Những diễn tiến dồn dập thời gian gần đây của thị trường tài chính – tiền tệ khiến cho nhiều doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng không khỏi lo ngại về khả năng lãi suất sẽ tăng trở lại.
Tổng vốn huy động của các ngân hàng những tháng đầu năm có xu hướng tăng chậm hơn nhiều so với dư nợ cho vay. Vì thế, các ngân hàng thương mại gần đây đã bắt đầu điều chỉnh nhẹ lãi suất tiền gửi để thu hút thêm nguồn tiền gửi tiết kiệm. Nếu tình hình này kéo dài, việc lãi suất huy động phải tăng mạnh hơn nữa nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cho vay là tất yếu. Hệ quả là lãi suất cho vay sẽ tăng cao tương ứng.
Không những thế, từ đầu năm đến nay, cùng với đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản đã dần hồi phục, kéo theo sự nhộn nhịp của dòng tiền đổ vào lĩnh vực này. Dĩ nhiên, sẽ có một bộ phận người gửi tiền tiết kiệm rút tiền đang gửi ở ngân hàng để chuyển vào thị trường địa ốc, theo dạng đầu tư hoặc đáp ứng cho chính nhu cầu thực về nhà ở của mình. Đó là chưa kể đến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và cho hoạt động kinh doanh, đầu tư, mua sắm…
Tuy nhiên, tất cả những yếu tố kể trên cũng không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất bằng sự mất giá của VND so với USD. Khởi đầu từ việc Trung Quốc tiến hành phá giá đồng nhân dân tệ, chỉ trong một thời gian ngắn, đồng bạc Việt Nam cũng bị cuốn vào cuộc, liên tục được điều chỉnh giảm giá trị so với đồng USD. Không chỉ VND, nhiều đồng tiền trên thế giới và khu vực cũng bị giảm giá so với đồng USD. Theo bản tin nợ mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), từ đầu năm đến nay VND đã mất giá 5,2% so với USD, thuộc mức trung bình trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Những đồng tiền bị mất giá mạnh nhất là Kyat của Myanmar (gần 25%), Ringgit của Malaysia (19%), Rupiah của Indonesia (12,5%)… Việc VND giảm giá so với USD có ảnh hưởng lớn đến lãi suất tiền gửi của VND, bởi nếu độ chênh lệch lãi suất huy động giữa hai đồng tiền (VND và USD) được giữ nguyên, người ta có xu hướng chuyển tiết kiệm từ VND sang USD để hưởng lợi.
Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra, ít nhất là trong thời gian tới. Đầu tiên, độ chênh lệch lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND và USD vẫn đang ở mức “chấp nhận được” đối với người giữ tiền đồng. Cụ thể, chênh lệch lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng của VND (khoảng 6%/năm) và USD (khoảng 0,75%/năm) vẫn đang nhỉnh hơn độ chênh lệch của tỷ giá giữa hai đồng tiền. Nếu tỷ giá được giữ ổn định đến cuối năm thì nắm giữ tiền đồng không đem đến thiệt thòi so với nắm giữ USD.
Sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang khá nhất quán, theo hướng nới lỏng chính sách tiền tệ một cách có kiểm soát nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Khi lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh do nhu cầu gom USD của doanh nghiệp và các ngân hàng đề nghị được tăng lãi suất VND, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không tăng thêm và sẵn sàng bán ngoại tệ theo nhu cầu của các ngân hàng thương mại.
Một yếu tố hỗ trợ mạnh cho sự cương quyết kể trên của nhà điều hành chính là mức lạm phát hiện vẫn đang ở mức rất thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 vừa qua giảm 0,07% so với tháng trước, đồng nghĩa với sau tám tháng đầu năm, chỉ số này mới tăng 0,61%, cách rất xa mục tiêu được Quốc hội thông qua cho năm 2015 là khoảng 5%. Ngoài ra, cán cân thanh toán vẫn đang tích cực. Tổng hòa những yếu tố kể trên, trong trung hạn, có thể khẳng định rằng dù cho nhu cầu tín dụng cuối năm có tăng cao, khả năng lãi suất tăng mạnh là không nhiều và đó là một tin tốt cho các doanh nghiệp.
Ngọc Khang (DNSGCT)