Mức độ gắn kết và trung thành với gia đình ở Việt Nam có vẻ như cao hơn ở bất cứ quốc gia nào tôi từng biết. Quy mô gia đình lớn hơn với nhiều thế hệ cùng chung sống, vì vậy nên sự vâng lời trong gia đình cũng được đề cao. Trong khi với người phương Tây, một số người thân được xem là họ hàng xa thì ở Việt Nam, họ vẫn được tính là thành viên trong gia đình và sống cùng một mái nhà. Điều này cũng đem đến nhiều trách nhiệm hơn cho từng cá nhân.
Sự gắn kết với gia đình được thể hiện qua những lần nhà có cưới hỏi hoặc ma chay.Thành viên gia đình và họ hàng hiếm khi vắng mặt ở các đám này.Việc không có mặt thể hiện sự bất lịch sự, thậm chí là có ý coi thường gia chủ. Vì vậy, dù có phải xin nghỉ phép, gác lại một bên công việc đang bề bộn, di chuyển xa và chịu tốn kém chuyện quà cáp thì họ vẫn thực hiện để thắt chặt hơn mối quan hệ với gia đình.
Sự trung thành với gia đình cũng thể hiện qua việc tìm kiếm công ăn việc làm cho họ hàng.Nếu một thành viên trong gia đình kinh doanh thành công, mọi người sẽ kỳ vọng họ không chỉ đem đến công việc cho người thân mà còn giúp đỡ và hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình. Người trong nhà liệu có làm việc tốt hay không, có ý chí cầu tiến không không quan trọng, họ vẫn được đảm bảo sẽ có việc làm suốt đời. Điều này chưa chắc đã tốt cho hoạt động của công ty nhưng lại thể hiện được sự trung thành với gia đình vốn đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt Nam.
Không chỉ lo lắng cho những người còn sống, người Việt Nam còn có trách nhiệm với những thành viên đã khuất của gia đình. Việc thờ cúng tổ tiên là một truyền thống trong văn hóa Việt Nam.Hầu hết các gia đình đều có bàn thờ trong nhà.Điều này rất hiếm gặp ở các quốc gia phương Tây.Với họ, người đã khuất thường không được thờ trong nhà và không hiện diện trong cuộc sống thường ngày.Vì vậy mà họ cũng không mất nhiều công sức và thời gian cho những việc cúng giỗ.
Một biểu hiện khác của việc trung thành với gia đình là quan niệm trong việc lập gia đình và có con. Ở các nước phương Tây, việc có con là một sự lựa chọn. Lập gia đình không nhất thiết phải để sinh con cái và tiếp tục duy trì nòi giống.Sự gắn kết và hạnh phúc của hai vợ chồng là điều quan trọng nhất. Nhiều người chọn sống với nhau, không cưới xin và cũng không con cái. Họ không quan tâm lắm đến trách nhiệm phát triển gia đình mình.Trong khi đó, ở Việt Nam, việc tiếp tục duy trì các thế hệ sau gần như là bắt buộc. Vì vậy mà người ta cũng luôn đề cao việc phải có một đứa con trai.
Vào thời điểm này trong năm, mọi người Việt đều nghĩ về gia đình. Dù cho xe cộ khó khăn và giá cả tăng vù vù, ai cũng muốn về quê trong dịp tết để được đoàn tụ với gia đình. Sự trung thành với gia đình có thể gây ảnh hưởng, hoặc thậm chí gây phiền hà đến từng cá nhân, nhưng với người Việt Nam, gia đình vẫn là trên hết. Đây là giá trị mà nhiều nước phương Tây không còn duy trì được.Chúc mừng các bạn vẫn gìn giữ được một phần quan trọng của văn hóa truyền thống. Mong tất cả mọi người đều được hưởng một cái tết ấm áp bên người thân.
Renate Haeusler
Lê Tâm dịch