Có bản lĩnh thực sự mới có quyền phát ngôn và những gì đã nói ra, người nghe không thích cũng phải gắng gượng mỉm cười. Phải có bản lĩnh thực sự mới không bị khom lưng uốn gối trước người khác, chứ không phải vì giọng nói của vùng miền.
Từ xa xưa, ông cha ta rất kỵ chuyện pha tiếng của vùng miền, nên mới có thành ngữ “Chửi xa không bằng pha tiếng”, và bản thân tôi cũng không tránh khỏi. Cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều người trẻ ở quê tôi đã có ý thức bước ra khỏi lũy tre làng. Cái tên Sài Gòn, Đà Nẵng, tôi nghe được từ ngày ấy. Sau một thời gian, họ trở về làng. Giàu có như thế nào không ai biết, nhưng điều dễ thấy nhất là áo quần của họ đẹp hơn. Nhiều phụ nữ đã bỏ mái tóc dài, thay vào đó là tóc phi dê (frisés) ngắn và được uốn quăn. Ngày đó, không biết ai dạy, tụi nhỏ chúng tôi thường nghêu ngao hát: “Cúp đầu phồng chồng chê, cúp phi dê chê chồng”… Trong những người sau thời gian xa quê trở về ấy, không ít người đã pha tiếng ít nhiều, chẳng hạn như nói “đi dề”, “đi dô” như bao đời qua, thì họ nói “đi về”, “đi vô”, liền gặp phải người làng cười mỉa: “Bữa ni, hắn nói tiếng vó (gió) nghe vùn vụt”. Phụ âm “v” được người làng nhại nghe rất khó chịu. Bây giờ, tôi vẫn còn nghe.
Dân xứ Quảng quá khó chịu
Khi vào Sài Gòn tiếp tục theo đuổi việc học, thì những âm sắc đặc trưng quê nhà của tôi đã có phần nhẹ bớt, nhưng ai nghe qua cũng biết đó là giọng Quảng Nam.
Một lần, nhà thơ Cao Vũ Huy Miên nói với tôi rằng dân xứ Quảng quá khó chịu. Anh kể một lần theo đoàn cứu trợ của Báo Sài Gòn Giải phóng về quê, sẵn dịp ghé thăm người bác. Trong buổi trò chuyện đều vui vẻ, nhưng khi chào tạm biệt, mới bước ra sân, thì người bác gọi giật ngược, tay bồng con chó con đưa cho anh. Anh vội từ chối, cho biết trong nhà không ai thích nuôi chó và không có thời gian để chăm chó. Người bác năn nỉ anh nuôi giúp khi nào nó biết sủa tiếng Sài Gòn, thì mang về cho ông để ngày ngày nghe nó sủa đỡ nhớ con cháu. Nghe vậy, anh không biết lúc đó miệng mình cười hay mếu. Anh nói chắc như bắp rằng phải gặp tôi và Nguyễn Thành Sang (Chủ Doanh nghiệp Dệt Phước Thịnh) thường xuyên để “học lại tiếng Quảng”.
Một lần uống cà phê, anh em khen anh Nguyễn Hồng Ngọc (lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM) là người phiên dịch xuất sắc. Hỏi ra mới biết ngành kiểm tra vừa có hội nghị tổng kết. Thủ trưởng của ngành là người Quảng Nam, nói tiếng Quảng đặc sệt, nên vỗ tay thì vỗ tay, song không mấy ai hiểu tường tận một số từ trong lời chỉ đạo của thủ trưởng. Anh Nguyễn Hồng Ngọc phải phiên dịch từ tiếng Quảng Nam ra tiếng Việt phổ thông, anh em mới hiểu. Chẳng hạn, thủ trưởng nói: “Công tác kiểm tra, giám sát ngó rứa chớ méc lắm, bởi hén giữ vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng”. Anh Ngọc phiên dịch: “Sếp nói công tác kiểm tra, giám sát của bọn mình ngó dzậy chứ không đơn giản, nó khó lắm, bởi vì công tác kiểm tra, giám sát giữ vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng”.
Tiếng Quảng Nôm rẹt
Sau ngày giải phóng, tôi gặp nhà thơ Võ Quảng ở Văn phòng Thường trực các tỉnh phía Nam Tuần báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nói giọng Quảng Nam đặc sệt. Hỏi ra mới biết ông cùng huyện với tôi, từng học tú tài ở Quốc học Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến thành phố Đà Nẵng, rồi làm Hội thẩm chính trị (tức là Phó Chánh án) Tòa án Quân sự miền Nam Việt Nam.
