Mùa này ở quê có lẽ trời đã sang hè. Nắng như rải mật xuống cánh đồng đẫm hương lúa chín, nhuộm vàng ngọn gió nồm hây hẩy bờ đê. Ve sữa bắt đầu hành trình lột xác thành ve sầu, sau những tháng ngày ủ mình dưới lòng đất mẹ, nay đã cất lên tiếng râm ran tấu khúc đồng ca điền dã.
Chim chào mào lửa véo von trên nhành cây trứng cá, chim dồng dộc làm tổ lủng lẳng dưới nhánh tre già. Quê tôi một bên là đồng ruộng, một bên là dốc đồi thoai thoải, dương liễu rợp bóng xanh rì. Nhận ra trời chớm hè mà lòng tôi rạo rực, xôn xao vì nhớ, vì thương một thời chân phèn dẫm nắng, đầu trần đội mưa. Hè về rồi, sao mà tôi không nhớ được những trái dủ dẻ ngọt lịm, hạt to chiếm hết phần quả, những quả ổi rừng chan chát, đượm vị cỏ cây. Sao mà tôi không thương con dốc tuổi thơ rụng đầy quả dương liễu khô, giờ đã ở lại trong miền hoài niệm…
Ngày ấy, thời chúng tôi còn là những cô cậu nhỏ vô ưu vô lo, có lẽ mùa này là mùa chúng tôi chờ đợi nhất. Chớm hè, quả dại bắt đầu chín vàng theo màu nắng, từng chùm lúc lỉu gọi mời những cặp mắt trẻ thơ trong veo. Chúng tôi sẽ được len lỏi dưới vô vàn bụi cây sum suê quả dại, mà thỏa thuê tận hưởng mùi vị núi rừng vẹn nguyên, chất phác. Kì nghỉ hè cũng vừa đến, bọn trẻ quê cùng dắt tay nhau đi qua một mùa hè cổ tích, giòn tan những tràng cười xanh nguyên. Nhớ nhất phải là những chùm dủ dẻ vàng ươm, tròn đầy. Ở ngọn đồi quê tôi, có lẽ dủ dẻ mọc nhiều nhất trong những loại quả dại chân phương. Nhưng muốn hái được dủ dẻ vừa to vừa ngọt, phải đi sâu vào rừng, men theo con đường nhỏ dài hun hút, mà chúng tôi từng đoán rằng, nó sẽ dẫn đến một xóm làng nào đó phía bên kia rừng.
Hoa dủ dẻ cũng có màu vàng, xếp thành hai lớp, ba cánh bung phía ngoài, ba cánh còn lại chúm chím bên trong. Hương dủ dẻ nồng đượm, ngất ngây, bọn con gái thường hái hoa khẽ cài lên tóc làm duyên, rồi giấu vào túi áo để đêm về đặt hoa lên đầu giường, cho hương thơm ướp vào giấc ngủ. Trái dủ dẻ căng trĩu, vàng đượm, từng quả to bằng ngón tay cái người lớn, níu cành lá cong xuống, phủ lòa xòa chỉ ngang đầu, ngang ngực chúng tôi. Tìm được bụi dủ dẻ nào lớn, tán cao tỏa bóng mát, chúng tôi thường tụ lại, đứa ngồi quanh gốc, đứa ngồi trên chạc cây, vừa ăn dủ dẻ vừa chuyện trò xôn xao, vang một góc rừng. Nghĩ lại mà thật thương quá những mái đầu tóc khét loe hoe vạt nắng, gấu quần, vạt áo lem lấm nhựa cây.
