Chúng ta đang phải đối mặt với thảm họa về bệnh truyền nhiễm trên quy mô toàn thế giới. Các bệnh dịch mới xuất hiện ngày càng nhiều theo tác nhân biến đổi khí hậu, trong khi tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở nên phổ biến ở hầu hết các nước. Phát biểu này được đưa ra bởi bà Margaret Chan, người đứng đầu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tại Hội nghị Y tế thế giới lần thứ 69 tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tháng 5 vừa qua. Bà cũng khuyến cáo rằng việc phản ứng chậm trễ và thiếu hiệu quả như khi đối phó với dịch Ebola trong thời gian qua là một thất bại cần rút kinh nghiệm nên các nước cần chuẩn bị thật chu đáo để đối phó với các đại dịch mới có khả năng bùng phát trong thời gian tới.
Tình trạng biến đổi khí hậu đã làm thay đổi nghiêm trọng hệ sinh thái và làm trầm trọng thêm cho các dịch bệnh mới. Tại Malaysia, El Nino đã gây tình trạng cháy rừng, phá hủy hệ sinh thái, khiến loài dơi và quạ mang virus Nipal có điều kiện phát tán tới con người. Chỉ trong ba tháng, virus này đã gây bệnh cho 283 trường hợp và 105 người chết. Một số bệnh nhiễm khuẩn khác cũng lây qua nhanh do sự nóng lên của trái đất như: sốt rét ở khu vực cao nguyên Đông châu Phi, viêm não do ve truyền ở Thụy Điển, bệnh Lyme ở Canada, bệnh sán máng ở miền Đông Trung Quốc và châu Âu, bệnh lưỡi xanh do virus ở châu Âu, bệnh sốt Tây sông Nile… Đặc biệt là mới đây, cả thế giới phải đối phó với đại dịch Ebola với tỷ lệ tử vong của bệnh nhân có thể lên đến 90%.
Trái đất nóng lên đã tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh hoành hành, trở thành cơn ác mộng của nhiều nước nhiệt đới. Muỗi là loài sinh sôi nhiều ở khí hậu nóng ẩm, là tác nhân truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Bệnh dịch tả hay nhiều bệnh đường ruột khác thì lây lan từ nước uống nhiễm bẩn trong mùa mưa và hoành hành chủ yếu ở những nước đang phát triển. Tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, những rối loạn của cơ thể do nhiệt độ tăng cao… cũng có chiều hướng gia tăng và có mối quan hệ khá mật thiết với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các hóa chất độc hại trong cây trồng được sinh ra bởi sự biến đổi khí hậu. Thông thường các loại cây sẽ chuyển đổi nitrate thành các axit amin và protein. Tuy nhiên, quá trình hạn hán lại làm chậm quá trình chuyển đổi này. Nitrate tích lũy trong thực vật trở nên độc hại với chính thực vật đó và các động vật ăn phải chúng. Cũng theo Liên Hiệp Quốc, trên thế giới hiện nay có 80 loài thực vật được biết đến là gây ngộ độc do tích lũy nitrate như lúa mì, lúa mạch, ngô, kê, lúa miến, đậu nành và nhiều loại cây nhạy cảm khác.
Tổ chức Y tế thế giới mới đây đã đưa ra một danh sách các bệnh truyền nhiễm cần sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt nhằm ngăn chặn khả năng bùng phát đại dịch trong tương lai. Danh sách này bao gồm bảy bệnh cần được quan tâm khẩn cấp gồm: sốt xuất huyết Crimean Congo, bệnh Ebola, sốt xuất huyết Marburg, sốt Lassa, hội chứng suy hô hấp cấp do vi-rút corona (MERS-CoV và SARS), bệnh do vi-rút Nipah, sốt Rift Valley; ba bệnh khác được xếp ở mức độ nguy hiểm gồm: bệnh Chikungunya, hội chứng sốt giảm tiểu cầu do vi-rút SFTS, và bệnh sốt Zika. Nhiễm HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh cúm gia cầm và bệnh sốt xuất huyết Dengue không được đưa vào danh sách này bởi vì những bệnh này đã và đang có mạng lưới kiểm soát và nghiên cứu rộng lớn.
Trước thực trạng dịch bệnh đang có xu hướng ngày càng lan nhanh và phát triển toàn cầu, WHO yêu cầu cần phải có một hệ thống cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm sớm trên phạm vi toàn cầu, đồng thời người dân cần phải biết rõ đầy đủ thông tin về các loại dịch bệnh để phòng tránh và hạn chế nguy cơ lây lan rộng sang các nước khác. Hệ thống cảnh báo sớm sẽ chuyển đổi thông tin mô hình dịch bệnh từ nơi bùng phát, quản lý những rủi ro đồng thời đánh giá tốc độ, nguy cơ lây lan, mức độ nghiêm trọng và thông báo đến toàn dân để giảm thiểu những thiệt hại. Thời gian qua, đại dịch Ebola ở châu Phi và Zika ở châu Mỹ lan rộng nhanh chóng là do mọi người chưa cập nhật thông tin cũng như những cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bệnh. Trong khi đó, bệnh truyền nhiễm thường tấn công con người một cách bất ngờ, không báo trước và chúng có lây nhiễm vì sự vô ý của chính người bệnh và những người không được cung cấp thông tin đầy đủ.
Chính vì vậy, một hệ thống cảnh báo dựa trên sự tính toán thông minh từ các dữ liệu có thể được chia làm ba cấp độ là phát dịch, cảnh báo và khẩn cấp là vô cùng cần thiết để thông tin về bệnh dịch được tiếp cận với người dân một cách nhanh chóng. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm này còn có thể sàng lọc các bệnh lây nhiễm từ các loại động vật bằng việc thường xuyên cập nhật và đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu y học trên mọi phương diện.
Việt Nam hiện được xem là “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người với hàng trăm bệnh như dại, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, viêm màng não, cúm gia cầm, dịch hạch, bệnh than… Trong khi đó việc chẩn đoán và điều trị các bệnh mới nổi rất khó, một số lại biến chủng, biến đổi, tăng độc lực với mức độ lây lan cao. Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng đều do ô nhiễm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc nguồn nước bị ô nhiễm, nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn phát triển, muỗi gia tăng khiến cho bệnh sốt xuất huyết, sốt rét cũng tăng cao. Còn tình trạng ô nhiễm nguồn nước thì khiến cho dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát. Trước thực trạng trên, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo các nguy cơ, tăng khả năng ứng phó với thiên tai thảm họa… để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng.
- Đức Hà tổng hợp