Bà mẹ là người hay sợ nhất nhà, có đúng không? Con cái đi khỏi nhà là lo. Không còn nỗi lo cũ như sợ con ra với bạn bè lêu lổng hư hỏng nữa. Cũ rồi, chuyện đó ai có thân nấy lo chứ cha mẹ gia đình không “bao sân” được nữa rồi. Nỗi sợ bây giờ rất mới. Sợ tai nạn giao thông cũng cũ rồi. Những đứa con thường trả lời: “Nếu cứ sợ tai nạn thì tốt nhất là… ở nhà, khỏi ra đường!”.
Chuyện ấy là không tưởng, cho nên tốt nhất là không sợ nữa, sống chết có số. Nỗi sợ trường học, bệnh viện rồi cũng quen đi. Một người làm phỏng vấn đùa: “Bạn sợ nhất ai hoặc cái gì?”. Cậu thanh niên trả lời: “Tôi không sợ gì cả. Nếu nhìn lại đời mình, tôi không có gì để ân hận. Chỉ có nỗi ân hận lớn nhất là… không có tiền!”.
Còn cái chuyện sợ vợ thì càng cũ hơn. Chỉ có nảy ra thắc mắc: Sao ai cũng nói sợ vợ cả, mà một cuộc điều tra cho kết quả gần 80% số phụ nữ được hỏi thừa nhận mình bị bạo hành.
- Xem thêm: “Tháng cô hồn” nên… sợ ai?
Nghĩa là các ông chồng có sợ… khỉ khô gì đâu, còn “tẩn” cho nữa đó thôi. Cứ là rối beng các lý thuyết, vậy nên mới có những câu tổng kết kiểu “Cái nước mình nó thế”, hoặc “Hôm qua đúng, hôm nay sai, ngày mai lại đúng”…
Một hôm, bà mẹ đi ăn cơm khách nhà bà con. Mọi khi bà ăn mặc đẹp, ủi đồ, hôm nay ăn mặc rất bình dân, tay xách bịch nylon đen. Đứa con có vẻ giận: “Cái túi hàng hiệu con mua cho hôm con đi Singapore về đâu rồi mà má xách bịch nylon gớm ghiếc như bịch rác vậy đi thăm bà con ở nước ngoài về? Họ tưởng chúng con không chăm sóc má. Cái gì trong bịch vậy mẹ?”.
Bà mẹ mở chiếc túi, trong đó là… chiếc iPad cũng con cho. Bà hỉ hả cười: “Ngụy trang… kiểu Úc”! Bà nói nỗi sợ hãi lớn nhất bây giờ đang nóng là sợ kẻ cướp.
Nhiều người tỏ ra sành sỏi bình luận: “Làm gì không cướp? Nơi làm ăn thất nghiệp cả đám, chết như ngả rạ (nhiều người mới lớn chẳng biết ngả rạ là thế nào). Rồi ma túy, đĩ điếm thả về hết, chịu thua, hết thuốc chữa. Mà lại ăn chơi xài sang quen mất rồi.
Nói không oan đâu, mụ ăn trộm tiền tỉ vội đem bán vàng nữ trang để ăn chơi, cưới chồng. Bọn con trai đi cướp được là tụ tập thuê khách sạn ăn chơi hút chích liền.
Vậy là trộm cướp không hoàn toàn do nghèo đói theo kiểu ngày xưa ăn trộm cái nồi đồng, chỉ kiếm bữa ăn, mà chém đứt cánh tay người đang chạy xe, đâm chết cả người về đến nhà rồi đang gọi điện chờ vợ mở cửa để cướp xe và điện thoại.
Cướp này là mang tính thời đại ta, kiểu tàn độc chỉ cần thỏa mãn một cơn ghiền, một món đồ hiệu là sẵn sàng giết người. Tiến xa so với trộm cướp ngày xưa. Chẳng biết sợ hãi là gì, chỉ có người lương thiện là… sợ hãi mãn tính mà thôi”.
Nói chuyện người lớn mãi, e rằng quên mất thế hệ tuổi thơ. Thì trên báo có ngay bức thư gửi ông già Noel của một đứa bé xin món quà là bộ răng thật nhọn để nhai cơm cho nhanh “kẻo hôm nào bữa cơm con cũng bị tát vào miệng đau lắm”.
Chưa chắc đã phải đó là con của bậc cha mẹ vô học hoặc nghèo khó đâu. Một người bình luận, là bởi có nhiều người không nghèo, mà muốn nhanh chóng nhồi cho con nữa là khác.
- Xem thêm: Bệnh ung thư giao thông
Tha hồ mà đoán mò ra hình ảnh của bố mẹ đứa bé bữa ăn nào cũng tát vào miệng con. Thôi thử phỏng vấn một đứa trẻ con nhà trung lưu đô thị xem con trẻ sợ gì. Đáp: “Sợ ma” (nỗi sợ muôn thuở rồi). “Có gì mới hơn không?”. “Dạ có. Con sợ thứ mà chắc chỉ có trẻ con… Mỹ mới biết (vì ở trong game), đó là loại quỷ Slender, mặc áo vest, cao ba mét, không có mặt. Trẻ con đồn đại là ban đêm nó đi mang hồn trẻ con xuống địa ngục.
Ma hay giết chết người đi lạc vào chỗ của nó như nhà hoang hay trang trại. Người nhìn thẳng thì nó đi phía sau, người quay lại, nó lướt trên ngọn cây…”. Nghe trả lời, chính người bày trò phỏng vấn công nhận mình cũng “hãi vãi” và hỏi lại những chuyện thông thường: “Thế con có sợ bị phạt, bị mắng hay… phải đi học không?”. Đứa trẻ gật đầu: “Thực ra cái đó cũng sợ luôn đấy ạ…”.