Anh xã đi cắt tóc vỉa hè về, bảo: “Thật! Chưa bao giờ đi bụi như hôm nay. Định băng qua đường, thấy ông già thân thiện mời, thì thử đi, ngồi đại dưới gốc cây thoáng mát”. Mà ngạc nhiên, không máy lạnh, không đồ nghề xịn, mà ông già cắt được quá”.
Rồi anh săm soi trước gương, bảo rằng “cái nôi” lưu giữ tài hoa thủ công dân gian chính là đây chứ đâu xa, các ông già cắt tóc, sửa giày vỉa hè, các bà bán xôi cả mấy chục năm…
“Cô xã” (vì còn trẻ nên không gọi “bà xã”) – bèn nguýt dài, sao hôm nay lại… khen à, lại đổi tông à? Mọi khi toàn thấy anh kêu ca tiêu cực, chê tất cả. Nào kẹt xe ngập nước, giáo dục y tế, đồ ăn nhiễm độc.
Hôm qua có cái clip trên mạng, cảnh ở nước ngoài đoàn xe ôtô đang chờ đèn đỏ trên quãng đường rừng. Bỗng từ chiếc xe trước vứt văng ra bìa rừng thứ gì trông như vỏ trái dừa. Một người ở chiếc xe sau thấy vậy tức giận mở cửa, cúi nhặt cái vỏ dừa, ném mạnh vào trong chiếc xe vừa vứt ra.
Tình hình thế nào? Người ở xe trước bèn mở cửa, xuống xe… nhặt lại hết mấy đồ mình vừa ném, rồi đem lên xe, lái đi.
- Xem thêm: Thành phố “hậu phương”
Ở xứ ta đừng hòng. Người trên xe ném rác sẽ mở cửa bước xuống, tiến đến người xe sau và… uýnh lộn. Đấy, chuyện gì xấu là anh bảo “ta” còn thiên hạ văn minh hết. Thế có phải anh thành kiến với ta không nào? Thật là trái với “bản tính dân tộc” nhé, cái gì hay là ta, cái gì bố láo là thiên hạ.Vậy mà hôm nay anh khen ông cắt tóc vỉa hè, lạ ghê vậy đó.
Anh xã liền thành khẩn gật gù, em không nghe kỹ chuyện ông đó nói. Ổng kể toàn chuyện mình sống ở Sài Gòn mà không biết gì trơn. Ổng bảo, muốn cắt tóc miễn phí không, vô Câu lạc bộ cắt tóc miễn phí ở quận 7, đường Trần Xuân Soạn, có tên người hẳn hoi nè, anh Nguyễn Hoàng Phong là nhóm trưởng.
Họ lấy tiền đâu à? Có cả Công ty Stylist 4 Men làm từ thiện hảo tâm giúp tiền điện nước, nếu còn chút đỉnh thì “dư dả cho anh em làm ổ bánh mì ly nước mía”. Họ tình nguyện cắt tóc miễn phí, vì muốn “cho đi, không nhận lại”, vậy thôi.
Cô xã hùa nói theo liền: Anh không biết chớ, Sài Gòn còn có “Biệt đội SOS Sài Gòn” giúp những người gặp nạn ban đêm nữa đó. Chứ không phải chỉ có quán cơm 2.000 đồng cho người lao động nghèo, nước trà đá, bánh mì miễn phí dọc đường, quầy quần áo ai thừa đem cho, ai thiếu cứ lấy tự nhiên xuất hiện trên đường phố…
Mình cứ hết giờ chui vô nhà, đến giờ là chui vô sở làm, không lang thang tìm hiểu, không chịu “đi chơi Sài Gòn”, cứ ngày nghỉ là đi du lịch chen chật đường, nên nhiều chuyện lặng lẽ phía sau đâu có biết.
Thì hôm nay anh cũng nghe ông già cắt tóc bảo, “có phúc mới được sống ở Sài Gòn đó chú ơi”. Mà ổng kể đời sống gia cảnh, anh thấy khổ chứ có sướng gì. Vợ buôn bán vặt, thằng con chạy xe ôm, nhà cửa trong hẻm nhỏ xíu à. Vậy mà còn kêu có phúc mới được như thế.
Vợ cười mỉm: Anh nhớ lời cô Năm hổm rày về thăm gia đình cũng bảo “có phước mới được sống ở Mỹ” đó không, đất nước nhất thế giới ai cũng ao ước. Giờ đến ông già sống nghề lây lất vỉa hè bảo có phước mới được sống ở Sài Gòn.
- Xem thêm: Về quê, là sẽ… buồn thương lâu lắm
Đúng rồi, nhiều người lao động tứ xứ đến đây, phố xá nguy nga, tiệm hàng sang trọng, tấp nập. Trời có nóng mấy thì chiều đến là có gió mát. Biết sao không? Thành phố biển mà, ban ngày nóng nôi khói bụi, chiều gió biển thổi cái, mát liền.
Nhiều người đến đây lập nghiệp, ban đầu hai bàn tay trắng, rồi dần đi lên. Ông già cắt tóc đã nhiều tuổi lắm, mình hỏi sao bác chưa nghỉ, ổng bảo, giống như chuyện có người hằng ngày ra ném cơm cho đàn chim trời trước cửa nhà thờ Đức Bà, hay là có ông già mấy chục năm viết thư miễn phí ở Bưu điện Thành phố đó, mình làm gì được cứ làm. Ông còn muốn hôm nào tham gia đầu quân cho đội cắt tóc miễn phí ít bữa.
“Sài Gòn cho đất làm nghề, người Sài Gòn cho tiền mình sống. Nhiều khi thấy như mình… nợ Sài Gòn vậy đó”. Lời ông già cắt tóc hôm nay góp phần “phản tỉnh” chút ít cho “anh hùng bàn phím” hay chê bai trên mạng xã hội. Ổng không chỉ cắt tóc trên đầu, mà còn như… gội rửa giùm cả cái não bên trong vậy đó.