Thông thường, hễ nhắc tới chè là nhiều người nghĩ ngay đến vị ngọt của đường cát hoặc đường phèn. Chưa hẳn vậy!
Còn có nhiều dòng chè sang cả hơn, thuộc hàng bát trân trong y thực triều Nguyễn.
Chẳng hạn, chè dùng khai vị hoặc trợ tiêu. Lấy độ chua thanh dịu của nhiều loại nước quả trái cây nhiệt đới: hạnh (tắc), khóm, kỷ tử… làm nồng cốt. Cùng vị ngọt dịu dàng của ba loại đường: mía, phèn, thốt nốt.
Thế nhưng, tạo ấn tượng khó phai là mùi chua thơm hấp dẫn của hương trái cây (khóm, hạnh, táo) với nước mía. Chúng bao trùm, lan tỏa, càng ngạt ngào, càng sảng khoái.
Chưa kể gần chục loại nguyên liệu bổ dưỡng lặn hụp trong ly chè chua kia. Như, mấy trái kỷ tử ửng đỏ màu ớt chim chín, nhúm rong biển xám xanh, chùm nấm tuyết trắng tươi tựa đóa bạch hồng, cánh giòn sần sật… Đáng kể, có ít hạt sen Huế, dẻo, bùi, thơm thanh thoát đặc trưng. Bên cạnh đó, mấy hạt “cơm” bo bo (ý nhĩ) với những vụn khoai mài (hoài sơn) cũng “hết mình” phụ trợ với chút giòn giòn, deo dẻo thật lạ miệng.
Thế nên, nếu nhìn thoáng qua, dễ nhầm loại chè thanh nhã này với ly sâm bổ lượng thông thường. Song nhẩn nha thưởng thức, người có khẩu vị tinh tế sẽ nhận ra nó thuộc “đẳng cấp” cao hơn. Ở chỗ, chắt lọc nguyên liệu cũng như công phu phối dụng hương vị nhiều loại quả, hạt tươi cùng với một “tay nghề cứng” – dung hòa nên vị ngọt thanh dịu từ nhiều loại đường.
Không chỉ thế, còn có loại chè được dùng làm món ăn lỡ cữ hoặc món chính. Dĩ nhiên, nó không hề ngọt gắt tí nào. Lại trội vị cay thơm nồng ấm mới diệu kỳ!
Nhờ vậy, món chè này, rất hợp với tiết trời lạnh, lúc vào Thu hoặc dịp Đông-Xuân. Bởi, gia vị cay chủ đạo gồm có: gừng củ và hoa hồi. Chúng vừa kích thích thèm ăn vừa giúp trợ tiêu đồng thời làm cho sắc diện người ăn thêm tươi tỉnh – khoái hoạt hơn.
Thêm một bất ngờ khác, cả hai loại gia vị kia không hề “chung đụng” với nhau trong cùng một chén chè. Một “đứa” la đà trong hỗn hợp nước đường, còn “thằng” kia lại ẩn nấp trong nhân.
Mà phần nhân đậu xanh, cũng khác lạ hơn các loại bánh chè “siêu nước” (trôi nước) thông thường. Ở đây, người chế biến cố tình để lại một ít vỏ đậu xanh – trộn lẫn vào nhau – kiểu như một dạng đậu giả lứt vậy.
Nhờ vậy, khi cắn ngập răng, bạn sẽ “nghe” lan tỏa hương vị thơm thanh, ngọt bùi, béo nhẹ của từng vụn vật thực. Và đôi khi, đầu lưỡi bắt gặp chút vị cay the bùng nổ. Đồng thời, mũi thoảng nghe hương hoa hồi chấp chới bay ra. Không chỉ tạo cảm giác bất ngờ, thư thái thì theo Đông y, tinh dầu hoa hồi còn giúp trợ tiêu hiệu quả. Do vậy, người ăn không bị đầy hơi hoặc “no ngang” lúc bụng vẫn chưa… căng.
Vả lại, lớp màu vàng nhạt lấm tấm ít xác củ gừng của nước chè cay cũng được phối dụng khá kỳ công. Người nấu, dùng cả ba loại đường phối nên: phèn, thốt nốt, đường mía.
Tương tự, để “trang điểm” cho nồi chè lấp lánh màu ngũ sắc. Họ cũng dùng nước cốt từ “cơm” trái hoặc nước ép rau củ quả tươi nhuộm nên. Ví dụ: lấy nước cốt trái thanh long ruột đỏ tạo màu đỏ rực của táo Chi Lê, dùng “cơm” hạt trái dành dành nhuộm màu vàng mỡ gà…
Mẹo nhỏ sau cùng, nên pha một ít bột khoai lang trắng vào nguyên liệu bột nếp, dạng đóng gói bán sẵn thì “vỏ” bánh lúc chín mới ráo dẻo như ý được (Lưu ý: dùng củ khoai tươi, gọt vỏ, hấp lên, tán nhuyễn sẽ thơm ngon hơn).
Hoặc giả, nếu còn nửa tin nửa ngờ về các dòng chè lạ kể trên hay do quá bận rộn – không có thời gian mài mò chế biến thử nghiệm – bạn vẫn có thể kiểm chứng được. Bằng cách, chọn mua những sản phẩm cùng tên ở tiệm chè Việt Nam (ViNa Chè) thuộc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Lẽ dĩ nhiên, cách nào cũng có cái được và mất của nó. Riêng người viết, khuyên bạn chọn cách đầu. Bởi khi chứng kiến toàn bộ quá trình “sinh thành” của một món ăn, nguồn hứng khởi sẽ dâng cao, lúc thưởng thức.
Mặc khác, ở góc rộng hơn ẩm thực, nếu tự thân tiêu hóa nỗi buồn dưới góc nhìn lạc quan, chắc rằng bạn sẽ thu được nhiều nụ cười dịu ngọt!
- Xem thêm: Bát trân xưa và nay