Thôi rồi, thành phố mình và cả miền Tây, miền Đông Nam bộ có mức sinh dưới mức sinh thay thế, chỉ 1,5-1,8 con/mẹ. Nghĩa là sinh chưa đủ bằng số người chết? Thành phố Hồ Chí Minh đáng báo động. Số dân tăng cơ học thì lớn thứ nhì chỉ sau Bình Dương mà mức sinh lại thấp nhất nước…
Bà xã cầm tờ báo nghi ngờ. Những con số các vị la lên cũng nhiều… khả nghi lắm, nào là Việt Nam ta hạnh phúc thứ hai thế giới, nền kinh tế thứ 42 sau sát Singapore… Nhưng mà đây này, cơ quan của quốc gia làm điều tra hẳn hoi, điều chỉnh cả chính sách đây này. Trước đây khẩu hiệu như mệnh lệnh “Hai con là đủ”, nay phải là “Hai con là tốt hơn”…
Trước đây sinh con thứ ba bị đuổi việc, mất thi đua tiền thưởng, vậy mà tình hình thay đổi bất ngờ thật. Tôi nói, có gì lạ đâu, xã hội tiến lên, phụ nữ đòi giải phóng không muốn đẻ, nuôi con khổ lắm. Họ còn không cho con bú vì sợ mệt và ảnh hưởng đến nhan sắc, vì bây giờ thiếu gì sữa, ti tỉ các loại sữa trên thị trường đang cần người mua.
- Xem thêm: Sợ hãi mãn tính
Rồi Việt Nam ta cũng sẽ đến cái chỗ các nước văn minh, “nịnh” các bà, cho bao nhiêu chính sách ưu đãi, họ cũng có chịu đẻ đâu. Bà xã: “Ờ nhỉ, thay đổi nhanh quá. Anh có nhớ nhà văn Pháp viết Người tình không? Bà Duras thì phải. Bà ấy viết cuốn Rào chắn Thái Bình Dương nói về miền Tây Nam bộ, trẻ con sinh ra, chết đi cả loạt vì không được nuôi dưỡng, rồi loạt khác lại sinh ra.
Chúng sinh ra, chết đi cứ như cây cỏ, đọc mà cứ sợ mãi”. Tôi gật đầu: “Ừ, đó là thời Pháp thuộc mà em. Nay khác rồi. Nhưng mà nói miền Tây sinh ít thì quả là vấn đề lớn lắm rồi”.
Bây giờ đến đoạn thảo luận về nguyên nhân và nỗi sợ… đẻ. Có nhớ không, xưa đi lao động đắp đê, làm đường vẫn đùa nhau, xúc đất cho vừa thôi, nặng quá, chuyến này về… tịt mất một lứa đẻ cho coi! Bây giờ nhà cao cửa rộng chẳng phải lao động công trường lao khổ, mà vẫn… tịt cả đẻ. Là vì, sợ quá, nói như ngôn ngữ Facebook thì… vãi quá.
Trung Quốc họ sợ cái công thức “4-2-1 “tức là bốn ông bà và cha mẹ là sáu mà chăm một đứa con (làm gì chúng chẳng ích kỷ), ngồi đấy mà đợi 20 năm sau có công thức “1-6”, tức là một đứa ích kỷ đó nuôi lại sáu vị kia. Hổng dám đâu! Tống vào nhà dưỡng lão là may lắm rồi. Con trai còn yêu đương, bạn gái tân tiến của nó không biết làm dâu, bởi còn bận lắm, còn đi du lịch, còn mớ lý thuyết tôn trọng cá nhân cá tính và khác biệt thế hệ.
Cứ ngồi đấy mà chờ chuyện cổ tích nhé. Thì đó là tấm gương và con đường đang chờ đợi xứ ta. Cho nên nhiều bà mẹ sợ đẻ đi là vừa. Sinh hai đứa cho chúng có anh có em sau này – lý thuyết đó cũng cũ rồi. Anh em sau này, đứa ở Mỹ đứa ở Úc chẳng hạn, cả đời gặp nhau còn ít hơn gặp người bạn thân, hỏi còn nói năng chi?
Chúng thành công dân quốc tế mà. Còn nếu chúng ở cùng quê hương, cùng thành phố chẳng hạn, chắc gì đã giúp được nhau! Nghèo thì dễ hiểu rồi, nhưng thiếu gì anh em giàu có hẳn hoi cũng còn tỵ nạnh nhau làm đám giỗ cha mẹ kia kìa. Đó là chưa kể “trường hợp cá biệt” (cá biệt gì mà chẳng ngày nào trên báo không có tin chém giết người thân), chúng lại thù ghét kiện tụng đánh nhau nữa! Nghĩ thế cũng còn là xa xôi.
Các bà vợ không nhìn xa vậy, mà nhìn gần. Họ có công thức khác Trung Quốc: “Hai vợ chồng son, sinh một con thành… bốn”. Tức là tốn kém vô kể, như cho bốn người. Thuê ôsin nếu hai bên cha mẹ không đỡ đần. Con đau ốm ôm nhau vào bệnh viện thử xem. Không… vãi mới là chuyện lạ. Nhú lên một tí nữa là chạy trường, ôi thôi là chạy. Lo cho con đủ thứ, nếu tỵ nạn giáo dục nữa thì phải lo cỡ… bay mất một cái nhà.
- Xem thêm: Lo cho con
Lo làm bao nhiêu năm, bạc mặt cũng chẳng đủ. Các cô vợ thời nay đâu có chịu cực để nuôi con. Nuôi con như ngày xưa các cụ, thì các cô coi như đang… cạp đất mà ăn. Cho nên chẳng cần điều tra tìm tòi làm gì, ai cũng biết nguyên nhân các nỗi sợ hãi nào khiến các cô… tịt đẻ.
Chẳng cần vận động kế hoạch hóa làm chi. Thật là đúng khi người ta nói, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng dân số. Chứ cần gì kêu gọi bổ sung thêm vào đội quân đang… hãi vãi kia làm gì.