ViệtNamđang nổi lên như một ông hoàng mới trong ngành cà phê. Đánh giá trên đây không xuất phát từ chúng ta mà từ các nhà phân tích tình hình xuất khẩu mặt hàng này. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2011 nước ta xuất khẩu 1,257 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,752 tỉ USD; năm 2012 với 1,732 triệu tấn, đạt 3,673 tỉ USD; năm 2013 tính đến nửa tháng 7 đã là 838.867 tấn, đạt gần 1,8 tỉ USD. Hiện nay chúng ta cung cấp 39% lượng cà phê Robusta trên toàn thế giới. Đây là loại được ngành công nghiệp ưa chuộng.
Oái oăm thay, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành cà phê lại đang đổ nợ, mà nguyên nhân chính đến từ chuyện lãi suất cao của mấy năm trước, nay hậu quả vẫn còn. Ở thời điểm năm 2011-2012, dù các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất nhưng thực tế do tính chất rủi ro của ngành, các doanh nghiệp cà phê vẫn phải chịu mức 20 – 22%.
Lợi nhuận lý thuyết của kinh doanh cà phê là 25%/năm, song nhiều người trong ngành không công nhận mức lợi nhuận lý thuyết này, bởi nếu đúng như vậy thì xuất khẩu cà phê không đến nỗi phải đổ nợ đến mức lớn như thế.
Thống kê ngành nông nghiệp cho thấy giá xuất khẩu cà phê của nước ta đạt bình quân cho cả sáu tháng đầu năm 2013 là 2.160 USD/tấn. Mức này cao hơn nhiều so với chỉ số giá sàn kỳ hạn Robusta London cùng kỳ là 2.008 USD/tấn do Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cung cấp trong báo cáo tháng 6-2013.
Thế nhưng những co giật thất thường của giá hàng hóa làm nhiều doanh nghiệp trong nước điêu đứng, phó thác cho may rủi. Rất nhiều khi, giá cả đột nhiên tăng hay đùng đùng giảm, có ngày giao dịch dao động đến vài ba trăm USD/tấn giữa mức cao và thấp nhất.
Một vài kẻ đầu cơ với khả năng tài chính lớn đã cố tình làm thị trường nghiêng ngả để đục nước béo cò, loại những đối thủ cạnh tranh yếu bóng vía để rảnh tay khống chế thị trường. Tài chính eo hẹp, công cụ kinh doanh hiện đại không với tới, các doanh nghiệp cà phê của ta như những chiến binh ra trận nhưng trong tay không một tấc sắt.
Từng đạt doanh số xuất khẩu tới 3 tỉ USD một năm, nay các nhà xuất khẩu cà phê trong nước chỉ giữ được mức hoạt động cầm chừng, trong lúc một số công ty đã phải đóng cửa hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Thậm chí có doanh nghiệp bị các ngân hàng tới bao vây, siết nợ bằng cà phê tồn kho.
Tình trạng ốm yếu của ngành cà phê đã tồn tại từ năm 2010 mà nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp phải gánh chịu mức lãi suất quá cao khiến chi phí tăng quá mức chịu đựng. Chẳng hạn hồi năm 2008, khi ký hợp đồng vay, các doanh nghiệp tính toán với mức lãi suất vay 10%, nhưng sau đó ngân hàng tăng dần lên 12%, 15%, 18% rồi tới 20 – 22%, doanh nghiệp vẫn phải theo.
Ký hợp đồng vay với mức lãi suất thấp nhưng phải trả lãi suất cao khi thị trường tín dụng trong nước nóng lên. Sau khi có chính sách thắt chặt tiền tệ thì lãi suất vay hạ xuống nhưng hạn mức cho vay cũng thấp xuống, người ta không vay được tiền nữa.
Ngoài vấn đề lãi suất, hiện nay ngành cà phê đang gặp một số khó khăn khác. Đó là nông dân không có vốn tái canh cây cà phê già cỗi, doanh nghiệp thì chìm nổi với số nợ xấu gần 8.000 tỉ đồng.
Trong khi Nhà nước hô hào tái canh, hô hào liên kết nhà nông và nhà xuất khẩu nhưng nông dân thì trồng không theo một quy hoạch nào. Cà phê khi thu hoạch thì hái cả trái xanh lẫn trái chín vừa nhẹ công lao động, lo tránh bị mất trộm, mà xanh, chín lẫn lộn thì chất lượng, kích cỡ cà phê giảm, giá bán thấp.
Nhà xuất khẩu thì lo đi gom hàng khi có hợp đồng thay vì lo xây kho, ngay cả khi có kho thì gom hàng từ tầng nấc trung gian nhanh hơn, lợi hơn mua trữ, rồi giựt nợ, xù nợ, xù cà phê ký gửi của nông dân, đại lý.
Mới đây, vào ngày 30-7, Ban điều phối ngành hàng cà phê ViệtNamđã được thành lập trong một cố gắng giúp ngành cà phê phát huy thế mạnh sẵn có của mình. Nhưng liệu điều này có làm được không khi các doanh nghiệp cà phê đang chịu áp lực bên trong là lãi suất và bên ngoài là sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn đa quốc gia.
Chưa hết, hiện đang có tình trạng thanh niên các vùng trọng điểm cà phê do thu nhập quá thấp và công việc cực nhọc đã đổ xô tìm việc ở các đô thị với đồng lương cao hơn.
Hoàng Hà