Tập kết ra Bắc, ông được điều về công tác ở chức vụ Ủy viên Ban Nhi đồng Trung ương, phụ trách văn học cho thiếu nhi. Ông là một trong những người tham gia sáng lập và từng giữ chức Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, Một thời gian sau đó, ông được cử làm Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam. Sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu tập trung về đề tài thiếu nhi và khá nổi tiếng, được nhiều người quý trọng. Trò chuyện một lúc, ông cười cười nói: “Tiếng Quảng của anh bị lai”. Một thời gian sau, tôi gặp nhà thơ Thu Bồn, anh là người Quảng Nam, nổi tiếng với trường ca Bài ca chim Chơ Rao, được Hoài Anh đánh giá “không những là tác phẩm từ miền Nam gửi ra khá sớm, mà còn là bản trường ca đầu tiên của văn học giải phóng”. Anh cũng nói giọng Quảng Nam đặc sệt, nhưng ai cũng quý trọng anh, chẳng ai chê giọng Quảng Nam của anh cả.
Qua 2 nhân vật này, tôi thấy mình “pha tiếng” là không nên. Nhìn nhà thơ Võ Quảng và nhà thơ Thu Bồn tiếp xúc với người khác, và những người tôi đã gặp đã biết trong suốt chặng đường qua, tôi ngộ ra rằng có bản lĩnh thực sự mới có quyền phát ngôn và những gì đã nói ra, người nghe không thích cũng phải gắng gượng mỉm cười. Phải có bản lĩnh thực sự mới không bị khom lưng uốn gối trước người khác, chứ không phải vì giọng nói của vùng miền.
Hồi còn làm báo, chừng vài tháng, anh Vũ Đức Sao Biển ghé cơ quan tôi, hoặc tôi ghé cơ quan anh, vì anh nói anh em gặp nhau ngoài cái tình chữ nghĩa, còn muốn rèn tiếng Quảng Nôm rẹt (rặt). Anh hay khen nhà thơ Bùi Giáng. Theo anh, Bùi Giáng dùng phương ngữ Quảng Nam tự nhiên như hơi thở, nhưng lại rất đắc, còn chúng tôi nặng phần lý tính quá nên không thể dùng chữ được như ông. Anh dẫn chứng: “Dụm dành dở ẹc rã rời/ Dồn trăm năm lệ điệu cười vu vơ”, hay “Dở òm, dở ẹc, dở om/ Dở bùng ra dở sớm hôm sụt sùi”… và anh “giả Bùi Giáng”, đọc cho tôi nghe: “Ông tên Soáu Gioáng phải không?/ Quoảng Noam – Đòa Noẽng chánh tông tộc Buồi?/ Nói xong bèn phá ra cười/ Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo”. Tôi nói đây là Đồ Bì (bút danh của Vũ Đức Sao Biển), nhưng Đồ Bì kém, tiếng Quảng Nôm rẹt không như rứa. Và chúng tôi cười ha hả, dường như quên hết muộn phiền.
Lỡ quên tiếng Quảng quê mình
Chuyện kể rằng hồi năm 1964, vùng B Đại Lộc quê tôi là vùng giải phóng. Anh em bộ đội miền Bắc đã lai rai có mặt huấn luyện quân sự cơ bản cho du kích địa phương. Một tối, thực tập phục kích, kiểm tra mật khẩu. Hễ gặp, thì một bên hô “Bạch Đằng”, bên kia phải trả lời “Trường Sơn”. Nếu trả lời mật khẩu không trúng, phải lập tức nổ súng vì chắc chắn đó là địch.
Thấy bóng người thấp thoáng, bên du kích liền hô “Bạch Đèn”, bên kia liền nhá đèn pin, bởi tưởng anh em du kích bảo “bật đèn”. Bên du kích la quá trời, cho rằng bên bộ đội chính quy mới đó mà đã quên mật khẩu. May mà buổi thực tập, chứ không thì anh em bắn nhau như chơi. Anh em bộ đội huấn luyện chỉ biết cười trừ và đổi mật khẩu. Khi nói mật khẩu mới, thì anh em bộ đội buộc anh em du kích hô lại mấy lần xem thử có “dính” tiếng Quảng hay không.
