Thời xưa, còn chiến tranh, hậu phương chính là vùng nông thôn, quê quán. Hễ có loạn lạc, dân thành thị lại chạy khỏi thành phố, về quê. Đến thời bình, mỗi khi giỗ tết, dân thành phố cũng về hậu phương thăm mồ mả cha ông, bà con họ hàng. Khi ra đi lại chất lên xe bao đặc sản của quê nhà.
Rồi hậu phương có thêm một số ông bà cán bộ về hưu, con cái trưởng thành ở riêng, cha mẹ mua miếng đất về quê cất nhà về đó sống. Gặp gỡ bà con bạn bè trò chuyện trong các bữa tiệc, thấy thông tin ở hậu phương dù thời internet vẫn cứ lạc hậu hơn thành phố.
Thế mà bây giờ, thành phố bỗng trở thành hậu phương vững chắc, có lạ không? Này nhé, mỗi mùa thi đại học, những năm trước chưa cải tiến còn thi hai kỳ, khoảng 2 triệu thí sinh, cộng thêm cha mẹ chị em đưa đi nữa là dăm ba triệu người. Cứ xem trên báo thấy cảnh cha con mẹ con vật vờ ở vỉa hè bóng cây, là đủ biết họ không có hậu phương ở thành phố.
- Xem thêm: Nợ… Sài Gòn
Các em, các cháu từ Nghệ An, Lai Châu… cũng vào tận Sài Gòn thi đại học. Có bà con ở thành phố là có chỗ nhờ. Bà con lo chỗ ăn, ở, phương tiện chở đi lại. Năm nay đỡ hẳn, do ai ở đâu thì thi tại đó. Nhưng khi biết điểm rồi, đăng ký tuyển sinh mới gọi là mê hồn trận. Điện thoại dưới quê réo lên, người lớn cứ việc lo hơn các đương sự là cậu ấm cô chiêu.
Bà xã nói: “Đừng có tưởng nhà quê lam lũ vất vả không có cậu ấm cô chiêu nhé. Đầy! Con cái lớn ngồng nhưng không phải để ở nhà mà nói chuyện lao động lam lũ đâu. Chúng chờ cơ hội để thoát ly khỏi nhà quê, tất cả hướng lên thành phố tìm cơ hội”.
Mà các cô cậu lại không có tinh thần cạnh tranh nỗ lực, cứ tưởng thành phố là ngon ăn dễ dàng.
Có cô lên “hậu phương” học ôn thi, vì năm ngoái đã trượt rồi. Chủ nhà là bà con, ưu tiên cho tiền học thêm. Nhưng mà cô ấy chỉ hay… buồn ngủ. Lúc nào cũng thiếu ngủ hay sao đó, không học được. Cứ động đến cuốn sách là cơn buồn ngủ ập đến.
Chủ nhà đi làm về, đầu tắt mặt tối chui vào bếp làm cơm ngon bồi dưỡng thí sinh, còn các cô chẳng động cựa gì. Môn nào cũng kém mà chọn toàn trường “hot” theo bạn bè. Chẳng cô cậu nào tự biết mình. “Hậu phương” lại phải đi săn thông tin, nếu có chỗ trông cậy nhờ vả được là phát huy hết.
Người thanh niên “con nhà chúng ta” chẳng biết làm gì hơn là… chờ sự chạy vạy của người lớn. Cái xã hội rộng lớn và nhốn nháo chằng chịt các mối quan hệ này, làm sao các cô cậu biết được. Chúng như con ngáo ộp hung dữ.
Các bậc cha mẹ kêu ca chửi rủa trên mạng xã hội về tuyển sinh chạy vạy rút đơn ra nộp đơn vào, hết trường này đến trường khác, chạy bất cứ cửa nào, bất cứ trường nào, miễn là đậu, không cần hướng nghiệp.
Rất lạ là toàn bà con cha mẹ kêu la trên mạng, chứ chẳng thấy chính các cô cậu học sinh lên tiếng (họ biết gì đâu mà lên tiếng?).
Có bà con ở hậu phương thành phố khuyên thế này: Sao không học lấy một nghề cho giỏi, nghề mà xã hội cần đó. Như điều dưỡng chăm sóc em bé, người già (thiên hạ chẳng phát sốt lên tìm ôsin đấy thôi, nhu cầu thị trường là đó chứ đi đâu xa). Hay là nấu ăn, làm việc ở khách sạn, công nhân tay nghề cao…
Sao cứ nhất nhất phải vào đại học nào cũng được. Ra trường thất nghiệp lại học lên thạc sĩ. Cứ thế chờ thời vận. Chứ mà độc lập tìm hiểu xã hội, nỗ lực vươn lên, học nghề thành tài, những câu đó nghe xa xôi quá, không lọt tai.
- Xem thêm: Góc phố Sài Gòn
Thế rồi bức tranh như chúng ta đã biết, ra trường thất nghiệp. Còn những cô cậu đang đi học thì sau khi đã chạy long song sọc để đậu đại học một cái là… không học nữa.
Là sinh viên, phải đi làm, bỏ tiết để bưng bê quán xá cũng được. Cố lê lết hết bốn năm, lấy cái bằng chìa cho nhà tuyển dụng, mà nghề nghiệp vẫn như… không có. Là vì có học hành nghiêm chỉnh bao giờ đâu. Cứ đổ hết lỗi cho nhà trường, thầy cô và ngành giáo dục, là ổn cả.
Thế là công của hậu phương hay “tiền tuyến” đều đi tong. Xã hội có được các chàng trai cô gái con cưng chẳng bao giờ trưởng thành.