Hầu như không ai tránh được hiện tượng béo lên khi bước vào tuổi trung niên. Tuy nhiên, có thể giảm hoặc tránh được nó không? Sau đây là một số thông tin mà bạn cần tham khảo.
Hiện tượng thường gặp ở cả phụ nữ và đàn ông khi bước vào lứa tuổi trung niên (30, 40 hoặc cao hơn) là cơ thể đẫy đà hẳn ra, nhất là ở phần bụng và phần thắt lưng.
Vậy đây có phải là hiện tượng không thể tránh được ở lứa tuổi trung niên hay không? Phó giáo sư Tim Gill, chuyên gia nghiên cứu về béo phì thuộc Viện Nghiên cứu Bệnh béo phì, dinh dưỡng và tập luyện Boden của Trường Đại học Sydney, khẳng định rằng không phải như vậy.
Tuy nhiên, nếu không thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn hoặc thay đổi tình trạng này, hiện tượng sổ bụng chắc chắn sẽ xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này được cho là do sự kết hợp giữa thay đổi thể chất và lối sống.
Nói chung, khi bước vào lứa tuổi trung niên, lượng hormone duy trì cơ bắp sẽ giảm xuống. Đồng thời, cơ thể bắt đầu trở nên nặng nề và kém năng động hơn, khiến cho cơ teo đi do ít được sử dụng hơn.
Cơ là một dạng mô rất năng động, đốt cháy nhiều năng lượng (thậm chí ngay cả khi người ta nằm). Càng lớn tuổi thì cơ càng mất nhiều, năng lượng ít tiêu hao hơn nên sẽ làm cho trọng lượng cơ thể tăng lên.
Do lượng cơ trong cơ thể ít đi, lượng năng lượng bị đốt cháy giảm khoảng 400 kilojoul hoặc hơn mỗi ngày. Hiện tượng này không liên quan đến lượng thức ăn hấp thụ hay hoạt động của cơ thể mỗi ngày.
- Xem thêm: Vượt qua nỗi sợ béo phì
Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết mọi người khi lớn tuổi thường vận động ít hơn (đây là một trong những lý do con người bị giảm lượng cơ trong cơ thể) nhưng năng lượng từ thức ăn và đồ uống hấp thụ có xu hướng không thay đổi. Thậm chí, tiến sĩ Gill cho biết, một số người trung niên còn ăn quà vặt nhiều hơn trước, nhiều khi không phải vì đói mà là ăn cho vui.
Với tất cả những hiện tượng này, có thể kết luận rằng, việc giảm lượng năng lượng bị đốt cháy kết hợp với việc tăng nguồn năng lượng hấp thụ là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tăng cân ở lứa tuổi trung niên.
Trung bình, tỷ lệ tăng cân ở người trung niên được ước tính khoảng 0,5 kg mỗi năm, chủ yếu là mỡ. Con số này thoạt nghe có vẻ không nhiều. Nhưng sau khoảng 10 năm, lượng mỡ tích tụ là khá lớn.
Đặc biệt, sự giảm cơ tăng lên nhanh ở lứa tuổi ngoài 50, khiến hiện tượng tăng cân lúc này dễ xảy ra hơn.
Mỡ thừa thường tích tụ ở vùng bụng
Do mức độ sinh hoạt tình dục và một số hormone tăng trưởng giảm, nên mỡ thừa có xu hướng tích lại, nhất là ở vùng bụng. Hiện tượng này đặc biệt xảy ra khi bước vào thời kỳ mãn kinh, cả ở đàn ông và phụ nữ.
Hiện tượng bụng to ở tuổi trung niên cũng thường thấy ở những người hay uống rượu và bia. Tiến sĩ Gill cho biết rượu và bia ngoài việc chứa nhiều năng lượng, còn là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho hiện tượng tích mỡ, bởi vì một số loại hormone trong cơ thể bị rối loạn do loại đồ uống này.
Một số người trong cơ thể có một số loại gen đặc biệt giúp cho họ ít có nguy cơ bị tích mỡ bụng ở lứa tuổi trung niên hơn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ năng lượng nhiều hơn lượng bị đốt cháy sẽ khiến cho vùng thắt lưng bị tích mỡ, cho dù cơ thể có chứa các loại gen đặc biệt trên.
- Xem thêm: 7 thói quen gây mỡ bụng
Luyện tập thể chất để duy trì lượng cơ
Tiến sĩ Gill cho rằng, có thể ngăn chặn hoặc làm giảm nguy cơ tăng cân ở tuổi trung niên. Nhưng để đạt được kết quả, chúng ta cần phải duy trì một số lượng cơ nhất định trong cơ thể bằng cách thường xuyên hoạt động thể chất và kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống.
Những bài luyện tập thể chất tốt nhất để duy trì lượng cơ (hoặc tăng cường cơ) cho các bộ phận chịu trọng lượng cơ thể chính là chống đẩy, xà đơn, nâng tạ, leo núi hoặc đi bộ lên cầu thang (bài tập này làm tăng lượng cơ chân).
Một số bài luyện tập tăng cường hô hấp và nhịp tim như bơi, hoặc chạy bộ có tác dụng đốt cháy nhiều năng lượng cũng như rất tốt cho phổi và hệ tim mạch. Tuy nhiên, các bài luyện tập này không có nhiều tác dụng duy trì cơ bắp. Tiến sĩ Gill cho rằng, chúng ta cần phải kết hợp giữa hai loại bài tập trên.
Nên nhớ rằng phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Một khi cơ thể đã tăng cân rồi thì việc tập luyện để giảm cân sẽ trở nên rất khó khăn. Nhưng chúng ta cũng có câu rằng “hành động không bao giờ là quá muộn”. Thậm chí, nếu không giảm cân hoàn toàn, thì việc luyện tập để giảm cân đôi chút vẫn rất có lợi cho sức khỏe.
Còn một vấn đề nữa không thể không nhắc tới, đó là lượng mỡ thừa ở vùng bụng thường có liên quan tới một số nguy cơ về sức khoẻ hơn ở các bộ phận khác trong cơ thể. Chính vì vậy, cuộc chiến chống tăng cân ở lứa tuổi trung niên không chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ, mà còn làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và các loại ung thư…