. Tại bất cứ nơi nào dừng chân, Einstein đều thể hiện thái độ chống áp bức, bất công. Trong khi đa phần các nhà khoa học khác chỉ được biết đến thông qua sự nghiệp nghiên cứu, Einstein dường như có mặt khắp chốn, nằm trong đủ các kiểu loại giai thoại, chuyện khôi hài, thậm chí cả trong phim hoạt hình. Và dẫu không phải nhà văn, ông ưa ghi chép tỉ mỉ đủ thứ, từ cảm nhận cho đến đánh giá. Trong khi đại thụ vật lý thế giới trước Einstein là Newton (Anh) vừa nghiêm khắc, lại vừa “đáng sợ, nóng giận thất thường”, Einstein lúc nào cũng cười toe toét như thể chỉ hít thở thôi cũng đã là một niềm vui.
“Tôi thích trích dẫn Einstein. Tại sao ấy à? Vì chẳng ai dám nói ngược lại cả”, Alan Lightman (Mỹ) thừa nhận. Ngoại trừ Lightman còn danh sách dài các tên tuổi lừng lẫy từ lĩnh vực khoa học tới văn chương, nghệ thuật bị Einstein hớp hồn. “Để trừng phạt tôi vì tội khinh rẻ quyền lực”, Einstein viết trong một bức thư gửi bằng hữu vào năm 1930: “Định mệnh đã biến tôi thành một kẻ có quyền lực”. Với “quyền lực” từ một người vừa có tài, có đức lại giàu lòng nhân ái, ghét chiến tranh, mến yêu cuộc đời, Einstein cuốn hút vượt thời đại là chuyện không thể tránh. Nhân loại sẽ vẫn và lại nhắc đến ông như biểu tượng hòa bình, nhân văn và tài trí vô hạn.