Khẩu vị ăn uống của người Việt Nam rất khác người phương Tây. Có những vị được người phương Tây ưa thích thì người Việt lại cảm thấy khó ăn và ngược lại. Người phương Tây thích thức ăn béo có mùi bơ như các loại xốt làm từ kem cùng với thịt và rau. Chúng tôi uống sữa, ăn pho-mát và kem từ nhỏ nên rất ưa thích vị béo của các thực phẩm từ sữa (có thể vì vậy mà hầu hết người phương Tây thừa ký). Trong khi đó, người Việt chỉ mới làm quen với việc sử dụng sữa gần đây nên với họ, các món sốt từ kem và sữa ăn rất ngán. Họ thích những loại sốt và nước chấm có vị mặn, chua, cay tạo cảm giác mạnh ở lưỡi và giữ lại lâu trong miệng.
Người phương Tây không thấy hứng thú với những món ăn tạo cảm giác trơn tuột và dễ trôi vào miệng. Ví dụ, chúng tôi không thích ăn sứa trong khi người Việt lại thấy đây là một món dễ ăn. Phần lớn người phương Tây không ăn trai hay hàu sống những món như hải sâm, cầu gai,… cũng tương tự. Chỉ những ai thích cảm giác mạo hiểm mới ăn thử. Một ví dụ khác, người Việt hay ăn những món như lòng và sụn, còn người nước ngoài thì không. Với thịt gà, người Việt thích da gà luộc có bề mặt trơn còn người nước ngoài thích da gà giòn. Chúng tôi thường chiên hoặc cho thịt gà vào lò nướng. Sẽ không ai ăn gà rán Kentucky nếu da gà được luộc chín.
Người Việt thích ăn một số thứ dai, cứng và khó nhai, ví dụ họ thấy ăn đầu cá hoặc một số loại xương khá ngon. Với người phương Tây, đây quả là vấn đề. Khi ăn thịt gà, người Việt Nam thích để cả xương nhưng người phương Tây phải lấy hết xương ra chỉ ăn thịt. Ở Việt Nam, mọi bộ phận của gà đều có thể ăn được, ngay cả chân gà và đầu gà. Ở phương Tây, phần đắt nhất là ức gà không xương! Trứng vịt lộn, thịt vịt, chim cút được ưa thích ở Việt Nam cũng là những món người phương Tây e dè. Nếu người Việt Nam thích nhai xương hay đầu cá thì người phương Tây chỉ thích ăn phần thịt mà thôi.
Một điểm khác biệt nữa là sở thích với những món cần nhai lâu, ví dụ như khô mực hoặc thịt bò của Việt Nam. Những món này quá dai với người phương Tây mà họ thì lại không thấy hào hứng gì khi phải nhai quá nhiều. Tôi nghĩ người nước ngoài muốn có đầy đủ dưỡng chất nhưng không thích miệng và lưỡi làm việc nhiều lúc ăn. Trái lại, người Việt thích lai rai thưởng thức khi ăn và nếm thật nhiều vị. Người phương Tây không dành nhiều thời gian để ăn trưa, thường chỉ có một tiếng hoặc ít hơn. Chúng tôi thích ăn rồi đi ngay, do vậy thức ăn nhanh phát triển và trở nên phổ biến. Những món ăn ít protein, gây mất thời gian (kiểu như những hạt dưa, hạt bí bé tẹo mà người Việt Nam thích cắn tại các đám tang hay đám cưới) có lẽ sẽ không bao giờ phổ biến ở nước ngoài.
Với cả người phương Tây lẫn người Việt Nam, ăn không phải chỉ để no mà còn để cảm nhận vị ngon trong miệng. Tuy nhiên, có lẽ do sự khác biệt về văn hóa và lịch sử mà chúng ta có những điểm khác biệt gần như trái ngược về thói quen ăn uống cũng như sự cảm nhận thế nào là ngon.
Renate Haeusler – Lê Tâm dịch