Cũng là chuyện kể có chàng thanh niên cưới vợ Việt kiều và được bảo lãnh sang Mỹ định cư. Sau mấy năm, chàng trai về thăm quê. Mới bước vào ngõ, con chó trong nhà chạy ra sủa vang, nhe răng trắng nhỡn như muốn cắn xe người khách lạ. Chàng trai hoảng hốt vội la lên theo quán tính: “Heo! Heo mi!” (Help! Help me!). Nghe chó sủa, chủ nhà ra trấn an con chó và nhìn ra đứa cháu của mình, vui mừng nói: “Cháu mới về hả? Vô nhà đi! Mập mạnh rứa là mừng. Mới xa quê vài ba năm mà thấy con chó kêu con heo, chú chẳng biết nói răng cho phải”. Nghe lời than của người chú, chàng trai đỏ mặt ngượng ngùng cũng chưa biết nói răng cho phải.
Một câu chuyện vui khác. Bây giờ, nhiều người ở quê tôi đi xa xứ làm ăn được lắm. Nhiều người sắm xe hơi tự lái đi làm, đưa con đi học. Ai nghe cũng mừng. Có anh về quê, xuống phi trường Đà Nẵng, vào nhà bạn mượn chiếc xe hơi lái về quê thăm bà con. Đây là chuyện quá đơn giản của những ngày hôm nay.
Cả chục năm qua, đường nông thôn ở quê tôi được bê tông hóa, rộng rãi lắm. Xe hơi chạy thẳng vô tận sân nhà, không nệ trời mưa hay nắng. Lũy tre làng cũng không còn. Nhà nào cũng bỏ bờ tre, bờ keo, bờ dâm bụt,… thay vào đó là những tường rào bê tông phía dưới, phía trên là lưới B 40, hoặc dây kẽm gai, dọc bờ rào trồng vài ba cây cau cho thấy còn chút thôn quê, chứ chẳng bán chác gì được, bởi người ăn trầu đã hiếm dần. Do đó, từ xa nhìn vào thấy nhà nào cũng thông thoáng, đẹp hẳn lên.
Sau khi thăm bà con, anh ta lùi xe ra đường, trở lại Đà Nẵng với bạn bè. Chủ nhà đứng phía đuôi xe hướng dẫn xe lui, bỗng hô to: “Bờ rồ, bờ rồ”, và… đuôi xe va vào tường rào. Người chủ nhà than vãn: “Anh nói bờ rồ mà chú mi cứ lui là răng?”. Ngẫm một chút, người em chỉ biết cười. Sống ở thành phố lâu năm, anh cũng như nhiều người thường dùng từ “Pro” (Professional) để chỉ sự chuyên nghiệp, tốt đẹp, hoàn hảo, nên nghe người anh hô to “bờ rồ, bờ rồ” là anh yên tâm lùi xe. Cái sai lầm của anh là… quên tiếng Quảng quê mình. Người anh của anh không phải nói tiếng Anh mà nói tiếng Quảng. Bờ rào, tiếng Quảng nói là “bờ rồ”. Đơn giản thế thôi!
Mấy năm nay, nhiều người ở các tỉnh vào TP.HCM sinh sống bằng nghề buôn bán dạo. Với chiếc xe (xe đạp, xe gắn máy, xe 3 bánh,…), họ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, mua ve chai, bán trái cây, bán rau củ quả, mua đồ cũ, bán bánh mì,… Cháu nội của tôi tới nhà chơi, nghe tiếng rao “tủa béc, tủa béc đê…”. Nó hỏi ông ấy nói gì? Ông bà nội lắc đầu, trả lời là không biết. Lần sau, lại nghe rao như thế và nó cũng hỏi như thế, buộc lòng tôi phải gọi người rao hàng dừng lại. Hỏi ra đúng người Quảng Nam. Anh bán tỏi bắc. Nói chút chuyện quê nhà rồi mua nửa ký và trả lời cho cháu nội là người ta rao bán tỏi được trồng ở miền Bắc. Rứa là tôi cũng quên tiếng Quảng quê mình.
Chị Võ Thị Mai Nhung, hồi còn làm Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay ở Hà Nội, biết tôi ra công tác, chị mời về nhà dùng bữa cơm gia đình. Đến nhà, chị giới thiệu người cháu. Chị cho biết người cháu nói giọng Quảng rặt ròng, nên ngày ngày nghe cháu nói chuyện cũng bớt nhớ quê.
Tình quê là như thế! Và tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, về sau được xếp vào ca dao: “Anh đi, anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”. Vâng nhớ lắm!