Hè năm ngoái, trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, ông Keb Chutema – Đô trưởng Phnom Penh đã “ganh tị” khi so sánh “Các bạn (ý nói quan chức) Việt Nam là sướng nhất, chẳng sợ ai. Có gì sai cứ xin lỗi và rút kinh nghiệm là xong. Chẳng bù cho chúng tôi, làm gì cuäng phải cẩn trọng, dè chừng, mất chức như chơi”. Nghe vậy, anh Lê Công Giàu, phó đoàn, cười bảo “Nhờ thế mấy anh mới giỏi”. Ngẫm lại, quan chức xứ mình sướng hơn thiên hạ thật, nhưng người dân lại khổ hơn. Đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải kêu trời“Tôi là dân, tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi (Phiên họp 17 UB Thường vụ Quốc hội).
“Mấy ông” là ai mà Chủ tịch Quốc hội cũng phải sợ? Xin thưa, đó là “Những ông Trời con” trong các cơ quan. Có chút chức quyền, cứ tưởng mình là Nhà nước nên tha hồ phát biểu chủ quan, lâu lâu lại ra những văn bản dưới luật làm khổ dân. Phổ biến nhất là kiểu “Nói năng tùy hứng” và các chỉ thị, thông tư dạng “Đùng một cái”. Nhân dân đã còng lưng đóng thuế để trả lương cho các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ quản lý xã hội. Thế mà không ít quan chức hễ gặp chút khó khăn, thay vì động não, tìm cách khắc phục thì phán ngay “Cấm và Phạt”. Kể cả thưởng cũng kẻ cả kiểu ban ơn. Không phải tự nhiên mà hai vị Bộ trưởng Giáo dục và Y tế có phiếu tín nhiệm thấp nhất trong đợt lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua. Đáng buồn hơn, sau khi dư luận phát hiện ra những văn bản phi lý hoặc trái luật, xâm phạm quyền tự do công dân thì các vị lãnh đạo lại trả lời vòng vo, bảo thủ, biện minh lý sự cùn, coi thường người dân; dù cuối cùng cũng phải sửa sai, hủy bỏ.
Chẳng hạn như văn bản phi lý: “Cộng điểm thi đại học cho các bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cán bộ Tiền khởi nghĩa (trước 1945)”, “Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay không được cao hơn năm trước”… của Bộ Giáo dục. “Cấm bác sĩ bệnh viện công nhận phong bì”, “Hãy gởi ảnh bác sĩ nhận phong bì cho tôi”, dự thảo “Cấm ngực lép lái xe”… của Bộ Y tế. “Phạt xe không chính chủ”, “Phạt người đội nón bảo hiểm dỏm”… của Bộ Giao thông Vận tải. “Cấm ghi hình cảnh sát giao thông” của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ…
Điều lạ nhất là không thấy ai nhận lỗi về sự cẩu thả trong việc ra văn bản chứ chưa nói tới việc xử lý vì những sai phạm trên. Đã đến lúc phải quy định chặt chẽ kỷ luật phát ngôn, kỷ luật ra văn bản và xử lý nghiêm minh nếu vi phạm quy trình. Tình trạng tùy tiện ra văn bản đang ngày có xu hướng “sinh sản vô tính” vì không ai bị xử lý sau khi cơ quan chức năng nhận ra những sai phạm nghiêm trọng về nội dung văn bản. Đất nước sẽ không thể phát triển bởi hệ thống pháp luật chủ quan như vậy.
Người xưa từng dạy “Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, mặc dù “lời nói gió bay”. Làm lãnh đạo nghiêm túc, có khi phải uốn lưỡi gấp đôi. Cầm bút ra văn bản, càng phải nghĩ suy chín chắn và thấu đáo vì đó là thể diện, uy tín quốc gia, ảnh hưởng tới gần trăm triệu công dân.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng