Bộ Công thương vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định liên quan đến độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại kèm theo danh mục 20 loại hàng hóa – dịch vụ cụ thể, mà nếu được thông qua sẽ là một bước lùi trong việc mở rộng kinh doanh cho thành phần kinh tế tư nhân.
Theo Bộ Công thương, danh mục này được xây dựng dựa trên chủ trương và chính sách của Nhà nước, trong đó quy định doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, hoạt động về an ninh quốc phòng, truyền tải điện, nhà máy thủy điện quy mô lớn đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân, hoạt động in đúc tiền, xổ số kiến thiết, xuất bản…
Vẫn theo Bộ này, dự thảo nghị định nhằm quy định chi tiết thi hành khoản 4 điều 4 về “thương nhân”, Luật Thương mại năm 2005 theo đó “Nhà nước thực hiện độc quyền có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia”.
Tuy chỉ mới là dự thảo, các quy định cụ thể về danh mục hàng hóa và dịch vụ trên đây đã gây nhiều phản ứng không thuận lợi trong dư luận và giới chuyên môn.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dự thảo trên không xác định thời hạn cho độc quyền là chưa phù hợp với Luật Thương mại. Hơn nữa, danh mục 20 loại hàng hóa – dịch vụ độc quyền của dự thảo dựa trên ba tiêu chí (1) Các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu tham gia, (2) Các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia và (3) Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, anh ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia – là chưa thuyết phục.
Thật vậy, đâu là cơ sở để xác định “không có nhu cầu hay không có khả năng tham gia”? Vấn đề ở đây không phải là việc cung ứng do doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, mà điều quan trọng là cơ chế kiểm tra, giám sát.
Cũng có thể trong khi Nhà nước chưa hoàn thiện thiết chế quản lý tại một số thị trường nhất định thì có thể hạn chế tư nhân tham gia đầu tư.Nhưng cho dù như vậy thì cũng phải xác định rõ thời hạn cho việc xây dựng pháp luật và cơ quan quản lý, cũng như đến thời điểm đó tư nhân đã được quyền tham gia chưa.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thì nhiều nước cũng có quy định cấm tư nhân tham gia hoạt động thương mại liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc phòng nhưng có thời hạn, hết thời hạn là mọi thành phần kinh tế đều được quyền tham gia.
Thực tế ở nước ta, nhiều lĩnh vực độc quyền đã được thực hiện suốt 15 năm qua, nay đã đến lúc cần phải xem lại cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường.
Dường như Bộ Công thương cũng nhận ra những hạn chế của dự thảo, nên sau khi tiếp thu ý kiến của nhiều phía, đã phát đi một tín hiệu rằng danh mục có thể được điều chỉnh giảm khi luật và pháp lệnh có liên quan cho phép bãi bỏ lĩnh vực độc quyền, hoặc có đề xuất của các bộ và cơ quan liên quan thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực trên.
Trong quá trình đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ về mặt luật pháp. Chẳng hạn Hiến pháp 1980 quy định “Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài”. Nhưng Hiến pháp 1992 và 2013 không có bất kỳ quy định nào về việc độc quyền nhà nước.
Theo khoản 1, điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Tất cả doanh nghiệp đều được bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.
Như vậy, độc quyền là đi ngược lại xu thế phát triển như chúng ta đã hiểu lâu nay.
- Hoàng Hà