Các rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta, gây ra nhiều hậu quả đáng kể không những về mặt sức khỏe mà còn cả về mặt xã hội và kinh tế. Chứng mất ngủ thường gặp nhất, ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ và ngày càng có xu hướng tăng lên.
Trong một năm có khoảng 30 – 40% người trưởng thành bị mất ngủ. Mất ngủ chỉ là một triệu chứng (không phải là một bệnh lý), gửi đi thông điệp là cơ thể đang có vấn đề trục trặc.
Có nhiều kiểu mất ngủ, điển hình là khó đi vào giấc ngủ và không ngủ được nên phải thức dậy sớm. Mất ngủ có thể ngắn hạn (vài ngày hay vài tuần), có thể mạn tính (nhiều tháng, nhiều năm). Ngoài ra, người ta có thể bị mất ngủ trong thời gian ngắn do đi công tác hay đi du lịch nước ngoài lệch múi giờ, do tình huống căng thẳng nhất thời trong gia đình hay tại nơi làm việc. Khi các sự cố đó đi qua thì giấc ngủ lại bình thường.
- Xem thêm: Giấc ngủ tự nhiên và khủng hoảng mất ngủ
Nếu triệu chứng mất ngủ kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và ảnh hưởng rõ ràng đến cuộc sống như ban ngày mệt mỏi thường xuyên, làm việc kém tập trung và không có hiệu quả thì chúng ta nên tìm gặp bác sĩ ngay để tránh bị trầm cảm do bị mất ngủ kéo dài.
Để tìm ra nguyên nhân mất ngủ, bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, ví dụ tính chất của giấc ngủ ra sao (thời gian đi vào giấc ngủ, số lần thức giấc ban đêm, dậy sớm lúc mấy giờ vì không ngủ lại được…); những việc xảy ra khi bắt đầu bị mất ngủ (căng thẳng tinh thần vì nguyên nhân nào đó); những thuốc đang dùng để trị bệnh khác có thể gây mất ngủ (thuốc điều trị cao huyết áp, tim mạch, bướu cổ, thuốc giãn phế quản…). Ngoài ra, bác sĩ còn làm một số xét nghiệm để truy tìm một số bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, phì đại tiền liệt tuyến, hội chứng chân không yên, rối loạn hô hấp khi ngủ…
- Xem thêm: Mất ngủ, ngủ muộn, liệu có thể ngủ bù?
Việc truy tìm nguyên nhân để có thể điều trị dứt điểm thường cần có thời gian. Trong khi chờ đợi, người bị mất ngủ nên áp dụng những phương pháp sau đây xem chúng có giúp ngủ tốt hơn được không:
- Hằng ngày đi ngủ và thức dậy vào giờ nhất định (kể cả ngày nghỉ). Riêng người lớn tuổi nên ngủ trễ hơn người còn trẻ.
- Giữ cho phòng ngủ không quá sáng, không ồn.
- Tập thể dục đều đặn (15- 30 phút ) nhưng phải thực hiện bốn giờ trước khi ngủ, nên tắm bằng nước ấm.
- Không ăn quá no trước khi ngủ.
- Không uống các thức uống có cafeine sau buổi trưa.
- Không uống rượu trong vòng bốn giờ trước khi ngủ.
- Không hút thuốc lá vì chất nicotine thường làm cho giấc ngủ không ngon, hay mơ thấy ác mộng.
- Không nên ngủ trưa quá 30 phút.
- Nếu nằm mãi (hơn 30 phút) mà chưa ngủ được thì không nằm trên giường nữa, mà ra khỏi giường, ngồi đọc báo, nghe nhạc… cho đến khi buồn ngủ mới quay trở lại giường.
- Không treo đồng hồ trong phòng ngủ, không để điện thoại di động còn làm việc khi ngủ.
Mất ngủ trong một vài ngày chỉ làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, nhưng nếu kéo dài hàng tháng, hàng năm thì đó thực sự là cơn ác mộng. Nếu bị mất ngủ, bạn nên tổ chức lại giấc ngủ của mình ngay theo những gợi ý trên vì đó là có thể một trong những chìa khóa điều chỉnh tạm thời giúp bạn đỡ bị mất ngủ trong khi chờ đợi những quyết định của bác sĩ.