Ăn ngán dủ dẻ chúng tôi lại kéo nhau đi tìm nhãn núi, sim, mua, ổi rừng. Nhãn núi mọc gần những bụi gai ra trái chín đỏ rực, muốn hái được nhiều nhãn núi, chúng tôi phải khéo léo tránh những chiếc gai đâm. Chúng có vị lạ lắm, vừa chan chát vừa ngòn ngọt, bề ngoài giống quả trâm nhưng nhỏ và chát hơn. Ấy vậy mà không hiểu sao bọn tôi vẫn mê mẩn vị chát của nhãn núi, có lẽ vì vẻ mộc mạc, gần gụi của chúng. Nhãn núi khi chín cũng có màu tím như quả sim nhưng không ngọt dịu, đằm thắm mà chất phác, mạnh mẽ. Hồi đó, chúng tôi thường ví nhãn núi như những cô sơn nữ, điểm tô cho núi rừng một vẻ đẹp khiêm nhường mà tiềm ẩn nét quyến rũ nguyên sơ. Có hôm tôi mang theo cuốn tập chép nhạc, sau một hồi quanh quẩn dưới những tán cây rừng, chúng tôi sẽ ngồi lại nghêu ngao hát, rồi chia nhau từng chùm nhãn núi, trái ổi rừng hái được. Ăn nhiều nhãn núi nên khi cả bọn thè lưỡi ra, đứa nào cũng ôm bụng cười vì những cái lưỡi tím rịm, còn đôi má thì ửng hồng, li ti mồ hôi vì nắng…
Sẽ không thể kể hết bao kỉ niệm của những mùa hè, mà chúng tôi đã dành cho nhau niềm hạnh phúc trong trẻo nhất. Chỉ là đôi lúc, thấy lòng mình nhớ đến quay quắt khung trời xưa cũ nay đã không còn. Đó là những buổi trưa vào rừng, tinh nghịch chọc phá tổ ong vò vẽ, để rồi cả bọn cùng nhau chạy tán loạn, có đứa về nhà phát hiện bị sưng trán vì ong chích. Đó là những chiều chúng tôi ngồi ở đỉnh đồi, chân đong đưa theo gió, mắt nhìn xuống cánh đồng lúa vàng xuộm, rồi nhìn lên trời mây bay lãng đãng, mà mơ mộng bao chuyện thần tiên. Đó là những lần tôi ham chơi quên cả giờ cơm, mẹ tìm tôi về nhưng không thấy, chiếc roi mây của mẹ như là nỗi sợ ngây ngô của tuổi thơ, mà tôi làm sao quên được. Và đó là một phần kí ức biếc xanh với những mùa quả dại dân dã, nuôi dưỡng tâm hồn tôi bằng bao niềm vui, nỗi buồn lấp lánh…
Một mùa hè nữa lại về rồi, tìm đâu ra trái dủ dẻ ngọt lịm, chùm nhãn núi chan chát giữa phố thị đua chen?
***
Bao năm rồi, tôi vẫn không quên được mùi vị ấy, mùi của khói củi rừng, lá cây khô, vị của lúa gạo đồng quê, nắng mưa chất phác, quyện hòa trong miếng cơm cháy vàng giòn của tuổi thơ thôn dã.
Giữa nhịp sống đủ đầy tiện nghi, đôi lúc lòng quay quắt thèm hương vị chân phương của những năm tháng bếp than đỏ lửa, khói lơ đãng bay là đà mái rạ, có lẽ giờ chỉ còn trong tâm thức của những người hay hoài niệm. Nhớ một thời cơm cháy, tôi lại bồi hồi nhớ về cái chum gạo cũ được cha kê phía dưới bốn hòn đá nhỏ; nhớ bóng mẹ lọ mọ hắt trên vách nhà đất sét trộn với rơm khô, lem nhem bồ hóng, lủng lẳng gióng tre. Miếng cơm cháy thảo thơm nào chỉ đơn thuần là những hạt cơm đáy nồi quá lửa, mà đâu đấy nó chứa đựng cả những buồn vui trong veo thời tôi còn non nớt, lưu giữ ký ức ngôi nhà cũ bàng bạc màu thời gian…
Đó là những năm tháng người quê tôi còn nhọc nhằn vào rừng cây sau làng gom lá khô, củi mục về chất vô góc bếp, nhóm lửa thổi cơm. Căn bếp xưa lỉnh kỉnh nồi niêu, rổ rá, thúng mủng, ở giữa mẹ đặt chiếc lò đất nung cũ kỹ, lem lấm mùn tro và bụi đất. Chiếc lò bao năm vẫn lặng thầm trên kệ, xung quanh vương vãi lá khô, vỏ củi, bên cạnh là hai chiếc que sắt mẹ để khều than, mà lúc nhỏ tôi hay dùng nó vắt ngang qua lò nướng khoai, nướng bắp. Ngồi trên cái ghế cũ, mẹ tảo tần nhóm lửa, chụm củi, rồi nhẹ nhàng bắc lên lò chiếc nồi gang kín nắp đựng gạo đã vo sạch. Tiếng củi bén lửa xì xèo, lẫn trong tiếng vỏ cây nổ lách tách, tiếng nước chảy trong veo từ cái chum lọc nước, đàn gà lích chích ngoài vườn chuối hiên sau. Mẹ vừa lom khom nhặt rau, thái củ, vừa giữ cho lửa cháy đều, chờ cơm sôi thơm hương gạo mới.
