Vài năm qua, việc khai thác lĩnh vực hàng không chung(*) (General aviation) phục vụ cho du lịch bắt đầu được đặt nền móng ở Việt Nam. Tuy nhu cầu và tiềm năng của mảng kinh doanh này rất lớn nhưng các doanh nghiệp đi tiên phong trong hàng không chung đang gặp nhiều khó khăn, một phần là do thiếu quy hoạch và khung hành lang pháp lý chưa sẵn sàng.
Trên thế giới, ngành hàng không chung với các phương tiện bay như trực thăng, thủy phi cơ, khinh khí cầu đã có mặt từ lâu. Mấy năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của du lịch cao cấp, các tour tham quan bằng trực thăng, thủy phi cơ cũng đã xuất hiện ở một số điểm đến tại Việt Nam. Tuy giá các dịch vụ này khá cao nhưng các hãng lữ hành quốc tế đều cho rằng sản phẩm không khó bán, và muốn phát triển mảng du lịch cao cấp thì không thể thiếu loại hình trên. Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết: “Để phát triển du lịch, Việt Nam cần thêm các dịch vụ cao cấp như thủy phi cơ, trực thăng, khinh khí cầu… tại các địa phương đang thu hút đông khách du lịch, đặc biệt là khu vực từ Khánh Hòa đến Quảng Bình”. Doanh nghiệp này cũng đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ các nhà cung ứng dịch vụ trên bằng chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay… đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và đa dạng của khách du lịch.
Đầu tư quy mô nhất vào hàng không chung hiện nay có thể kể đến Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) với các tour tham quan bằng trực thăng và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu với dịch vụ du lịch bằng thủy phi cơ. Tháng 7-2015, sau khi đưa vào khai thác tour tham quan Đà Nẵng bằng loại trực thăng Airbus Helicopters EC-130T2 hiện đại, VNH dự kiến dịch vụ này sẽ mở rộng ra Quảng Bình, Nha Trang, Phan Thiết, Hạ Long, Phú Quốc trong vòng ba năm tới… Tuy nhiên đã hơn một năm trôi qua, Đà Nẵng vẫn là điểm đến duy nhất trên cả nước có tour tham quan bằng trực thăng của VNH.
Mới đây, Hàng không Hải Âu cũng tuyên bố đang thua lỗ nặng khi chỉ khai thác được một phần ba công suất của ba chiếc thủy phi cơ hiện đại.Sau hơn một năm chính thức hoạt động, doanh nghiệp này vẫn chỉ khai thác được một tuyến Hà Nội – Hạ Long, còn hàng loạt kế hoạch khai trương dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cần Thơ, An Giang, Côn Đảo và Phú Quốc chưa biết bao giờ mới thực hiện được. Hãng hàng không này cho biết thủ tục phê duyệt một đường bay hàng không chung quá phức tạp, tốn thời gian do đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải và Quốc phòng, nên doanh nghiệp hết sức bị động. Ngoài khó khăn kể trên, Công ty Hải Âu cho biết thêm là hoạt động bay đang phải xin phép trước theo từng chuyến khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi khách có yêu cầu đột xuất. Thực tế, công ty này đã nhiều lần từ chối nhu cầu bay tham quan vịnh Hạ Long với lý do không chủ động được lịch bay vì còn phụ thuộc vào vấn đề cấp phép.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam từng nhận xét: “Thủ tục tổ chức các đoàn bay khó khăn, phức tạp quá, nó làm nản lòng tất cả những ai đi xin thủ tục để tổ chức các chuyến bay”. Tiến sĩ kinh tế Lương Hoài Nam, người có nhiều năm làm việc trong ngành hàng không cho biết: “Để hàng không chung có thể phát triển mạnh, cần xây dựng và ban hành nhiều quy định phù hợp với các hoạt động hàng không đặc thù, đặc biệt liên quan đến việc tổ chức quản lý bầu trời và các hoạt động bay; cấp phép cho các phương tiện bay và người điều khiển”.
(*) Theo quy định hiện hành, hàng không chung là hoạt động sử dụng máy bay để thực hiện chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ.
Cẩm Tú (DNSGCT)