Các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong nước đang tăng trưởng tốt và trở thành đối thủ cạnh tranh “ngang ngửa” với các công ty đa quốc gia trên thị trường nhờ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường các chương trình khuyến mãi và chuyển hướng kinh doanh sang thị trường nông thôn.
Dùng hàng Việt Nam vì niềm tự hào quốc gia
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn dùng hàng Việt Nam chính là niềm tự hào quốc gia. Theo đó, hơn 69% người tiêu dùng tin rằng các doanh nghiệp nội có thể đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của họ. Và sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nội địa theo phương châm “Người Việt dùng hàng Việt” khiến 48% số người tiêu dùng quyết định chọn sản phẩm nội địa thay cho thói quen chuộng hàng ngoại trước đây.
Doanh nghiệp nội đang dần lấy lại thị phần nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng những biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhờ đó mà người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sắm. Ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn những nhà cung ứng trong nước đạt tiêu chuẩn ISO, hàng Việt Nam chất lượng cao để gia tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Như tại các hệ thống Saigon Coopmart, Maximark, hàng Việt luôn chiếm từ 80 – 90% trên các kệ hàng.
Tại ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và nước giải khát, các doanh nghiệp nội chiếm thị phần chưa đến 40%, nhưng trong ngành hàng thực phẩm, thị phần của doanh của nghiệp nội lên tới 55%. Nhờ lợi thế am hiểu thói quen tiêu dùng người Việt, với khả năng học hỏi nhanh, các doanh nghiệp FMCG trong nước đã thấu hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng qua từng thời điểm, từ đó có sự cải tiến sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm tạo niềm tin cho người dùng bằng các thông số VietGap, ISO… trước khi bày bán ra thị trường. Hơn nữa, theo đại diện của Nielsen thì trong cuộc chiến FMCG, việc xác định phân khúc và đưa ra mức giá phù hợp là hết sức quan trọng. Những sản phẩm giá “phải chăng” sẽ dễ dàng đi vào lòng người tiêu dùng. Trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia tập trung chiến lược tung ra nhiều dòng sản phẩm cao cấp thì các doanh nghiệp nội địa lại cơ cấu đa dạng sản phẩm của mình ở các phân khúc khác nhau và chú trọng đầu tư phát triển cho các sản phẩm ở phân khúc giá rẻ. Kết quả trong năm 2016, mức tăng trưởng ở dòng sản phẩm giá rẻ đạt gần 50% so với mức tăng trưởng ở dòng sản phẩm phổ thông là 22%.
Thị trường nông thôn chuộng hàng Việt
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành hàng tiêu dùng nhanh đã có dấu hiệu bão hòa ở khu vực thành thị, vì vậy, khu vực nông thôn với gần 70% dân số đang trở thành thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp FMCG. Thu nhập bình quân của hộ gia đình nông thôn chỉ bằng 40% thành thị nhưng số tiền chi cho hàng tiêu dùng nhanh có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel, ngành hàng FMCG ở khu vực nông thôn ghi nhận mức tăng trưởng gấp bốn lần khu vực thành thị trong năm 2016.
Nhận thức rằng việc “bám trụ” ở các khu vực thành thị đã không còn thuận lợi nên các doanh nghiệp FMCG đã nhanh chóng chuyển hướng về nông thôn, mang theo thông điệp của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Những chuyến hàng lưu động tuy chưa mang lại doanh số tăng đột biến cho các doanh nghiệp nội, nhưng sự linh hoạt và chuyển hướng kinh doanh tích cực này bước đầu đã không chỉ giúp sản phẩm nội được nhiều người tiêu dùng biết đến mà còn gia tăng nhận thức về thương hiệu Việt. Chất lượng cao, giá cả phù hợp túi tiền, kèm theo là những chương trình khuyến mãi thông minh đã giúp các doanh nghiệp trong nước lật ngược thế cờ. Nhiều thương hiệu nhanh chóng qua mặt các ông lớn để trở thành người dẫn dắt thị trường nông thôn.
Mì ăn liền, trà hòa tan và các sản phẩm vệ sinh gia dụng là ba ngành hàng nổi bật ở nông thôn trong thời gian qua. Theo Kantar WorldPanel, các sản phẩm mang nhãn hiệu “3 Miền” của công ty Uniben có một mức tăng trưởng đến trên 20%. Chương trình “Mua 10 gói mì được tặng một cái muỗng” tuy không mới nhưng lại có tác dụng kích cầu mạnh mẽ tại nông thôn. Chỉ thời gian ngắn, một tiệm tạp hóa nhỏ đã bán được hàng trăm gói mì.
Bằng cách thu hút thêm nhiều người mua, mở rộng mạng lưới tiêu dùng, trà hòa tan và sản phẩm vệ sinh gia dụng tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng tiêu thụ. Các ngành hàng này cho thấy tiềm năng phát triển lớn cả về mức độ thâm nhập thị trường cũng như mức độ tiêu thụ. Ngoài ra, hai mặt hàng này cũng có nhiều chương trình khuyến mãi phù hợp với thị hiếu của người dân, đó là chương trình “mua trà hòa tan tặng ly thủy tinh”, còn các sản phẩm vệ sinh thường có chương trình “mua hai tặng một” hoặc tặng các sản phẩm chùi rửa.
“Tiếp thị tại điểm bán, truyền miệng và quảng cáo trên truyền hình sẽ là những kênh hiệu quả cho những doanh nghiệp đang muốn gia tăng thị phần FMCG tại thị trường nông thôn”, đại diện của Nielsen cho biết. Trong khi mạng internet, mạng xã hội và báo chí chưa phổ cập rộng rãi ở các vùng quê thì có tới 99% người được hỏi trả lời là họ thường xuyên xem tivi. Tại thị trường nông thôn, chợ truyền thống là kênh bán lẻ được ghé thăm nhiều nhất với 16 lượt mua sắm mỗi tháng, tiếp đó là chợ phiên 14 lượt mỗi tháng và hàng rong chín lượt mỗi tháng. Các cửa hàng thương mại hiện đại như cửa hàng tạp hóa thường có trung bình sáu đến chín lượt mua sắm mỗi tháng, siêu thị còn thấp hơn với chỉ một lượt mỗi hai tháng. Hằng tháng, một người tiêu dùng nông thôn chi trung bình khoảng 655 ngàn đồng và 175 ngàn đồng cho các kênh thương mại hiện đại. Theo Kantar WorldPanel, khoảng trống cho các doanh nghiệp FMCG trong nước vẫn còn rất lớn tại thị trường nông thôn. Tận dụng được khoảng trống này hay không tùy thuộc vào quyết tâm và bước đi phù hợp của mỗi doanh nghiệp.