Khi nắp đậy bắt đầu nhảy lách tách và hơi trắng phả ra khỏi mép miệng nồi, bên trong cơm đã sôi ùng ục, mẹ giở nắp ra khuấy đều rồi chờ cơm cạn nước. Trong lúc chờ, mẹ gạt bớt lửa, chỉ còn để củi cháy liu riu, sau đó đậy nắp lại đợi cơm chín. Những buổi đi học về sớm, tôi hay xuống bếp ngồi trên tấm phản gỗ, chờ mẹ múc cho chén nước cơm nóng hổi, rắc vào đó chút đường cát ngọt lành. Chén nước cơm thảo thơm mùi gạo, mùi khói, tôi vừa thổi vừa húp xì xụp, bóng mẹ và bóng tôi hắt lên bức vách lặng thầm. Biết ý con thích ăn cơm cháy, mẹ dùng que sắt gắp vài cục than nóng đỏ đặt lên nắp nồi, hạt cơm cháy sẽ vàng giòn, mà cơm không bị khê. Sợi khói mảnh mai luồn vào làn tóc khét nắng, quấn quyện dư vị của bình yên, của tình yêu thương tan vào đầu lưỡi, khắc khoải lòng tôi đến tận khi lớn lên, xa quê, xa mẹ.
Khi mâm cơm được dọn ra tấm phản gỗ, trong lò còn lửa mẹ đun thêm ấm nước, bao giờ tôi cũng háo hức đợi khi nồi cơm gần hết, sẽ được ăn cơm cháy mẹ vét ở đáy nồi. Cơm cháy chấm cùng mắm ruốc, hết mắm ruốc mẹ sẽ làm muối đậu, ăn vào những ngày mưa. Tôi nhớ món muối đậu của mẹ, món ăn chỉ đơn thuần là muối trộn với ít đường, rắc thêm đậu phụng rang đã bóc vỏ và giã thành hạt nhỏ, giòn rụm, mà vương vấn cả tuổi thơ. Cơm cháy khi còn nóng thì cứng, giòn, vàng đượm, để lâu một chút, miếng cơm sẽ vừa dẻo vừa dai, nên tôi chỉ thích ăn lúc nóng. Nhớ những ngày thơ ấu ham chơi, đến giờ cơm, mẹ sai chị tôi ra bãi đất trống ngoài đồng gọi tôi về, bao giờ chị cũng dọa: “Về ăn nhanh chứ hết phần cơm cháy!”. Và lần nào nghe xong câu nói đó, dù đang giữa cuộc chơi cùng chúng bạn, tôi đều chạy ù về. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi lại thương đến nao lòng bàn tay mẹ dồn sức vét cơm, thương tiếng chị gọi từ xa, bóng ngả hanh hao giữa nắng chiều…
Tôi xa quê đi học, tá túc ở nơi phố thị đua chen gồng gánh, mang theo ký ức cơm cháy đến với những chân trời rực rỡ đèn hoa, đủ đầy của ngon vật lạ. Mà lòng tôi có bao giờ quên giề cơm cháy ngọt bùi, thảo thơm tình mẹ, làm sao không hoài nhớ một thời bếp củi chân phương. Ở quê nhà, mẹ vẫn giữ thói quen nấu cơm bằng củi, mặc dù căn bếp xưa đã ở lại cùng miền hoài niệm, và anh tôi đã sắm cho mẹ chiếc nồi điện cùng bếp gas, đỡ đần mẹ chuyện cơm nước. Nhưng mẹ bảo, cơm nấu bằng bếp củi mới ngon, cha mẹ đã già, không còn ăn được cơm cháy, thì mẹ sẽ phơi khô, trút vô hủ nhựa để dành nấu kẹo cơm rang ngào đường. Thành ra, một trong những niềm hạnh phúc của tôi mỗi lần về bên mẹ, là được trệu trạo nhai miếng cơm cháy vàng giòn, thỏi kẹo cơm rang ngọt lịm, và bùi ngùi nhớ về những tháng ngày xưa xa…