Có bao giờ bạn có cảm giác khó chịu ở chân không? Có bao giờ bạn thấy bức thiết phải cử động hai chân khi ngồi hay nằm không? Nếu có, có thể bạn đã bị chứng rối loạn giấc ngủ, còn gọi là hội chứng chân không yên.
Hội chứng chân không yên là một rối loạn ở hệ thần kinh vận động, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào (không loại trừ trẻ em) và gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Dù đây là một bệnh lý thường gặp (ở Mỹ tần suất là 10% trong dân chúng) nhưng lại ít được phát hiện vì bản thân người bệnh không biết mô tả các triệu chứng của mình ra sao và thường bị người khác cho là “thần kinh bị căng thẳng”.
Ngay cả một số bác sĩ đôi khi cũng xem thường các triệu chứng bệnh nhân kể ra và không nhận biết được người ấy đã bị hội chứng chân không yên.
Ai bị bệnh này thì cảm giác khó chịu ở chân cứ tăng lên khi ngồi nghỉ, bị mất ngủ nhưng sau khi uống thuốc an thần lại càng mất ngủ hơn, bị trầm cảm nhưng sau khi uống thuốc chống trầm cảm thì cũng trầm cảm hơn.
Nếu bị hội chứng này, triệu chứng chung của người bệnh là ban ngày đứng ngồi không yên, cứ phải đi đi lại lại mới thấy dễ chịu, còn ban đêm thì khi lên giường chuẩn bị ngủ thì vừa nằm xuống là đã có cảm giác tê rần, nhột nhạt, nhức mỏi hai chân nên cứ phải xoay trở nhiều lần trên giường.
- Xem thêm: Stress và các rối loạn giấc ngủ
Không ngủ được, đôi khi người bệnh phải đứng dậy đi lại mới thấy bớt khó chịu, nhưng khi nằm ngủ lại thì cảm khó chịu cũng quay trở lại. Các triệu chứng của hội chứng chân không yên ở mỗi người bệnh không giống nhau, có thể thoáng qua nhưng có khi rất nặng.
Gần 80% bệnh nhân có kèm theo hội chứng cử động chân có chu kỳ, cụ thể là những cái đá chân không tự chủ trong khi ngủ (người ngủ chung mới biết được), mỗi lần kéo dài khoảng 15-20 giây, có hôm liên tục suốt đêm khiến bệnh nhân phải thức giấc nhiều lần, giấc ngủ bị gián đoạn.
Do bị mất ngủ, hôm sau người bệnh khó tập trung vào công việc, trí nhớ kém đi, làm việc không hiệu quả và dần dần bị rơi vào trầm cảm.
Trong số các trường hợp bị hội chứng chân không yên, có thể có những trường hợp liên quan đến di truyền vì người ta nhận thấy khoảng 60% bệnh nhân có người thân đã bị bệnh tương tự. Có nhiều yếu tố có thể gây ra hội chứng chân không yên hoặc làm cho tình trạng này nặng thêm là:
- Mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận mạn, tình trạng thiếu chất sắt…
- Sử dụng lâu ngày một số loại thuốc như thuốc chống ói, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chữa sổ mũi (có chứa chất kháng histamine), thuốc ức chế calci (khi điều trị cao huyết áp), thuốc steroid…
- Đang trong thai kỳ, nhất là trong ba tháng cuối. Thông thường các triệu chứng của hội chứng chân không yên sẽ mất đi trong vòng một tháng sau khi sinh nở.
- Lạm dụng rượu bia.
Nếu nghi ngờ mình mắc hội chứng chân không yên, bạn nên đến bác sĩ chuyên về bệnh lý giấc ngủ để được làm chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ sẽ hỏi kỹ về các triệu chứng, các thuốc bạn đang uống, tiền sử gia đình, khám tổng quát, làm một số xét nghiệm máu và đo đa ký giấc ngủ của bạn.
- Xem thêm: 20 rối loạn giấc ngủ bạn nên tránh
Hiện nay, máy đo đa ký giấc ngủ là phương tiện chẩn đoán chính xác nhất vì nó ghi nhận lại toàn bộ những sự kiện xảy ra trong giấc ngủ và phát hiện những cử động chân bất thường mà bản thân người bệnh không nhận biết được.
Trong khi chờ đợi có chẩn đoán cụ thể, bạn nên vận dụng một vài biện pháp sau đây để phần nào giảm bớt các triệu chứng:
- Cố gắng ngủ được từ sáu đến bảy giờ mỗi ngày.
- Tập thể dục đều đặn hằng ngày với cường độ vừa phải, không quá sức.
- Giảm các thực phẩm có caffeine như cà phê, nước ngọt…
- Không uống rượu và hút thuốc lá.
- Tập thiền và tập yoga để thư giãn.
- Khi có tình huống sắp phải ngồi yên trong một thời gian dài (ví dụ đi du lịch xa bằng xe hơi hay máy bay), bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Dùng khăn chườm nóng hay lạnh lên hai chân.
- Làm các động tác giúp giãn các cơ chân.
- Tắm nước nóng trước khi đi du lịch.
- Massage hai chân.
Được biết, những nghiên cứu y học mới đây trên thế giới đã tìm ra cách chữa trị hội chứng chân không yên hiệu quả hơn, cải thiện được các triệu chứng và giấc ngủ của người bệnh.
- Xem thêm: Mất ngủ, ngủ muộn, liệu có thể ngủ bù?
Hy vọng rằng các bác sĩ chuyên khoa Việt Nam sẽ sớm tiếp thu được cách chữa trị mới để vận dụng đối với các bệnh nhân của mình.